dd/mm/yyyy

Ngọt ngào từ lam lũ

Phước Thuận, Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Phan Rang - Tháp Chàm... Những cái tên ấy của Ninh Thuận, mới nghe, đã gợi lên cho người ta ý nghĩ về miền đất nắng gió thổi rát mặt, rộc người. Ấy vậy mà vẫn có một thứ mát tươi, ngọt ngào vẫy gọi hàng vạn người ùa về đó là những cánh đồng nho bạt ngàn chuyên chở khát vọng, tâm nguyện của bao thế hệ.

Có người từ bỏ hẳn đời sống an nhàn nơi phố thị về làm bạn với ruộng vườn. Những làng nho, vựa nho truyền thống cũng chuyển mình hiến dâng cho đời sống loại quả, đồ uống có “giá trị đặc biệt” chẳng thua gì đồ ngoại nhập.

Các vườn nho Ninh Thuận đều trồng theo phương châm sạch.
Các vườn nho Ninh Thuận đều trồng theo phương châm sạch.

Ước vọng từ những giọt mồ hôi

Bước sang tuổi 55, lão nông Nguyễn Văn Bồng ở Nhơn Sơn (Ninh Sơn) mới được đón đứa con thứ hai chào đời. Tất cả sự trẻ trung như ùa về. Bén duyên với nghề trồng nho từ những năm 1980, mấy vụ thất bát, cây chết trắng vườn, người vợ mang con bỏ xứ ra đi làm đủ thứ việc. Muộn phiền bủa vây, ông Bồng chỉ biết than vãn với cây. Bỏ nghề thì day dứt không đành, ông mang mật nho đã tích trữ và ngâm trước đó đi đổi lấy lương thực, mua sách về đọc và đi khắp nơi học cách “khám” bệnh cho nho. Mồ hôi bắt đầu đổ xối xả xuống ruộng, dù một công đoạn nhỏ trong kỹ thuật trồng cũng quyết không bỏ qua.

Chẳng mấy chốc, 5 sào nho của ông Bồng đã trĩu quả trở lại. Bài học đau thương giúp ông nghiệm ra là: Làm nông dân cũng phải học, học liên tục. Thói quen cũ không thể dùng mãi được. Kỹ thuật mới lợi hại lắm, giúp cây chống chọi bệnh tật, hạn chế rụng quả, tăng năng suất. Quan trọng nhất với nông dân vẫn là khâu xuống giống, điều tiết nước tưới, đoán được chính xác các dấu hiệu bệnh như: rệp lá, rầy, phấn trắng, nhện đỏ... Nếu để bệnh lan rộng ra, khó cứu nổi cả vườn nho.

Khi đủ tự tin với kỹ thuật của mình, ông Bồng miệt mài đi hướng dẫn cho nhiều chủ vườn và hồ hởi thông báo cho vợ: “Hãy về sinh con tiếp. Vườn nho khỏe rồi. Khách đến mua tấp nập. Có đoàn còn tham quan, chụp hình tanh tách để đi giới thiệu. Ước vọng đời sống sung túc không còn vời xa”.

Xuyên suốt 3 thế hệ, mọi sinh hoạt, nghi lễ của gia đình, dòng tộc đều có sự xuất hiện các thực phẩm từ nho, ông Nguyễn Niềm ở Khánh Hải (Ninh Hải) nhẩm tính, có thời điểm để ra được 1kg nho thương phẩm, người trồng phải mất 10 lít mồ hôi, 1 lít mật thì phải đổ ra hàng trăm lít mồ hôi. Tính thế để thấy hành trình cây nho thành “nữ hoàng”, nức tiếng như hôm nay, sức lực của nông dân bỏ ra không nhỏ.

Trước đây, Ninh Thuận chỉ trồng chủ yếu nho đỏ Cardinall, nho xanh NH01-48. Có năm nho mất giá, hàng trăm nông dân ăn nho thay cơm, uống nước nho để bồi bổ sinh lực suốt nhiều ngày trời. Tác dụng từ nho mang lại càng thúc đẩy ước vọng của nông dân về một loại nước uống không thua gì các loại nước tăng lực nhập ngoại đó là: Mật nho.

