dd/mm/yyyy

Lai Châu: Than Uyên phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Xác định mục tiêu cốt lõi trong xây dựng Nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, huyện Than Uyên (Lai Châu) đã xây dựng nhiều đề án, chương trình định hướng người dân phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao thu nhập.

Năm 2011, ngay khi bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, huyện Than Uyên đã xây dựng đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Trong quá trình thực hiện đề án đã, Than Uyên đã gắn việc phát triển sản xuất với các mục tiêu, nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng và nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất, thu hoạch chiếm 60%.

Từ trồng chè, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Than Uyên đã có nguồn thu nhập ổn định. 

Uỷ ban nhân dân huyện Than Uyên đã chỉ đạo, nhân rộng mô hình trồng lúa đặc sản Séng cù 110 ha, dự án về cây chè 50 ha, mô hình trồng hoa... Bên cạnh đó, các mô hình trong chăn nuôi tập trung được triển khai đồng bộ, nhiều loại giống gia súc, gia cầm có năng xuất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất đại trà đã mang lại cho người nông dân nguồn thu nhập kinh tế ổn định.

Các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp được áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã đẩy nhanh tiến độ thời gian gieo trồng, giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho người nông dân.

Từ đó đã hình thành các vùng sản xuất tập trung cho giá trị kinh tế cao như: Cây lúa chất lượng cao, vùng sản xuất lâm nghiệp gắn với dự án trồng cây cao su. Trong giai đoạn 2011 - 2015, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 7,5 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên 18 triệu đồng/người/năm (năm 2015).

 Bên cạnh phát triển cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây ăn quả, Than Uyên chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc.

Cũng trong giai đoạn 2011 – 2015, huyện Than Uyên đã thực hiện mở 135 lớp đào tạo nghề cho người nông dân tại 11 xã với 4.179 người tham gia, tổng kinh phí thực hiện trên 7,5 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%; tỷ lệ lao động được đào tạo, tập huấn đạt 37,5%, trong đó đào tạo cấp chứng chỉ 29,32%, tập huấn 8,18%.

Trong giai đoạn tiếp theo (2016 – 2020), sau khi UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Quyết định số 1406/QĐ-UBND ngày 30/10/2014, UBND huyện Than Uyên đã ban hành Kế hoạch số 667/KH-UBND, ngày 10/11/2014 về thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện Than Uyên.

Đến năm 2018, vùng chuyên canh sản xuất lúa tập trung trên địa bàn huyện Than Uyên thực hiện được 1.381 ha (xã Phúc Than 402 ha, Mường Than 406 ha, Mường Cang 215 ha, Hua Nà 152 ha, Mường Kim 206 ha), với các loại giống lúa thuần chất lượng cao (hương Thơm số 1, bắc thơm số 7, PC6, J02, RVT, thiên ưu 8), năng suất trung bình 51 tạ/ha, sản lượng đạt 7.043,1 tấn.

 Nhiều giống lúa đặc sản của địa phương được khôi phục và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản xuất.

Chuyên canh sản xuất lúa đặc sản tập trung gắn với việc tạo dựng nhãn hiệu cho sản phẩm lúa Séng cù tại xã Mường Cang, Hua Nà; khôi phục và mở rộng diện tích gieo cấy giống nếp tan (Tan Pỏm) tại xã Tà Hừa. Trong năm 2018, Than Uyên thực hiện đầu tư 221 ha lúa đặc sản, năng suất trung bình 47 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 1.038,7 tấn thóc. Với giá bán ước tính 15.000đ/kg, sau khi trừ các khoản chi phí (về giống, vật tư phân bón, thuốc BVTV và công lao động), 01 ha lúa Séng cù cho lãi khoảng 49,5 triệu đồng/ha

Đã xây dựng được 1 nhãn hiệu sản phẩm “Gạo đặc sản Séng Cù Than Uyên” được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận. Quy hoạch vùng sản xuất giống nếp tan (Tan Pỏm), năm 2018 trên địa bàn huyện thực hiện được 22,5 ha tại xã Tà Hừa, năng suất đạt 45 tạ/ha, sản lượng 101,3 tấn. Với giá bán ước tính khoảng 14.000đ/kg, sau khi trừ các khoản chi phí (về giống, vật tư phân bón, thuốc BVTV và công lao động), 01 ha lúa Nếp tan cho lãi khoảng 30 triệu đồng/ha.

Thực hiện đề án phát triển vùng chè nguyên liệu tập trung chất lượng cao, huyện Than Uyên trồng mới 550 ha chè. Năm 2018, trồng mới được 424,8 ha (xã Phúc Than 25,3 ha, Tà Mung 73,6 ha, Mường Kim 149,3 ha, Ta Gia 37,2 ha, Khoen On 57,2 ha, Tà Hừa 82,2 ha) với giống chè Shan, PH8.

Đến năm 2018, tổng diện tích chè trên địa bàn huyện Than Uyên đạt 824 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh 104 ha, năng suất 40,38 tạ/ha (năm đầu tiên cho thu hoạch) sản lượng đạt 420 tấn. Giá bán hiện tại 7.000 đồng/kg, 1 ha chè thu được 28.269.000 đồng, sau khi trừ chi phí (phân bón, nhân công) tiền lãi thu được khoảng 14.069.000 đồng.

Đã triển khai thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị (bưởi da xanh, nhãn, ổi, xoài) với tổng diện tích 45,23 ha, tổng kinh phí thực hiện 5.600 triệu đồng, tại các xã Mường Than, Mường Cang, Hua Nà, Mường Mít, Phúc Than. Hiện cây đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Ngoài ra, năm 2018 huyện Than Uyên đã thực hiện hỗ trợ lợn là 242 con/121 hộ. Sử dụng giống lợn Móng Cái sinh sản, kinh phí thực hiện 1.103 triệu đồng. Một số xã vùng cao tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa.

Về hỗ trợ lồng cá, năm 2018, huyện hỗ trợ 30 lồng, người dân thực hiện được 44 lồng. Kinh phí ngân sách huyện cho vay nuôi cá lồng thông qua Ngân hàng Chính sách với tổng số vay là 350 triệu đồng thực hiện giải ngân 100% vốn tại các xã Mường Kim 155 triệu đồng, Mường Cang 155 triệu đồng, Ta Gia 40 triệu đồng. Tổng số lồng cá trên toàn huyện là 227 lồng, hiện đang duy trì và phát triển tốt.

Sau hơn 8 năm thực hiện các đề án, dự án, mô hình phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn trên địa bàn huyện Than Uyên đã tăng từ 18 triệu đồng/người/năm (2015) lên 26,7 triệu đồng/người/năm (năm 2018); đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

 

 

 

Tuệ Linh - Văn Chiến