dd/mm/yyyy

Để VietGAP không… “mất thiêng”

Chứng nhận VietGAP từng được xem như “giấy thông hành” của nông sản khi ra thị trường, đi vào các kênh phân phối hiện đại. Thế nhưng, trên thực tế, sản xuất theo VietGAP đã không như kỳ vọng. Với nhiều nông dân, Chứng nhận VietGAP không còn là “tấm vé” giúp nông sản thâm nhập thị trường dễ dàng hơn.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân phải tuân thủ các quy trình rất nghiêm ngặt.

“Trầy trật” vì VietGAP

Trầy trật nhiều tháng trời vì yêu cầu phải ghi nhật ký đồng ruộng, phải tuân thủ các quy định về sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu… đến năm 2013, HTX Phước An (xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM) mới được cấp chứng nhận VietGAP.

Có VietGAP rồi, việc tìm đầu ra cho sản phẩm là “quãng đường” nhiều gian khổ của Ban giám đốc HTX. Ông Trần Văn Thích – Chủ nhiệm HTX Phước An, chia sẻ: Ban đầu, sản phẩm chỉ bán được cho thương lái, phải chạy đơn hàng hết chỗ này đến chỗ kia, mỗi nơi vài chục kg để giới thiệu cái nhãn VietGAP. “Thời điểm đó, chưa nhiều người tiêu dùng biết đến VietGAP nên việc tìm đầu ra không dễ. Lại thêm áp lực về giá bán, làm cho Ban chủ nhiệm HTX nhiều lúc cũng muốn bỏ cuộc”, ông Thích nhớ lại.

Làm rau theo chuẩn VietGAP cung cấp cho HTX, nếu làm tốt, mỗi vụ nhà vườn có thể thu lãi trên dưới 70 triệu đồng/ha, mỗi năm làm 7 – 8 vụ. Ngược lại, nếu rơi vào cảnh “cù bất cù bơ”, bà con không những bị thương lái ép giá mà còn chỉ làm được 2 – 3 vụ mỗi năm do không bán được hàng. Ông Trần Văn Thích – Chủ nhiệm HTX Phước An.

Không chỉ các vùng sản xuất rau, VietGAP từng là niềm tự hào của xứ thanh long Bình Thuận. Có thời điểm, diện tích thanh long VietGAP của Bình Thuận lên tới 7.000ha trong tổng số 15.000ha thanh long toàn tỉnh. Ông Lê Công Tam - Trưởng nhóm VietGAP ở thôn Minh Hòa (xã Hàm Mình, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) chia sẻ: Thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có sản lượng thấp, màu sắc nhạt hơn so với sản xuất thường. Canh tác theo VietGAP cũng yêu cầu nông dân đầu tư nhiều công sức lẫn vốn liếng hơn.

Chứng chỉ VietGAP từng là yêu cầu bắt buộc nếu nông dân muốn bán được hàng cho các công ty chế biến, xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, không phải lúc nào khách hàng cũng sẵn sàng mua toàn bộ. Các doanh nghiệp thường chỉ chọn mua thanh long loại 1, loại 2 hoặc đưa ra các yêu cầu về kích cỡ, trọng lượng… Số còn lại, nông dân phải tự bán tháo cho thương lái với giá rẻ.

Không chỉ những hộ nông dân trực tiếp làm VietGAP, một số doanh nghiệp phân phối các sản phẩm đạt tiêu chuẩn này cũng “ngậm đắng nuốt cay” vì ban đầu thị trường chưa chấp nhận. Đến khi VietGAP đã có chút “tiếng tăm” thì lại xảy ra tình trạng mua bán chứng nhận, khiến người tiêu dùng mất lòng tin.

Sản xuất rau theo quy trình VietGAP tại Hợp tác xã Phước An (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Điển hình là câu chuyện của bà Nguyễn Hồng Thắm – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (Củ Chi, TP.HCM). Tháng 10.2015, được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT TP.HCM, bà Thắm mở cửa hàng phân phối thịt heo VietGAP tại chợ Hòa Bình (quận 5, TP.HCM). Thế nhưng, chỉ được vài ngày, bà Thắm đối mặt với sự cạnh tranh của các tiểu thương trong chợ. Nhiều tiểu thương cho rằng, không công bằng khi công ty treo bảng bán “thịt sạch VietGAP”, vì thịt của họ cũng được kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), kiểm tra thú y…

“Có người còn đập bàn đập thớt, nói cạnh khóe đủ điều khi có khách hàng tới mua thịt heo VietGAP. Công ty sau đó phải thay đổi bảng hiệu, thu nhỏ bảng giá… để không còn khác biệt với các quầy hàng khác”, bà Thắm nói.

