dd/mm/yyyy

Một điều kinh ngạc chưa từng xảy ra ở hồ điều tiết cao nhất thế giới, người làm nông nghiệp sợ hãi

Mực nước tại hồ Titicaca – hồ có thể điều tiết được cao nhất thế giới và lớn nhất Nam Mỹ – đang giảm nhanh chóng sau đợt nắng nóng chưa từng có.

Sự suy giảm đáng kinh ngạc đang ảnh hưởng đến du lịch, đánh bắt cá và nông nghiệp, những ngành mà người dân địa phương dựa vào để kiếm sống.

Nazario Charca, 63 tuổi, sống trên hồ bằng nghề đưa đón khách du lịch quanh hồ, nói với CNN: “Chúng tôi không biết mình sẽ làm gì từ nay đến tháng 12 vì mực nước sẽ tiếp tục xuống thấp”.

Du khách từ lâu đã bị thu hút bởi làn nước trong xanh và bầu trời rộng mở của hồ lớn nhất Nam Mỹ, trải dài hơn 3.200 dặm vuông qua biên giới Peru và Bolivia.

Đôi khi được mô tả là “biển nội địa”, đây là nơi sinh sống của các cộng đồng bản địa Aymara, Quechua và Uros và nằm ở độ cao khoảng 3.800 mét (12.500 feet) trong dãy núi trung tâm Andes, khiến nó trở thành hồ có thể điều tiết được cao nhất trên thế giới. Độ cao cũng khiến hồ tiếp xúc với mức độ bức xạ mặt trời cao, làm tăng khả năng bốc hơi và tạo nên phần lớn lượng nước thất thoát.

Hơn ba triệu người sống quanh hồ, dựa vào vùng nước của hồ để đánh cá, trồng trọt và thu hút khách du lịch.

Giờ đây, hồ có nguy cơ mất đi một phần “phép thuật” đó.

Một điều kinh ngạc chưa từng xảy ra ở hồ điều tiết cao nhất thế giới, người làm nông nghiệp sợ hãi  - Ảnh 1.

Người dân đi trên mặt hồ khô cạn

Mặc dù mực nước dao động mỗi năm nhưng những thay đổi này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do khủng hoảng khí hậu. Theo nhà khí tượng học Taylor Ward của CNN, một đợt nắng nóng kỷ lục đã khiến lượng nước bốc hơi tăng lên và mực nước hồ giảm xuống, tình trạng thiếu nước do hạn hán trở nên trầm trọng hơn.

Sixto Flores, giám đốc cơ quan khí tượng và thủy văn quốc gia Peru (Senamhi) tại Puno, nói với CNN rằng lượng mưa ở đó thấp hơn 49% so với mức trung bình từ tháng 8 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023, khoảng thời gian bao gồm cả mùa mưa mà mực nước thường phục hồi.

Flores nói với CNN rằng đến tháng 12, mực nước sẽ hướng tới mức thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 1996 nếu hồ bốc hơi với tốc độ như thường lệ trong vài tháng tới, điều mà ông mô tả là “rất nghiêm trọng”.

Flores cho biết đây là một phần của sự “giảm dần” mực nước tại hồ trong những năm gần đây, và một nghiên cứu gần đây kiểm tra hình ảnh vệ tinh từ năm 1992-2020 cho thấy Hồ Titicaca đang mất khoảng 120 triệu tấn nước mỗi năm, mà các tác giả cho rằng chủ yếu là do sự thay đổi lượng mưa và dòng chảy.

Các cộng đồng sống dựa vào đánh bắt cá đang gặp khó khăn khi mực nước thấp làm tăng thêm các vấn đề: trữ lượng cá giảm do ô nhiễm và đánh bắt quá mức. Nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, chính quyền khu vực báo cáo rằng cây trồng bị thiệt hại nặng nề trong mùa thu hoạch vừa qua. Phần lớn cây quinoa và khoai tây, cả hai mặt hàng chủ lực của địa phương, đều bị ảnh hưởng, cũng như yến mạch được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc.

