dd/mm/yyyy

Đường và cầu trăm tỉ "ngâm tôm", người dân 10 năm chịu cảnh chèo đò

Dự án đường nhựa và cầu bắc qua sông Con vào trung tâm xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) được khởi công từ tháng 6.2009 với tổng vốn 117 tỉ đồng được kỳ vọng sẽ nối liền đường Hồ Chí Minh vào trung tâm xã Phú Sơn. Nhưng từ đó tới nay đã 2 lần thay đổi nhà thầu, 4 lần gia hạn dự án, còn người dân vẫn chịu cnahr chèo đò qua sông.

Dự án đường và hệ thống cầu vào trung tâm xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ đã thi công gần 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành.

10 năm đợi chờ, 4 lần gia hạn dự án

Tháng 6.2009, dự án đường và hệ thống cầu vào trung tâm xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An (bao gồm 18 km đường nhựa và cầu bắc qua sông Con) được khởi công xây dựng với tổng kinh phí ban đầu là 117 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Constrexim số 16, trụ sở tại phường Hưng Dũng, TP. Vinh thi công.

Dự án này do UBND huyện Tân Kỳ làm chủ đầu tư, dự kiến công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng sau 36 tháng. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở.

Đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, khi được hoàn thành sẽ nối liền đường Hồ Chí Minh vào trung tâm xã Phú Sơn, góp phần phát triển kinh tế địa phương cũng như giao thương giữa các vùng miền.

Đã 2 lần thay đổi nhà thầu, 4 lần gia hạn nhưng dự án vẫn dang dở.

Đồng thời, sẽ chấm dứt việc người dân nơi đây hàng ngày phải chèo đò qua sông Con, nhất là vào mùa mưa lũ. Không những vậy, để thực hiện dự án này, gần 500 hộ dân ở đây bị ảnh hưởng về đất đai, tài sản hoặc phải di dời để nhường đất cho dự án.

Tuy nhiên, đến nay, sau gần 10 năm khởi công, 2 lần thay đổi nhà thầu, 4 lần gia hạn thời gian thi công, cây cầu vẫn còn dang dở. Số vốn từ 117 tỉ động được nâng lên hơn 162 tỉ đồng sau 3 lần điều chỉnh.

Trời mưa, đường đầy bùn lầy và trơn trượt

Theo ghi nhận của PV, đến thời điểm này, chỉ mới khoảng 13km trong tổng số 18km đường nhựa đã hoàn thành, còn nhiều đoạn đường vẫn nguyên trạng ban đầu.

Tại những đoạn đường đã hoàn thiện, nhiều chỗ đã xuống cấp, hư hỏng có dấu hiệu bong, tróc khiến nhà thầu phải vá lại.

Các nhịp cầu phải dùng các thân gỗ lớn để ghép cho người dân tạm thời qua lại.

Mặt khác, phần mố cầu đã bị bong tróc, để lộ phía bên dưới, ngay giữa mặt đường được nhà thầu lót gỗ thay vì đổ bê tông theo quy định, thép thi công của công trình đã gỉ sét, lơ chơ như những chiếc bẫy chông gây nguy hiểm cho người đi đường.

Theo ông Chu Văn Thành (một người dân sống cạnh tuyến đường này) cho biết: “Ở những đoạn đường chưa thi công, ngày nắng bụi bay mịt mù, ngày mưa bùn lầy, xe cộ gần như không thể lưu thông vì trơn trượt”.

“Mỗi lần muốn ra khỏi xã để đi công việc đều phải trả đi đò, mỗi lần như vậy là 10.000 đồng” - ông Thành bức xúc.

Khổ nhất là các em học sinh ở xã Nghĩa Trung và Nghĩa Hành, nhất là vào mùa mưa bão, đường lầy lội, không đi được nên các em bắt buộc phải đi đò qua sông để sang xã Phú Sơn học tập.


Dự án "ngâm" gần 10 năm nay nên người dân vẫn phải lội bùn, gọi đò qua sông.

Nóng về tiền độ ở các cuộc tiếp xúc cử tri

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hải Đông - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ cho biết: “Dự án triển khai đã 8 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, gây rất nhiều khó khăn cho người dân địa phương. Người dân đã nhiều lần phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri, UBND xã cũng đã báo cáo lên UBND huyện Tân Kỳ. Tuy nhiên, đến nay, công trình vẫn dang dở, người dân nơi đây vẫn phải chịu cảnh chờ đợi”.

“Vừa qua lãnh đạo của tỉnh đã trực tiếp lên làm việc với huyện, dự kiến cầu sẽ hoàn thành trước Tết Dương lịch nhưng đến nay cầu vẫn chưa thông” - ông Đông trăn trở.

Công trình vẫn dang dở, người dân xã Phú Sơn và lân cận vẫn phải chịu cảnh đợi chờ.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Đức - Giám đốc BQL Dự án các công trình xây dựng huyện Tân Kỳ cho biết: “Dự án đường và cầu vào xã Phú Sơn được khởi công từ tháng 6/2009. Với tổng kinh phí ban đầu là 117 tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm này kinh phí toàn bộ dự án đã lên đến 162 tỷ đồng do trượt giá... Hiện tại dự án đã được gia hạn 4 lần nhưng vẫn chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng theo như dự kiến”.

“Hy vọng vào Tết Âm lịch, cầu sẽ hoàn thiện và người dân không còn cảnh lội bùn, gọi đò mỗi lần qua cầu nữa” - ông Đức nói.

Việt Hòa