Chứng nhận kiểu “mỳ ăn liền”

Khi giải thích vấn đề này, ông Thừa của HTX Anh Đào bày tỏ bức xúc vì cho rằng: Tình trạng nhiều tổ chức chứng nhận VietGAP hiện nay đã không làm tròn trách nhiệm. Có quá nhiều các tổ chức thực hiện việc cấp chứng nhận VietGAP theo kiểu “mì ăn liền”. Dù có kiểm tra, có xét nghiệm mẫu đất, mẫu nước, nhưng nhiều nhà vườn chỉ làm những việc này theo thủ tục, làm qua loa.

“Nhiều nông hộ chỉ sản xuất VietGAP với diện tích rất nhỏ, phần còn lại sản xuất bình thường nhưng vẫn gán danh VietGAP vào sản phẩm. Lâu dần, người tiêu dùng mất lòng tin vì không biết cái nào VietGAP thật, cái nào chỉ ăn theo. Theo quy định, cơ quan cấp chứng nhận phải định kỳ kiểm tra hộ sản xuất, trang trại được cấp VietGAP. Nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp “đem con bỏ chợ”, cả năm không thấy kiểm tra, hướng dẫn nông dân tuân thủ quy trình”, ông Thừa nói.

Hay như mới đây, tại Diễn đàn "Đón sóng thực phẩm sạch" do Báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức, ông Lê Tư - Giám đốc Công ty Hồng Thanh Việt (một doanh nghiệp cung cấp thực phẩm sạch tại thành phố Vũng Tàu) kể lại chuyện mình đi tìm sản phẩm VietGAP mà khiến nhiều người sửng sốt.

Theo đó, khi lên Đà Lạt tìm nhà cung cấp thực phẩm sạch, ông Tư ngỏ ý chỉ muốn tìm nguồn hàng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngay lập tức, ông nhận được lời đề nghị: “Anh cần chứng nhận VietGAP cho sản phẩm nào, bao nhiêu, tôi lo cho”. "Tôi cũng không biết chúng ta đang kiểm soát cái gì mà người ta có thể “lo cho” cả đến tiêu chuẩn cấp thiết là VietGAP như thế", ông Tư nói.

Nhiều nông dân được tập huấn để triển khai mô hình trồng rau theo quy trình VietGAP (Trong ảnh: Trồng rau theo quy trình VietGAP tại Quảng Nam), ảnh TL.

Nhận diện vai trò kết nối

Sau nhiều năm “bám” VietGAP, ông Nguyễn Công Thừa – Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (phường 2, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), rút ra kinh nghiệm rằng, muốn VietGAP thành công, phải có tập thể.

Rau quả đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP cần phải được gắn logo nhãn hiệu. Thế nhưng, việc này “nói đi nói lại” nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết xong.
Tiến sĩ Nguyễn Công Thành - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam.

Ông Thừa kể: Ngay từ lúc mới theo đuổi, HTX Anh Đào đã phải thành lập đội ngũ cán bộ kỹ thuật, từng bước hướng dẫn nông dân thay đổi phương pháp canh tác, tuân thủ các yêu cầu về dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Quan trọng hơn, HTX tổ chức kết nối để các đoàn kiểm tra, đánh giá và cấp chứng nhận làm việc với từng hộ nông dân hiệu quả hơn. Sau đó, thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ quy trình sản xuất của hộ nông dân đã được cấp chứng nhận.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Thích – Chủ nhiệm HTX Phước An cũng cho rằng, phải có tập thể thì các hộ cá thể mới giữ vững được cam kết về chất lượng của sản phẩm VietGAP. Hơn nữa, phải có tập thể, có sản xuất lớn thì mới có thể lo đầu ra cho sản phẩm được. “Nếu không có HTX theo dõi, kiểm soát thường xuyên, nông dân cũng dễ nản lòng, dễ bỏ qua các khâu như ghi nhật ký đồng ruộng, cách ly sản phẩm trước khi thu hoạch…”, ông Thích nhận định.

Thuận Hải