Thành công rực rỡ nhất trong số hàng ngàn người quanh năm “ăn ngủ” với nho đó là ông Nguyễn Văn Mọi. Bền bỉ trong lao động, cẩn trọng trong chế biến, bảo quản cộng với những công nghệ tiếp thu được từ Phân viện Công nghệ thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, ĐH Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh, ông Mọi đã cho ra đời thương hiệu rượu nho Ba Mọi vang danh khắp nước.

Đến các vườn nho Ninh Thuận được ăn miễn phí và nghe nông dân kể chuyện về cây nho.
Đến các vườn nho Ninh Thuận được ăn miễn phí và nghe nông dân kể chuyện về cây nho.

Từ thực tế thành công của bản thân, ông Mọi vẫn hay động viên các nông dân, chủ vườn hãy cứ tin trong vị mặn của mồ hôi có vị ngọt của nho. Hiện, với 1,5 héc-ta, mỗi vụ trang trại ông Ba Mọi cho khoảng hơn 10 tấn nho ăn quả và 5 tấn nho làm rượu. Một trong những bài học quý báu ông Mọi đúc rút ra và chia sẻ với các bạn vườn khác là phải tuyệt đối xem cây nho như một sinh thể. Không được bắt cây làm việc liên tục. Những tháng mưa (trái vụ, từ tháng 5 đến tháng 10) nên cho cây nghỉ ngơi, không thúc ép ra quả. Nếu cây kiệt sức sẽ còi cọc, thoái hóa dần và chết yểu. Có người quá lạm dụng sức cây, khi thấy cây yếu ớt lại đổ thừa cho thời tiết là sai.

Hấp dẫn cả ta và tây

Hơn 10 năm trước, nông dân Ninh Thuận có nằm mơ cũng không nghĩ có ngày gắn trồng nho với làm du lịch, chỉ ngồi ở ruộng nghe điện thoại cũng có thể nhận được hàng chục đơn hàng.

Vừa thoăn thoắt nhặt những chiếc lá khô trong vườn nho, nông dân Nguyễn Thành Hậu ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) vừa tâm sự: Thời tiết ở đây khắc nghiệt lắm. Năm 1993 đến đây chỉ thấy nắng và gió. Nông dân xoay chuyển đủ đường mà đời sống cũng không khá lên được mấy. Khi ấy có vài hộ trồng nho thử nghiệm thôi. Sau đó, thấy cây sinh trưởng được, nhà nhà nô nức trồng, đến nay đã lên đến hơn 180 héc ta với trên 500 hộ gia đình trồng nho. Các vườn tập trung chủ yếu ở thôn Thái An nên cái tên làng nho Thái An nhanh chóng được định danh.

Thấy khách đến làng nho Thái An ngày một đông, hàng loạt nông dân vừa sản xuất vừa luyện dáng đi uyển chuyển, cách mời chào thân thiện. Ba đời chỉ biết lội ruộng nhưng nay gia đình ông Nguyễn Thành đã thông thạo kỹ năng làm du lịch sinh thái. Ông Thành chia sẻ: Khách rất hào hứng với những câu chuyện kể chân thật từ lúc cây nho nảy mầm đến lúc thu hoạch và ra những chai mật, chai vang nho thơm nức, ngọt mát.

Đến Vĩnh Hải nói riêng, Ninh Thuận nói chung bây giờ không chỉ có nắng và gió nữa mà còn có những vườn nho trĩu quả, những câu chuyện thấm đẫm nghĩa tình của các chủ vườn. Khách cũng có thể ngủ ngay tại nhà chủ vườn để đêm đến vừa thưởng thức nho vừa ngắm trăng, hóng gió. Sau đó quyết định mua bao nhiêu nho là tùy ý, chủ vườn tuyệt đối không chèo kéo. Có người từ tận Nga, Pháp... cũng đến để trải nghiệm không gian này. Muốn lưu lại những kỷ niệm ấn tượng, nhiều cặp đôi còn tìm đến các vườn nho Ninh Thuận chụp ảnh cưới và dùng chính rượu nho để đãi tiệc.

Ông Lê Văn Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải vui mừng: Đời sống của nông dân đổi thay thì quê hương, đất nước cũng giàu đẹp lên. Cứ trung bình 1 héc ta nho ở làng Thái An cho thu nhập 45-50 triệu đồng, nhiều gia đình đã vươn lên khấm khá. Lao động vất vả là thế nhưng nông dân Ninh Thuận cũng rất hào phóng. Bất kể khách nào đến thăm vườn đều được ăn nho miễn phí thỏa thích.

