dd/mm/yyyy

Kỹ thuật trồng và chăm sóc lan ghép gốc cây cho hoa to, thắm màu

Theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia cây cảnh thì kỹ thuật trồng hoa lan ghép gốc cây tương đối khó. nếu không tuân thủ đúng các bước kỹ thuật trồng sẽ rất khó thành công.

Phương pháp trồng lan ghép gốc cây tương đối phức tạp từ cách chọn gốc cây để ghép cho tới khâu chăm sóc, đòi hỏi người trồng phải có sự hiểu biết sâu sắc về các bước tiến hành ra sao, từ chất lượng cành lan ghép, gốc cây gỗ ghép đến kỹ thuật ghép lan màu vào gốc và sự chăm sóc tỉ mỉ để cho các cành lan phát triển tốt....

Kỹ thuật trồng hoa lan ghép gốc cây tưởng khó phát triển nhưng lại cho ra hoa rất đẹp. Ảnh minh họa
Kỹ thuật trồng hoa lan ghép gốc cây tưởng khó phát triển nhưng lại cho hoa rất đẹp. Ảnh minh họa

Điều kiện ánh sáng

Một trong những đặc điểm sinh học của lan là loài cây khó tính ở chỗ lan có khả năng chịu cớm cao, ưa ẩm và bóng râm nhưng nếu thiếu ánh sáng cũng giảm năng suất và phẩm chất. Nếu lan bị ánh nắng trực tiếp nhất là nắng quá chiều sẽ gây lụi tàn nhanh chóng mặc dù vẫn được cung cấp đầy đủ nước và khoáng hòa tan.

Lựa chọn chậu và gốc ghép

Việc đầu tiên cần phải lựa chọn chậu phải phù hợp với chiều cao, đường kính của gốc cây dùng để ghép hoa lan. Gốc cây có thể dùng là cây vú sữa, cây nhãn, cây táo,…Nếu gốc cây không có dáng như mong muốn, ít cành nhánh, có thể cưa các cành nhỏ để ghép vào gốc lớn tạo dáng đẹp cho gốc.

Các gốc cây ghép phải đảm bảo các yếu tố như lâu mục để khỏi hư rễ lan và khỏi phải thay cây khác. Cây có bề mặt thô ráp, không có vỏ bong tróc nhiều lớp. Nếu ghép trên cây sống không nên chọn loại cây hàng năm thay vỏ như cây ổi, cây bằng lăng…Không nên trồng trên cây có khả năng tiết ra hóa chất.

Kỹ thuật ghép lan bằng gốc cây

Kỹ thuật trồng hoa lan bằng gốc cây yêu cầu hoa lan trước khi ghép vào gốc cần được bó bằng xơ dừa dạng miếng lớn, để tạo độ ẩm cho cây giúp chúng dễ bám rễ và phát triển. Sau đó đặt hoa lan vào các giá thể tùy lựa chọn bằng thớt, gốc cây... Để tạo một chậu hoa lan nhiều màu, nên xen kẽ các màu khác nhau.

Để cây hoa lan bám chặt vào thân gỗ và tạo rễ thì phải đảm bảo đúng các bước kỹ thuật trồng cơ bản. Ảnh minh họa
Để cây hoa lan bám chặt vào thân gỗ và tạo rễ thì phải đảm bảo đúng các bước kỹ thuật trồng cơ bản. Ảnh minh họa

Giúp hoa lan bằng cách dùng kẽm cột chặt vào các cành nhánh của gốc ghép lan và khung lưới sắt. Nếu dùng giá thể dạng thớt thì đóng đinh hoặc khoan lỗ rồi đóng mấy mẩu đũa gỗ vào lỗ cho chặt rồi buộc lan vào que đũa là được.

Còn cách ghép áp vào khúc gỗ nên dùng dây thít nhựa vừa nhanh vừa chặt, thắt đến đâu chặt đến đó. Vườn khô thì cài thêm ít xơ dừa gần thân, vườn ẩm mát thì khỏi cần.

Cách chăm sóc hoa lan ghép gốc cây

Vì là cây ưa mát nên dù bất cứ giống hoa lan nào cũng không để cho nắng trời trực tiếp chiếu vào giỏ, bụi lan và toàn bộ giá thể (lồng lan), đặc biệt “kỵ” với nắng quái chiều và gió Tây (gió Lào). Nếu trồng đại trà thì phải làm giàn bằng lưới nilon có lỗ để lan vẫn quang hợp được. Chú ý phun tưới toàn bộ cây và giá thể theo kinh nghiệm “2 ướt 1 khô” trong ngày đó là vào các thời điểm trước bình minh và sau hoàng hôn. Lượng nước vừa đủ làm mát cây, ướt rễ và dự trữ.

Để hoa lan nở đẹp thì ngoài yếu tố kỹ thuật trồng cây đúng cách, còn phải chăm sóc tốt. Ảnh minh họa
Để hoa lan nở đẹp thì ngoài yếu tố kỹ thuật trồng cây đúng cách, còn phải chăm sóc tốt. Ảnh minh họa

Trong quá trình trồng và chăm sóc hoa lan ghép gốc cây, cần loại bỏ ngay những lá già, úa vàng ngăn chặn sâu bệnh bội nhiễm, tỉa các cành khô, rễ hết chức năng hấp thụ hơi nước và cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm nuôi cây.

Không nên dùng phân NPK- loại dùng cho cây hoa màu, cây lương thực bón cho lan. Để cây tươi lâu đẹp bền, hoa sai thắm màu, hương đậm có thể thúc cho lan nước gạo mới vo, nước ngâm tro hoai và rắc xỉ than. Nếu có điều kiện lấy bông (hoặc vải bông cotton) nhúng vào dung dịch glicerin 10- 15% cuốn vào cổ rễ lan để giữ ẩm.

An Dương