dd/mm/yyyy

Lai Châu chủ động ứng phó lụt bão

Với địa hình chia cắt bởi các dãy núi, địa chất phức tạp, Lai Châu là một trong những tỉnh thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá vào mùa mưa bão. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra, tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó.

Lai Châu triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó lụt bão

Nằm cách trung tâm huyện lỵ chừng 30km, xã  Thèn Sin (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) hay bị ảnh hưởng bởi các loại hình thời tiết cực đoan. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 2 vụ giông lốc, sạt lở, gây ảnh hưởng đến hơn 50 hộ dân. Trước tình hình đó, người dân trong xã đã tích cực gia cố nhà cửa, khơi thông dòng chảy, thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho người, tài sản và vật nuôi theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Ông Lò Văn Phinh, ở bản Lở Thàng 2 (xã Thèn Sin, huyện Tam Đường) cho biết: Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động,  gia đình tôi cùng bà con trong bản đã chủ động khơi thông dòng chảy, chằng chống nhà cửa để đảm bảo an toàn, không ra ngoài khi mưa giông lốc. Gia đình tôi thường xuyên nhắc nhở con cháu và mọi người trong bản không đi qua những khu vực dễ sạt lở khi trời mưa to, nhất là lúc trời tối.

Lai Châu chủ động ứng phó lụt bão - Ảnh 1.

Công tác ứng phó lụt bão ở Lai Châu luôn được chú trọng. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Thèn Sin cho hay, "Sau khi nhận được công văn chỉ đạo của cấp trên, UBND xã đã khẩn trương rà soát những hộ có nguy cơ bị sạt lở, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân khơi thông cống rãnh, dòng chảy, chằng chéo cố định lại nhà cửa, nhất là những nơi dễ bị ảnh hưởng bởi giông lốc".

Nhằm chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Lai Châu đã yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân phòng tránh, ứng phó với các hiện tượng: Giông, lốc, sét, lũ quét và sạt lở đất có thể xảy ra. Tổ chức kiểm tra, rà soát, sẵn sàng các phương án chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư phương tiện tại chỗ, sẵn sàng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân. Bên cạnh đó rà soát các điểm dân cư nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chuẩn bị sẵn phương án di chuyển, sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.

Lai Châu chủ động ứng phó lụt bão - Ảnh 2.

Vào mùa mưa lũ, nhiều tuyến đường ở Lai Châu thường xuyên bị sạt lở. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Sìn Hồ là một trong những huyện của tỉnh Lai Châu có địa hình phức tạp. Các tuyến đường huyết mạch của huyện và đường giao thông liên bản, liên xã đi qua những khu vực có địa chất yếu, thường xuyên sạt lở vào mùa mưa lũ. Huyện Sìn Hồ đã chủ động tổ chức diễn tập ứng phó bão lũ, tìm kiếm cứu nạn tại những xã có nguy cơ sạt lở cao.

Nâng cao ý thức phòng chống lụt bão cho người dân

Trước khi bước vào mùa mưa lũ, huyện Sìn Hồ đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn  người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng về kiến thức, kỹ năng ứng phó với mưa giông kèm lốc, sét và gió giật  mạnh; Cảnh báo và tổ chức kiểm soát người qua lại  tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập; Tuyên truyền nhắc nhở, kiên quyết không để người dân vớt củi, bắt cá, lội qua suối… khi đang có mưa lũ. Mặt khác, huyện Sìn Hồ cũng thường xuyên vận động, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp an toàn, phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại.

Ông Sìn Văn Vấn - Chủ tịch UBND xã Pa Tần (Sìn Hồ) cho biết: Ngay từ đầu mùa mưa, nhất là sau khi nhận được công văn chỉ đạo của cấp trên về tình hình mưa bão, xã đã tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai, đặc biện là không để người dân trên địa bàn ra suối, vớt củi gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Lai Châu chủ động ứng phó lụt bão - Ảnh 3.

Tỉnh Lai Châu chủ động các biện pháp ứng phó lụt bão. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Cùng với công tác tuyên truyền, các đơn vị trên địa bàn cũng tích cực theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo kịp thời, đầy đủ đến người dân để ứng phó chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Chủ động rà soát, huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét; Không để người dân sinh sống tại các lán trông coi thủy sản, nương rẫy; Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ".

Ông Ma Khánh Toàn - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ, cho hay: Với địa hình đồi núi, địa chất phức tạp, vào mùa mưa, trên địa bàn huyện Sìn Hồ thường xảy ra những trận lũ ống, lũ quét và sạt lở, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân. Ngay sau khi có thông báo của tỉnh về tình hình cơn bão số 1 đang diễn biến phức tạp, huyện Sìn Hồ đã chỉ  đạo lập và duy trì hoạt động nhóm zalo "Phòng chống lụt bão" của huyện với các xã, thôn bản. Qua đó giúp các đơn vị nắm bắt tình hình, từ đó có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có mưa lũ xảy ra.

Thủy điện miền Bắc ồ ạt xả nước phát điện do lo ngại bão lũ
Thanh Ngân - Tuấn Hùng