Chất lượng không thua kém các loại nho nước ngoài.
Chất lượng không thua kém các loại nho nước ngoài.

Cũng giống làng nho Thái An, trang trại của ông Nguyễn Văn Mọi cùng nhiều vườn khác đang điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước lẫn quốc tế. Nông dân Nguyễn Thị Ngọc ở Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm) thực lòng thổ lộ: Khách đến thăm vườn thì cũng cứ xem như đến thăm nhà, chủ luôn sẵn lòng mời quả nho lẫn mật nho. Nếu thấy hấp dẫn, ngon ngọt, bổ

Tôn vinh nông dân trồng nho và những sản phẩm từ nho: Kéo dài từ 26/4 đến hết ngày 2/5/2019 tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam, Ninh Sơn, Bác Ái sẽ diễn ra Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2019. Điểm nhấn chủ đạo là tôn vinh người trồng nho và các sản phẩm từ nho.
Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều hoạt động ấn tượng như: Trải nghiệm làng nho, làng táo; Tọa đàm Nho và Vang Ninh Thuận; Trải nghiệm Vườn Quốc gia Phước Bình; Tái hiện Lễ bỏ mả của người Raglai; Khám phá làng gốm Bầu Trúc, cồn cát Mũi Dinh...

dưỡng thì mua. Cũng có thể lưu lại số điện thoại để khi cần chỉ việc bốc máy, các chủ vườn sẽ gửi đến tận nhà. Điều kiêng kỵ nhất của nông dân Ninh Thuận đó là “chặt chém” khách lạ.

Đổi đời bao phận người

Sau mấy chục năm bén rễ, diện tích trồng nho ở Ninh Thuận đã tăng lên hơn 1.200 héc ta, cho sản lượng khoảng 300 ngàn tấn/năm thu về trên 820 tỷ đồng. Cây nho đã giúp hơn 5.000 hộ dân thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên thành triệu phú. Nho Ninh Thuận có độ bổ dưỡng không thua các loại nho nước ngoài nhưng giá cả chỉ giao động 60.000-70.000 đồng/kg nho xanh và 30.000-40.000 đồng/kg nho đỏ.

Có thời kỳ gian thương độn đủ thứ nho khác vào nho Ninh Thuận để bán dạo dọc quốc lộ 1A nhưng ngay lập tức bị các chủ vườn thứ thiệt lật tẩy và luôn nhắn nhủ: Muốn mua hàng thật hãy đến tận vườn hoặc các cửa hàng uy tín. Ông Nguyễn Văn Mọi khẳng định: Chất lượng và vị ngọt của nho Ninh Thuận không lẫn vào đâu được. Tất cả các chủ vườn thì đều cam kết không gian lận. Thà lời ít mà tạo được thương hiệu bền vững còn hơn chộp giật.

Theo Đề án “Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020”, cây nho vẫn là cây chủ lực, diện tích sẽ tăng lên hơn 2.500 héc ta đồng nghĩa với việc tạo đời sống và việc làm ổn định cho khoảng 12.000 nông dân.

Bước vào thời kỳ hội nhập, để các sản phẩm từ nho vươn xa, đóng góp thêm thương hiệu ấn tượng cho đất nước, Ninh Thuận còn quy hoạch vùng sản xuất nho chất lượng cao, tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài hai giống nho xanh NH01-48, nho đỏ Red Cardinal sẽ phát triển thêm nhiều giống nho mới như: NH02-97, NH02-90, NH02-137...

Luôn đau đáu quan tâm đến sức khỏe người sử dụng, năng nổ trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân Đào Mạnh Tiệp ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) quả quyết rằng: Là nông dân tỉnh lẻ lại ở thời công nghệ 4.0, nhiều người trẻ như chúng tôi đã tự tin biến nhiều cánh đồng lúa kém hiệu quả sang trồng nho xanh NH 01-48, áp dụng quy trình sản xuất siêu sạch. Để các chất có trong nho không giảm do nắng hạn, nông dân cũng sẽ sáng tạo nên cách tưới nước tiết kiệm.

Bài và ảnh: Hà Văn Đạo