dd/mm/yyyy

Làm giàu từ 6 con dê giống

Khởi đầu với 6 con dê giống, đến nay anh Đặng Hồ Oanh (xã Phương Giao, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đã sở hữu trang trại 60 con dê, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.

Trang trại nuôi dê của anh Đặng Hồ Oanh.

Phương Giao là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Để tạo sinh kế cho người dân, các cấp chính quyền và Hội Nông dân đã vào cuộc hỗ trợ người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thương mại, từng bước vươn lên giảm nghèo và làm giàu.

Là hội viên Hội Nông dân, anh Đặng Hồ Oanh nhận thấy ý nghĩa của phong trào thi đua “Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi” giúp anh có động lực để phát triển kinh tế. Nhờ được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn, từ năm 2008 anh mạnh dạn chuyển sang nuôi dê.

Ban đầu anh Oanh nuôi khoảng 6 con dê giống. Vừa làm, anh vừa học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học, kỹ thuật nên đàn dê ngày càng phát triển. Khi kinh nghiệm được tích lũy, nhận thấy tiềm năng của nghề nuôi dê còn rất lớn nên anh quyết tâm mở rộng quy mô. Đến nay, trang trại nuôi dê của gia đình anh Oanh đã lên tới 60 con, mỗi năm anh cho xuất chuồng khoảng 30 con dê thịt. Với giá hiện nay, mỗi kg dê thịt có giá 120.000 đồng/kg, thương lái đến tận nhà thu mua, mỗi năm gia đình anh thu về gần 100 triệu đồng.

Khi được hỏi về kinh nghiệm nuôi dê, anh Oanh cho biết, nuôi dê không khó nhưng đòi hỏi đức tính cần mẫn khi chăm sóc; xây dựng chuồng trại bằng tre hoặc gỗ, đảm bảo thông thoáng, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa. Ngoài ra, để đàn dê phát triển khỏe mạnh, việc cần thiết là tạo không gian chăn thả, trồng cây lấy bóng mát.

Thức ăn cho dê chủ yếu ăn cỏ và các loại rau, củ như: bầu bí, cây lá vông, thân cây đậu xanh, đậu nành và nhiều cây trồng khác như chuối, mít, dâm bụt, so đũa… Con dê tuy có sức đề kháng khá tốt, nhưng cũng hay mắc một số bệnh như lở mồm, long móng, tụ huyết trùng… Nếu làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại nhằm nâng cao sức đề kháng, thực hiện nhốt cách ly khoảng 2 tuần đối với những con dê có dấu hiệu bị bệnh thì sẽ hạn chế tối đa được nguồn bệnh.

Anh Oanh cho biết thêm: “Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu tham khảo về kỹ thuật nuôi dê, nhưng quan trọng nhất vẫn là kinh nghiệm thực tế. Qua 8 năm nuôi dê, tôi đã tích lũy cho mình kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ cho bà con mỗi khi có nhu cầu”. Ngoài chăn nuôi dê, anh Oanh còn tận dụng diện tích vườn đồi để nuôi thêm trên 200 gà thả vườn và 9 con bò.

Nuôi dê đã giúp cho nhiều nông dân ở Võ Nhai vươn lên làm giàu.

Nhìn những chú dê, bò mập mạp, khỏe mạnh mới thấy hết công sức của người nông dân này. Trời không phụ lòng người, nhờ đàn dê mà kinh tế gia đình anh đã khấm khá lên nhiều, đã có của ăn, của để. Đây là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường.

Trang trại của anh Oanh chính là mô hình cụ thể hóa chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Nhiều hội viên nông dân cũng học hỏi kinh nghiệm để mở hướng làm giàu cho gia đình. Khi người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập sẽ là nhân tố quan trọng để xã Phương Giao tăng tốc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Quang Tuấn