dd/mm/yyyy

Sơn La: Phát triển “mỗi xã một sản phẩm” tạo sức bật nông thôn mới

Thực hiện chương trình OCOP “mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Sơn La phấn đấu xây dựng ở mỗi huyện, mỗi xã có một sản phẩm chủ lực đặc trưng có thương hiệu, có giá trị. Hiện chương trình đang được các cơ sở triển khai, thực hiện và được xem là giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế ở mỗi địa phương, tạo sức bật trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn.

Sơn La là tỉnh miền núi ở Tây Bắc có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất tạo ra nhiều loại sản phẩm đặc trưng ở các địa phương. Thông qua chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, nhằm tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn. Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền các huyện, thành phố tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Phát triển các sản phẩm chủ lực ở các địa phương theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. 

Sản phẩm mật ong của HTX 19/5 Mộc Châu. 

Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh Sơn La là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, gắn với phát triển nông thôn với đô thị, là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Trọng tâm của chương trình “mỗi xã một sản phẩm” ở Sơn La là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của tỉnh theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, hộ sản xuất và thành phần kinh tế tập thể sản xuất như HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác thực hiện. Các sản phẩm tạo ra có sự khác biệt, mang tính đặc thù gắn với những nét truyền thống, văn hóa và điều kiện tự nhiên riêng của tỉnh Sơn La chiếm ưu thế khi đưa ra thị trường. 

 Sản phẩm tinh dầu sả của HTX dược liệu huyện Mường La.

Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm” gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm” song ở mỗi địa phương đang có những cách làm phù hợp, bước đầu khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhờ triển khai tốt chương trình "mỗi xã một sản phẩm", bước đầu phát huy được tiềm năng thế mạnh ở các cơ sở.

Triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm” trong đó trọng tâm là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ và du lịch, phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương. Triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế có khả năng cạnh tranh trên thị trường góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Lựa chọn được sản phẩm tiêu biểu, có tiềm năng phát triển thành hàng hóa của các huyện, thành phố.

Nhiều sản phẩm đặc trưng ở các địa phương của tỉnh Sơn La được xúc tiến quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến với người tiều dùng. 

Sau 2 năm triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, đến nay 11/11 huyện, thành phố của Sơn La đã có sản phẩm đặc trưng riêng. Qua rà soát của các địa phương có nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền. Hiện cả tỉnh có gần 200 loại sản phẩm lợi thế có giá trị kinh tế, trong đó đã có 20 sản phẩm làm điểm OCOP, như: Cá tép dầu khô ở Quỳnh Nhai; măng trúc muối ớt, trà xanh mây ở Bắc Yên; gạo nếp tan Mường Và ở Sốp Cộp; xoài sấy dẻo, chuối sấy giòn Yên Châu; mận sấy gừng, mận sấy mật ong, mận sấy thảo dược Mộc Châu; hồng giòn sấy dẻo Vân Hồ; long nhãn sấy khô Sông Mã; tỏi đen, tỏi khô Phù Yên; thịt trâu hun khói, cà phê bột nguyên chất, trà vỏ cà phê, mật ong ở thành phố Sơn La; tinh dầu xả Mường La; long nhãn sấy khô ở Mai Sơn…

 Nhờ phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương mà nhiều người nông dân Sơn La có thu nhập ổn định.

Hiện nay, tỉnh Sơn La đang triển khai các quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như: Vùng trồng cà phê, vùng sản xuất chè, vùng sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả sạch, nuôi cá tầm vùng lòng hồ sông Đà… Đồng thời, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, HTX, các hộ gia đình đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Quốc Định