dd/mm/yyyy

"Thẫn thờ" cảnh hàng ngàn gốc cam bị chặt bỏ vì giống kém chất lượng

Gần 1.000 gốc cam bị chặt bỏ vì giống kém chất lượng, có dấu hiệu vàng lá, quả chua, vỏ sần sùi. Xót của lắm, bao nhiêu công sức chúng tôi chăm bón hơn 5 năm nay chưa cho thu hoạch được vụ nào giờ trôi sông trôi bể cả...

Do mua giống cam kém chất lượng không rõ nguồn gốc, nhiều hộ dân xã Hương Thủy (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) rơi vào tình trạng thất thu. Thương lái không đến thu mua hoặc thu mua với giá rẻ mạt, nhiều hộ chấp nhận chặt phá toàn bộ giống cam “dại” sau hàng năm trời bỏ công sức và của cải chăm sóc.

Những gốc cam xanh tốt nhưng không cho quả hoặc cho quả kém chất lượng.
Những gốc cam xanh tốt nhưng không cho quả hoặc cho quả kém chất lượng.

Gia đình ông Thiều Sỹ Hùng (thôn 4) có thâm niên trồng cam hàng chục năm nay với hơn 1.000 gốc nhưng chưa bao giờ ông phải cắt bỏ cây cam khi vừa mới trồng được 5 năm. Ấy vậy mà năm nay, ông đã phá bỏ hơn 200 gốc để trồng giống cam mới.

Theo ông Hùng, năm 2012, ông mua 400 cây giống của vợ chồng Tài - Hồng (xã Phúc Trạch) với giá 20.000 đồng/cây về trồng. Sau thời gian chăm sóc, đến năm 2015, toàn bộ gốc cam này bắt đầu cho quả bói. Hiện cây cam cho rất ít quả và quả kém chất lượng nên rất khó bán.

Ngồi thẫn thờ bên gốc cam, ông Hùng cho biết: “Lúc mua giống cây “tơ”, cây rất bình thường, phát triển tốt. Được năm đầu cho quả to, khá đẹp nhưng vỏ hơi dày, bán không được giá. Nghĩ một phần do mình chăm chưa đúng cách, hai vợ chồng bàn nhau giữ lại chăm sóc với hy vọng cải thiện chất lượng quả. Sang mùa vụ thứ 2, dù chế độ chăm sóc rất tốt nhưng quả nhỏ dần, chua và dày vỏ hơn.

Càng lâu quả cam càng nhỏ, vỏ dày và có vị chua.
Do giống kém chất lượng nên cây trồng càng lâu quả cam càng nhỏ, vỏ dày và có vị chua.

Đến nay, cây cam cao vổng lên, quả rất nhỏ và chỉ có cồi chứ không có lá. Vì quả kém chất lượng nên cam rất khó bán, thương lái thu mua với giá từ 2.000 – 10.000 đồng/kg mà phải năn nỉ họ mới đồng ý mua, trong khi cũng trong vườn nhưng giống cam ngon thì giá từ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Vài ngày nữa tôi sẽ thuê máy đào toàn bộ gốc cam này để thay giống cây mới chứ càng để lâu càng thất thu”.

Bi đát hơn, gia đình ông Trần Đình Dũng (thôn 4) là một trong những hộ chịu thiệt hại nặng nề nhất khi phải phá bỏ gần 1.000 gốc cam chanh. Năm 2012, gia đình ông mua 400 gốc cây cam giống của ông Phan Văn Sơn (xã Phúc Đồng) và gần 600 cây giống từ vườn ươm Việt (xã Hương Long) với giá 20.000 đồng/cây. Sau bao nhiêu năm trời bỏ công chăm sóc, đến nay toàn bộ số gốc này đã lớn, sum xuê nhưng không cho quả hoặc cho quả thì vỏ dày, sần sùi và vị chua.

Đang dọn dẹp số cây vừa bị cắt bỏ, chị Phan Thị Hoa (vợ anh Dũng) buồn rầu: “Năm nay tiền bán cam không đủ bù công chăm sóc. Gần 1.000 gốc cam có dấu hiệu vàng lá, quả chua, sần sùi nên giờ phải cắt bỏ hết cả. Xót của lắm, bao nhiêu công sức chúng tôi chăm bón hơn 5 năm nay chưa cho thu hoạch được vụ nào giờ trôi sông trôi bể cả. Thiệt hại ước tính hơn 400 triệu đồng”.

Không riêng gì gia đình anh Hùng, anh Dũng mà tại xã Hương Thủy có hàng chục hộ dân rơi vào tình cảnh tương tự, hộ ít thì vài trăm gốc, hộ nhiều lên đến cả ngàn gốc. Nhiều gia đình đành ngậm ngùi thuê máy về phá bỏ để trồng giống cam hoặc bưởi mới.

Cam kém chất lượng được bán với giá “rẻ như cho”
Cam kém chất lượng được bán với giá “rẻ như cho”

Trao đổi về vấn đề này, ông Bạch Đình Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thủy cho biết: “Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã xuống tận nơi kiểm tra tình hình. Theo thống kê bước đầu, toàn xã có khoảng 10ha với hơn 5.000 cây cam cho quả kém chất lượng, cây không phát triển, tập trung nhiều nhất ở thôn 1, 2, 4 và 7 khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh thất thu dù vụ cam năm nay được đánh giá khá được mùa. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tuy nhiên có thể do ảnh hưởng của mưa lũ, sâu bệnh, hoặc cũng có thể do chất đất chưa phù hợp, nguồn giống không đảm bảo chất lượng…”.

Dù chưa thu hoạch được vụ nào nhưng người dân đành chặt bỏ để trồng giống mới.
Dù chưa thu hoạch được vụ nào nhưng người dân đành chặt bỏ để trồng giống mới.

Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê cho biết: “Phòng đã nắm được sự việc trên và chỉ đạo xã vào từng hộ dân kiểm tra số lượng cụ thể số gốc cam kém chất lượng trên địa bàn. Vì số cam này đã trồng cách đây 4 năm nên phải đi đến từng hộ để xác minh sự việc. Cần phải kiểm tra người dân mua giống của ai, trong quá trình lấy giống có giấy tờ hoặc hợp đồng xác nhận hay không. Huyện cũng yêu cầu địa phương báo cáo về Phòng Nông nghiệp sớm để chúng tôi phối hợp với đoàn kiểm tra, xử lý”.

Việc phá bỏ cây cam do giống kém chất lượng chỉ là giải pháp tạm thời, để tránh lặp lại tình trạng này rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất giống; ngăn chặn và xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân SXKD giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trên địa bàn.

Tâm Đan