dd/mm/yyyy

Nâng cao năng lực cho cơ quan thực thi pháp luật Lào Cai giải quyết các vi phạm về động vật hoang dã

Trong 2 ngày (8 và 9/12), USAID phối hợp với Cục Kiểm lâm Việt Nam tổ chức khóa tập huấn về xử lý vi phạm về động vật hoang dã và tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án về động vật hoang dã (ĐVHD) cho các cơ quan thực thi pháp luật và tư pháp tỉnh Lào Cai.
Nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật Lào Cai giải quyết các vi phạm về động vật hoang dã - Ảnh 1.

Khóa tập huấn về xử lý vi phạm về động vật hoang dã và tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án về động vật hoang dã cho các cơ quan thực thi pháp luật và tư pháp tỉnh Lào Cai. Ảnh: Cục Kiểm lâm Việt Nam.

Truyền tải những nội dung quan trọng về động vật hoang dã

Đây là chương trình do Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp của USAID phối hợp với Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) tổ chức. Khóa tập huấn thu hút sự tham gia của hơn 70 đại diện từ các cơ quan thực thi pháp luật và tư pháp, các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai như, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Cục Hải Quan, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Quản lý Thị trường, Cục Thi hành án Dân sự.

Tại lớp tập huấn, các học viên đã được tiếp thu các nội dung về: Nhận dạng các loài ĐVHD quý hiếm thường bị buôn bán trái pháp luật; kỹ năng thu thập, xử lý, bảo quản và giám định các mẫu vật, chứng cứ, đặc biệt là tang vật là ĐVHD trong các vụ án buôn bán ĐVHD; quy trình và thủ tục điều tra, xác minh, xử lý các vụ án hình sự về tội phạm buôn bán động vật hoang dã theo quy định của pháp luật Việt Nam; kiến thức về pháp luật quốc gia và quốc tế về bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký cam kết.

Bà Trần Thị Nam Hà, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp Trung ương cho biết: “Dự án của chúng tôi tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực và tăng cường sự phối hợp liên ngành cho  các cơ quan thực thi pháp luật và tư pháp của Việt Nam trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ ĐVHD, đặc biệt là các cơ quan cấp địa phương.

Lào Cai là tỉnh tiên phong, điển hình trong công tác phối hợp liên ngành nội chính và mô hình này sẽ được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.”

Năm 2019, trong bản án của UBND TP. Lào Cai đối với những kẻ buôn bán sừng tê giác, cũng như vụ bắt giữ bốn chú chuột túi gần đây ở tỉnh Cao Bằng, các khu vực biên giới rất dễ xảy ra tình trạng buôn bán ĐVHD. Tuy nhiên, vùng biên giới cũng có thể trở thành vị trí chiến lược để ngăn chặn các hoạt động trái pháp luật này.

Nhận thức được những cơ hội này, Cục Kiểm lâm và chính quyền tỉnh Lào Cai, khu vực giáp ranh với Trung Quốc thường diễn ra các hoạt động thương mại và du lịch xuyên biên giới lớn, đã tổ chức các hoạt động liên quan đến thực thi pháp luật và đào tạo tư pháp.

Nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật Lào Cai giải quyết các vi phạm về động vật hoang dã - Ảnh 2.

Các học viên trao đổi, thảo luận tại khóa tập huấn. Ảnh: Cục kiểm lâm Việt Nam.

Nâng cao kỹ năng điều tra, xử lý vi phạm động vật hoang dã

Khóa tập huấn lần này được kỳ vọng sẽ nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử và giải quyết các vi phạm, tội phạm liên quan đến ĐVHD. Các yếu tố chính bao gồm việc nhận dạng các loài ĐVHD được bảo vệ; nâng cao kỹ năng thu thập và bảo quản chứng cứ, hiểu biết về quy trình và thủ tục điều tra, xác minh, xử lý vụ án hình sự về buôn bán ĐVHD theo quy định của pháp luật Việt Nam; và nâng cao kiến thức về pháp luật quốc gia và quốc tế về bảo vệ ĐVHD nguy cấp, cũng như các công ước quốc tế quy định về buôn bán và vận chuyển ĐVHD mà Việt Nam là thành viên.

Mục tiêu của khóa tập huấn nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các cán bộ trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử và giải quyết vi phạm, tội phạm liên quan tới ĐVHD.

Để giới thiệu về quy trình xét xử, một phiên tòa giả định xét xử một vụ án buôn bán ĐVHD đã được tiến hành bởi Tòa án nhân dân tỉnh. Các học viên có cơ hội được quan sát quá trình tổ chức phiên tòa với sự tham gia của các vai trò tương tự trong các vụ án hình sự, bao gồm kiểm sát viên, luật sư bào chữa, thẩm phán, bị cáo và những người liên quan đến việc tiến hành phiên tòa.

Đông thời, học hỏi các kỹ năng thực tế gồm: thu thập chứng cứ về ĐVHD để phục vụ xét xử; đánh giá chứng cứ; luận tội và bào chữa cho bị cáo; phán quyết, tuyên án của Hội đồng xét xử dựa trên kết quả xét xử. Dự án hy vọng các học viên có thể áp dụng những kiến thức, kỹ năng được trang bị trong khóa tập huấn để phục vụ công tác điều tra, xử lý các hành vi vi phạm, tội phạm về ĐVHD.

Nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật Lào Cai giải quyết các vi phạm về động vật hoang dã - Ảnh 3.

Nâng cao kỹ năng về xử lý vi phạm về động vật hoang dã và tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án về động vật hoang dã. Ảnh: M.X.

Ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi Cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho rằng: Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc phòng chống tội phạm về ĐVHD diễn ra rất tốt. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh để phòng chống loại tội phạm này.

Tuy nhiên, do chồng chéo trong các quy định pháp luật đặc biệt theo Luật tổ chức điều tra hình sự, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong thẩm quyền của Kiểm lâm trong việc xử lý tội phạm này. Bên cạnh đó, việc chưa có hướng dẫn định giá ĐVHD, quy định chưa rõ ràng về việc xử lý vật chứng là ĐVHD cũng khiến các cơ quan chức năng chưa có cách hiểu thống nhất trong việc xử lý vi phạm về ĐVHD. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị Dự án tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy hoàn thiện các quy định pháp luật về ĐVHD trong thời gian tới.

Mùa Xuân