Nền kinh tế du lịch cũng bị ảnh hưởng sau khi những chiếc thuyền dùng để chở du khách quanh hồ bị mắc kẹt do nước rút. Jullian Huattamarca, 36 tuổi, người bán hàng dệt may sản xuất tại địa phương cho du khách đến đảo Taquile cho biết: “Chúng tôi vô cùng lo lắng vì mực nước hiện đang giảm rất nhiều”.

Một điều kinh ngạc chưa từng xảy ra ở hồ điều tiết cao nhất thế giới, người làm nông nghiệp sợ hãi  - Ảnh 2.

Khu vực hồ ngày càng khô cạn nhìn từ trên cao

Ông chia sẻ với CNN: “Chúng tôi muốn khách du lịch quay trở lại, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Vùng Puno, bao quanh toàn bộ phía Peru của Hồ Titicaca, từ lâu đã được biết đến là một khu vực kém phát triển và bị gạt ra ngoài lề xã hội của đất nước. Gần đây hơn, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và làn sóng bất ổn xã hội. Puno trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình kêu gọi Tổng thống Dina Boluarte từ chức, vốn được xây dựng dựa trên sự phẫn nộ ngày càng gia tăng do bất bình đẳng trong nhiều thập kỷ, cáo buộc tham nhũng và mức sống trì trệ”.

Huattamarca nói với CNN rằng du khách đã không đến khu vực này trong thời gian biểu tình. “Họ hơi sợ đi” - ông nói. Huattamarca cho biết nhiều người đã rời khỏi khu vực này trong những năm gần đây, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. “Họ phải làm vậy, họ không có đủ tiền cho những nhu cầu cơ bản như thực phẩm”.

Và lịch sử gần đây cho thấy hạn hán đang diễn ra có thể khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa hơn, vì đợt hạn hán trước đó vào năm 1991 đã gây ra làn sóng di cư khi nền kinh tế tự cung tự cấp sụp đổ do thiếu lương thực.

Đối với những người khác, chẳng hạn như Charca, hạn hán đang làm xáo trộn lối sống. Charca thuộc tộc người bản địa Uros, sống trên những hòn đảo làm từ lau sậy totora khô nổi trên mặt hồ. Trong nhiều thế kỷ, người Uros đã dệt sậy thành các hòn đảo cũng như sử dụng chúng để làm nhà và thuyền, nhưng Charca lo ngại rằng mực nước thấp hơn có nghĩa là có ít sậy hơn.

Charca nói với CNN: “Nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chúng tôi, sẽ không còn con totora nào nữa, các hòn đảo đang xuống cấp, đó là điều khiến chúng tôi lo lắng”.

El Nino, một hiện tượng tự nhiên được đánh dấu bằng nhiệt độ ấm hơn bình thường ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương có thể làm thay đổi đáng kể thời tiết ở Nam Mỹ, hiện đang diễn ra.

Grinia Avalos, phó giám đốc khí hậu học của Senamhi, nói với CNN rằng nhiệt độ ấm hơn này dự kiến sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là tháng 2 năm 2024.

Bà nói: “Những điều kiện này sẽ góp phần khiến lượng mưa ở vùng Andes sẽ thấp hơn”.

Một điều kinh ngạc chưa từng xảy ra ở hồ điều tiết cao nhất thế giới, người làm nông nghiệp sợ hãi  - Ảnh 3.

Những khu nhà của dân bản địa trên mặt hồ

Đối với Connor Baker, nhà phân tích tại International Crisis Group, tình hình đòi hỏi phải có hành động lâu dài để bảo vệ những người sống phụ thuộc vào hồ.

Ông nói với CNN: “Trong khi những biến động của hồ có liên quan đến sự biến đổi khí hậu và dao động tự nhiên, thì ảnh hưởng ngày càng trầm trọng của biến đổi khí hậu càng làm tăng nhu cầu về các chiến lược quản lý bền vững”.

“Các cộng đồng địa phương phụ thuộc vào hồ để sinh kế đặc biệt dễ bị tổn thương, điều này nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giải quyết những thách thức đặt ra do mực nước biến động mạnh hơn” – chuyên gia này nhận định.

Anh Duy (Theo CNN)