dd/mm/yyyy

Mục tiêu đến 2030 không có người tử vong vì bệnh Dại

Giai đoạn 2017 - tháng 8/2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh Dại tại 52/63 tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016.

Đây là con số được Bộ NNPTNT công bố tại hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình Quốc gia khống chế, tiến tới loại trừ bệnh Dại, giai đoạn 2017 - 2021 và góp ý dự thảo Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022 - 2030, ngày 28/9.

378 người tử vong vì bệnh Dại

Theo Bộ NNPTNT, trong giai đoạn từ năm 2017 - tháng 8/2021, có 41 tỉnh, thành phố báo cáo phát hiện và xử lý tổng cộng 15.082 con chó (chiếm khoảng 0,04% tổng đàn) và 6 con bò, bê, nghi mắc bệnh Dại; trung bình mỗi năm xử lý 3.016 con vật, dao động từ 1.294 con (năm 2021) đến 3.979 con (năm 2019).

Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý đàn chó, theo dõi, giám sát, phát hiện và xử lý động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dại của các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn tại nhiều địa phương (41 tỉnh, thành phố) thì tại một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến nội dung này.

Mục tiêu đến 2030 không có người tử vong vì bệnh Dại  - Ảnh 1.

Theo Bộ NNPTNT, trong giai đoạn 2017 - tháng 8/2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh Dại. Trong ảnh: Cán bộ thú y huyện Vũ Thư (Thái Bình) tiêm phòng Dại trên chó. Ảnh: P.V

Trong giai đoạn 2017 - 2020, mặc dù bệnh Dại đã được kiểm soát tốt hơn giai đoạn trước, nhưng trung bình mỗi năm có 79 người tử vong vì bệnh Dại; số lượng người bị chó, mèo cắn trên 500.000 người buộc phải điều trị dự phòng, gây tổn thất lớn về sức khỏe, tính mạng và kinh tế khoảng hơn 3.800 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ, giai đoạn trước năm 2018 không ghi nhận ca bệnh Dại trên chó. 

Tuy nhiên, từ năm 2018 có ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại tỉnh Cà Mau (tại thị trấn U Minh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) và liên tục phát hiện tại tỉnh này hàng năm cho đến nay. Đồng thời có chiều hướng xuất hiện lan rộng ra các tỉnh khác trong khu vực.

Hướng tới loại trừ bệnh Dại

Theo nhận định của Bộ NNPTNT, bệnh Dại tồn tại ở Việt Nam nhiều năm nhưng chưa loại trừ được. Theo phân tích về kinh tế dịch tễ của các chuyên gia quốc tế phối hợp với Văn phòng Đối tác Một sức khỏe của Bộ NNPTNT, trong giai đoạn 2005 - 2014 (10 năm), tổn thất về kinh tế khoảng 15.000 tỷ đồng.

Trong dự thảo dự thảo Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022 - 2030, Bộ NNPTNT và Bộ Y tế đưa ra mục tiêu kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030.

Mục tiêu cụ thể về phòng, chống bệnh Dại ở động vật: Quản lý số hộ nuôi chó, mèo, số chó, mèo nuôi đạt trên 70% đối với giai đoạn 2022 - 2025 và đạt trên 90% đối với giai đoạn 2026 - 2030; Tổng đàn chó, mèo nuôi được tiêm phòng vaccine Dại đạt 70% đối với giai đoạn 2022 - 2025 và đạt 80% đối với giai đoạn 2026 - 2030.

Số tỉnh, thành phố thực hiện giám sát chó, mèo mắc, nghi mắc đạt trên 70% đối với giai đoạn 2022 - 2025 và đạt trên 90% đối với giai đoạn 2026 - 2030; Xây dựng thành công thêm ít nhất 10 vùng an toàn dịch bệnh Dại cấp huyện hoặc vùng liên huyện và ít nhất 10 cơ sở an toàn dịch bệnh Dại cấp xã, phường...

 Đối với phòng, chống bệnh Dại ở người, mục tiêu 100% các huyện có điểm tiêm chủng công lập vaccine Dại và huyết thanh kháng Dại cho người; 100% các tỉnh thực hiện truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận thức cụ thể về bệnh Dại ở cộng đồng/trường học. 

100% số người tiêm vaccine phòng Dại do động vật cắn được báo cáo, thông qua hệ thống báo cáo quốc gia; 90% số người bị động vật cắn bị được điều trị dự phòng đủ sau phơi nhiễm. 

Đến năm 2025, không còn tỉnh nguy cơ cao về bệnh Dại trên người; đến 2027 không còn tỉnh có nguy cơ bệnh Dại trung bình trên người.

Đến năm 2025, giảm 50% số người bị tử vong do bệnh Dại so với giai đoạn 2017 - 2021 và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030. 


Minh Ngọc