dd/mm/yyyy

Khi nông dân mắc kẹt trong liên kết

Dù đã rất cố gắng xây dựng các chuỗi liên kết, tuy nhiên do ở vị thế thấp bởi chỉ là người chăn nuôi gia công, nhiều hộ nông dân đã “mắc kẹt” trong chuỗi liên kết, phó thác cho doanh nghiệp quyết định về giá cả cho tới thị trường.

Thu nhặt trứng gà tại một trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai).

“Thuyền nhỏ” ngược dòng

Với mục tiêu xây dựng chuỗi cung cấp thịt sạch cho người tiêu dùng, từ năm 2014, hơn 50 hộ chăn nuôi tại huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) đã hợp tác cùng xây dựng quy trình chăn nuôi an toàn, gồm các tiêu chí như: Không sử dụng chất cấm, hạn chế tối đa việc dùng kháng sinh, chăn nuôi an toàn với một số bệnh dịch như dịch tả, tai xanh… Dự án được xây dựng trong lúc ngành chăn nuôi các tỉnh Đông Nam Bộ bị ảnh hưởng bởi thông tin về chất cấm, chất tăng trọng, heo bơm nước nên được nhiều hộ chăn nuôi hưởng ứng. HTX Chăn nuôi Đồng Hiệp sau nhiều năm ấp ủ cũng đã được thành lập, tạo mối liên kết giữa nhiều bà con trong vùng.

Không chỉ đầu tư phát triển chăn nuôi heo, HTX Chăn nuôi Đồng Hiệp cũng tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với sản phẩm gia cầm. Theo đó, HTX Đồng Hiệp liên kết HTX dịch vụ Phú Hòa (tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cùng hộ ông Ðinh Văn Tuyên (huyện Trảng Bom) và hộ bà Bùi Thị Lệ (huyện Vĩnh Cửu) cùng chăn nuôi trên 13.000 con vịt. Thông qua liên kết này, HTX đã cung cấp từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đến bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân. Tuy nhiên, cái khó của mối liên kết này vẫn là đầu ra, khi tới nay các kênh tiêu thụ sản phẩm heo sạch Đồng Nai vẫn còn khá mỏng, sức tiêu thụ yếu.

Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, Hiệp hội đã làm việc với rất nhiều đầu mối, đi quảng cáo sản phẩm khắp nơi nhưng chỉ có vài đơn vị hợp tác tiêu thụ, số lượng không đáng kể. Trong khi đó, người chăn nuôi muốn hợp tác tạo ra chuỗi cung ứng thịt sạch với số lượng lớn.

Cũng tại Đồng Nai, Ban quản lý dự án Lifsap Đồng Nai thông tin, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã thiết lập được 3 vùng chăn nuôi theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) tại các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và thị xã Long Khánh, với tổng cộng 52 nhóm với hơn 1.000 hộ tham gia áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm của những hộ này vẫn phải bán thông qua kênh thương lái, lẫn lộn với thịt heo thông thường.

Chưa hết, trong liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi lớn, hầu hết nông dân với vai trò là người chăn nuôi gia công, luôn ở thế bị động. Bà Nguyễn Hồng Gấm (hộ nuôi gà đẻ trứng ở huyện Trảng Bom) cho biết, dù có hợp đồng cung cấp trứng cho một doanh nghiệp lớn trên địa bàn, tuy nhiên, bà Gấm vẫn không chủ động giá bán ra và luôn phải chịu thiệt thòi khi giá xuống. “Nếu giá thị trường có chiều hướng giảm một đồng là phía doanh nghiệp đã báo mình phải giảm hai đồng, hoặc là giảm trong thời gian dài hơn. Trại mình nhỏ, số lượng không nhiều nên dù mình có đưa ra yêu sách gì thì doanh nghiệp cũng không quan tâm. Giả sử mình “bức xúc” hủy liên kết thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp, đành phải nhắm mắt xuôi theo” - bà Gấm nói.

“Gót chân Asin” của chính sách

Ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng, sau một thời gian tích cực xây dựng, “chỉnh đốn” lại ngành chăn nuôi, đến nay tỉnh này đã có hơn 50/2.000 trang trại nuôi heo đạt chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, còn có khoảng 770 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác cũng đã được cấp chứng nhận VietGAP, trên tổng số hàng ngàn hộ chăn nuôi của tỉnh. Số trang trại, hộ chăn nuôi VietGAP này chủ yếu nằm trong vùng quy hoạch dự án Lifsap Đồng Nai. Tỉnh này cũng đã xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh với hơn 400 hộ tham gia, tạo ra sản lượng thịt heo sạch khá lớn cho thị trường.

Nông dân luôn chịu thiệt thòi khi cơ chế hỗ trợ chuỗi liên kết chưa hiệu quả

Tuy nhiên, cũng theo ông Báu, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng là nhà nước chưa có cơ chế đặc thù để hỗ trợ. Hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mới chỉ áp dụng cho lĩnh vực trồng trọt, dẫn tới thiệt thòi cho những cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gà.

Nông dân luôn là đối tượng yếu thế, chịu nhiều thua thiệt trong các chuỗi liên kết, do đó nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo mô hình chuỗi liên kết, tập trung hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX…, hạn chế hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nhỏ lẻ, vì hiệu quả không cao.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).

Còn theo ông Nguyễn Trí Công – Giám đốc HTX chăn nuôi Đồng Hiệp, việc xây dựng các mô hình liên kết trong chăn nuôi còn khá mới mẻ nên khi thực hiện, HTX gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, phải sử dụng vốn tự có của các xã viên. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho xã viên khi tham gia chương trình cũng chưa rõ ràng, HTX đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai có chính sách hỗ trợ HTX về nguồn vốn vay, có cơ chế bảo lãnh để HTX hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cải tạo con giống, nâng cao năng suất chăn nuôi… nhưng chưa được đáp ứng.

Để khắc phục những “gót chân Asin” này của ngành chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã đề xuất xây dựng chuỗi cửa hàng bán thịt sạch VietGAP đến tay người tiêu dùng trong tỉnh. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, Sở Công Thương, các huyện Thống Nhất, Trảng Bom và TP.Biên Hòa kết hợp thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thịt heo, gà sạch trong chuỗi an toàn thực phẩm VietGAP tại các chợ trên địa bàn tỉnh.

Khải Huyền