dd/mm/yyyy

Giá lợn xuống thấp đem mổ lợn nái ai ngờ trúng vật lạ nghi cát lợn vô giá

Sau khi làm thịt con lợn nái 4 năm tuổi của gia đình, Ông Thiêm (45 tuổi, ngụ Khu phố Phú Tân, Phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) bất ngờ phát hiện một vật lạ trong bao tử có mùi thơm vị thuốc bắc nghi là cát lợn.


Vật lạ nghi là cát lợn của gia đình ông Thiêm có trọng lượng khoảng 200 gram

Vật lạ nghi cát lợn nặng khoảng 200 gram

Do đã đọc nhiều thông tin trên báo chí và mạng Internet nên ông Thiêm đoán ngay đó chính là cát lợn.

Theo anh Thiêm cho biết, rạng sáng ngày 10.8, khi cùng anh em trong gia đình mổ thịt con lợn nái đã nuôi được 4 năm tuổi, ông bất ngờ phát hiện trong dạ dày có một vật thể lạ hình bầu dục to khoảng bằng nắm tay, màu xám đen và có một lớp lông rậm bao xung quanh. Sau khi rửa sạch, cho lên mũi ngửi thì ông thấy nó có mùi thơm như mùi thuốc bắc, với trọng lượng cân được hơn 200 gram.

Ông Thiêm cho hay, con lợn này ông nuôi đã gần 4 năm nặng gần 160 kg và đã đẻ được 6 lứa heo con, thức ăn chủ yếu của nó là rau, cám gạo và hèm rượu ông mua tại các lò rượu gần nhà. Do thời gian gần đây giá lợn xuống thấp, lợn con đẻ ra bán cũng chẳng được bao nhiêu nên gia đình quyết định đem thịt bán, không ngờ nó lại “đẻ ra” vật đặc biệt này.

Vật lạ có mùi thơm như mùi thuốc bắc nên ông Thiêm cho rằng đó là cát lợn

Ông Thiêm chia sẻ: “Do trên các phương tiện truyền thông đang có nhiều thông tin trái chiều về công dụng và giá trị thực của “cát lợn” này nên tôi đã nhờ một vài người bạn người Việt Nam đang sống và làm việc tại Trung Quốc và Đài Loan tìm hỏi về giá trị thực của nó bên nước bạn.

“Nếu sau khoảng 10 ngày nữa, vật nghi là cát lợn này không có ai hỏi mua, tôi sẽ bổ nó ra và sử dụng làm thuốc “thử nghiệm” cho chính mình", ông Thiêm chia sẻ.

Do là vật lạ và rất hiếm gặp nên sau khi biết thông tin ông Thiêm có cát lợn nhiều anh em bạn bè tò mò đã tìm đến để “mục sở thị” vật được người ta đồn thổi là đắt hơn vàng này.

Thực hư cát lợn tiền tỷ

Trước đó, ngày 27.11.2016 một gia đình ở Lương Sơn, xã Đồng Văn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cũng phát hiện cát lợn nặng khoảng 0,9kg khi làm thịt một con lợn nái. Biết có thể là trư cát quý hiếm có giá tiền tỷ như nhiều người đồn đại nên hiện anh Khánh đang cất giữ cẩn thận.

Một trường hợp khác là gia đình ông Lương Văn Linh (SN 1963, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) cũng phát hiện được một vật nghi cát lợn hình bầu dục, nặng 0,5kg, bên ngoài có lông, màu nâu lẫn đen trắng.

Vật được cho là cát lợn của gia đình ở xã Đồng Văn (huyện Thanh Chương, Nghệ An). Ảnh: IT

Thông tin từ gia đình cho biết, vào khoảng tháng 9.2016, khi mổ thịt con lợn nái đã nuôi trong chuồng suốt 13 năm. Trong lúc xử lý bộ lòng, ông phát hiện vật lạ nằm trong dạ dày nhưng không để ý.

 Theo dân gian Trung Quốc, trư sa là dược liệu cực kỳ quý hiếm, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu đàm, an thần, trị mất ngủ, hôn mê, động kinh... Những con lợn có trư sa thường ít lông, ăn ít, thân nhiệt cao, thân mình gầy gò, hai mắt có lúc đỏ, liên tục kêu réo suốt ngày đêm, rất ít ngủ.

Sau khi phơi khô, vật thể toát ra mùi thơm như thuốc Bắc. Sau đó, có 2 người lạ tới tìm hiểu và trả giá 1 tỉ đồng. Sau đó, có thêm một nhóm người tự giới thiệu là từ TP.HCM bay ra trả giá vật này lên tới 3 tỉ đồng.

Theo Wikipedia, cát lợn, còn gọi là trư cát, trư sa cát lợn hay trứng vàng, là một loại sỏi mật lành tính được tích tụ theo thời gian trong cơ thể lợn, được dân gian đánh giá là có giá trị đối với y học.

Cát lợn được tích tụ theo thời gian, nên thường gặp ở lợn nái sinh sản lâu năm, có khối lượng đến vai trăm gram, có vị ngọt, tính mát, để khô có mùi thảo mộc (thuốc bắc).

Có nhiều thông tin cho rằng cát lợn có giá trị trong chữa bệnh nên có giá thành cao, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể nào về những giá trị y học cũng như kinh tế mang lại của cát lợn.

Ngoài lợn, ở một số loài vật khác cũng có hiện tượng kết tinh thành sỏi trong cơ thể và được cho là có giá trị y học như: sỏi mật trâu (ngưu hoàng), sỏi mật ngựa (mã bảo), sỏi mật khỉ (hầu táo), sỏi mật chó (cẩu bảo)…

Y học hiện đại vẫn chưa có nhận định nào về công dụng của cát lợn. Ảnh IT 

Mặc dù trong các tài liệu y học cổ có ghi chép về trư sa nhưng y học hiện đại vẫn chưa có nhận định nào về công dụng của nó. Vì thế, người dân cần lưu ý nhờ chuyên gia đánh giá nếu có ý định mua cát lợn hay lưu giữ, sử dụng nó.

Bình Châu