dd/mm/yyyy

Đào tạo nghề nông nghiệp: Cần tăng cả quy mô và chất lượng

Để phục vụ công cuộc tái cơ cấu nền nông nghiệp, thời gian qua Việt Nam đã đầu tư rất nhiều nguồn lực để dạy nghề cho lao động nông thôn, tuy nhiên công cuộc dạy nghề cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế.

Chỉ 17% lao động nông thôn được dạy nghề

Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê (công bố năm 2019), cả nước có hơn 48 triệu lao động, trong đó có tới 37,8 triệu lao động (chiếm hơn 68% tổng số lao động trong cả nước) sống ở khu vực nông thôn. Lao động nông thôn nhiều nhưng tỷ lệ qua đào tạo lại chưa cao, hiện chỉ có khoảng 17% tổng số lao động nông thôn được qua đào tạo.

Đào tạo nghề nông nghiệp: Cần tăng cả quy mô và chất lượng - Ảnh 1.

Dạy nghề để lao động làm nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt. Ảnh: Minh Anh

Trong hội thảo nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, tổ chức vào đầu tháng 8/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng công bố báo cáo về hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, sau 10 năm triển khai hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) cả nước hiện chỉ đào tạo cho 2,3 triệu lao động nông thôn (chiếm khoảng 17% tổng số lao động nông thôn). Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2019 cả nước đặt mục tiêu đào tạo cho khoảng 1,6 triệu lao động nông thôn. Tuy nhiên, đến năm 2019 mới đào tạo 1,15 - 1,4 triệu lao động (đạt 82% so với mục tiêu); từ nay tới năm 2020 cần đào tạo 250.000 lao động nữa mới hoàn thành chỉ tiêu.

Trong khi đó, phân tích số liệu dạy nghề cho lao động trong năm 2018, tiến sĩ Đào Thế Anh – Hội Khoa học phát triển nông thôn (PHANO) cho rằng, hoạt động dạy nghề chưa đạt được số lượng đề ra. Cụ thể, trong năm 2018 số người được đào tạo nghề nông nghiệp là hơn 120 nghìn người, chỉ đạt 41% kế hoạch đề ra. Trong đó đào tạo từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ là 64.000 người, gồm 20.000 người được đào tạo gắn với chương trình liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, 5.000 người theo hưởng chính sách an sinh xã hội. Ngân sách đào tạo từ nguồn xã hội hóa khoảng 11.500 người.

“Dù đã có những nỗ lực, nhưng công tác dạy nghề còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Cả nước hiện có hơn 10 triệu hộ nông dân với khoảng 37 triệu lao động độ tuổi ở nông thôn nhưng chỉ có khoảng 17% được đào tạo qua các lớp tập huấn khuyến nông. Trong tổng số gần 17 triệu thanh niên ở khu vực nông thôn chỉ có 12% là tốt nghiệp THPT và 3,11% lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên. Lao động nông thôn thiếu, yếu trình độ khiến cho việc tái cơ cấu nông nghiệp gặp nhiều khó khăn” – ông Thế Anh phân tích.

Nhiều chuyên gia cho rằng, công tác dạy nghề nông nghiệp không chỉ ít về số lượng mà chất lượng dạy nghề cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền nông nghiệp, nông thôn.

Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, ngoài những thành tựu trong công cuộc dạy nghề như: Tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, tạo vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa, hỗ trợ cho tái cơ cấu thì hoạt động dạy nghề cũng có nhiều hạn chế. Ví dụ như dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều nơi hoạt động dạy nghề chưa tính tới sự thay đổi và thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh. Đặc biệt, hiện nay công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được chuẩn đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế trong nước, lao động nông nghiệp chưa xây dựng được kỹ năng ngành thiết yếu, chưa có tính liên kết giữa các khâu đào tạo, tạo việc làm... vì vậy chưa nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Dạy nghề để tái cơ cấu nông nghiệp, khởi nghiệp

Ngoài những giải pháp đã nói, Bộ NN&PTNT đã chú trọng tới việc sắp xếp cơ cấu đào tạo nghề cho lao động làm nông nghiệp và dạy nghề nông nghiệp để lao động trẻ khởi nghiệp ở nông thôn.

Hiện nay Bộ NN&PTNT cũng đã có định hướng với các địa phương phối hợp với các trường đào tạo thực hiện định hướng theo tỷ lệ 50 - 30 - 20. Tức là 50% đào tạo cho lao động làm trong vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp, 20% đào tạo cho lao động trong các hợp tác xã và trang trại, 30% đào tạo cho an sinh xã hội nông thôn.

Bà Lưu Thị Hồng Tưởng - Đại diện Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho rằng, hiện nay dù mạng lưới dạy nghề phát triển, mở rộng trong cả nước, có rất nhiều đơn vị trung tâm, trường nghề, hiệp hội dạy nghề... nhưng thực tế hoạt động dạy nghề chưa có sự liên kết, còn rời rạc, chưa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

“Muốn dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, cần tạo sự liên kết tăng nguồn lực cho hoạt động dạy nghề. Đặc biệt cần thực hiện dạy nghề theo chuỗi... Ví dụ, một lao động muốn làm nông nghiệp không chỉ cần kiến thức cơ bản, kỹ thuật đơn thuần về trồng rau, nuôi lợn... mà còn phải biết kiến thức về chế biến, bảo quản sản phẩm, maketing, kiến thức thương hiệu...” – bà Tưởng nói.

Ông Đào Thế Anh cũng cho rằng cần đổi mới trong dạy nghề. “Cụ thể, lao động trẻ cần được đào tạo theo chuỗi với rất nhiều những mục như: Đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam và thế giới; đào tạo quản lý, quản trị chuỗi giá trị nông sản, xây dựng, tiếp cận thị trường; đào tạo quản lý thương hiệu cộng đồng, cách làm thương hiệu, truy xuất nguồn gốc...” – ông Đào Thế Anh chỉ rõ.

Đồng tình với quan điểm của bà Tưởng, ông Đào Thế Anh, PGS.TS Phạm Văn Cường – Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay việc dạy nghề mới chỉ đáp ứng mục tiêu trước mắt, chưa có chiến lược lâu dài. Nhiều trường chỉ dạy kiến thức sản xuất nông nghiệp mà không có những lớp dạy kỹ năng mềm, maketing, hay quản trị kinh doanh... chính vì thiếu những kiến thức tổng quan về thị trường, về kinh doanh nên nhiều nông dân chưa có cái nhìn khái quát về thị trường, không thể khởi nghiệp.

Đại diện Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định sẽ khắc phục những hạn chế trong công tác dạy nghề, trọng tâm là nâng cao chất lượng. Theo đó, bộ sẽ có những chỉ đạo chiến lược để địa phương lấy đó làm căn cứ dạy nghề dựa trên thế mạnh của địa phương nhằm tái cơ cấu, sản xuất tại vùng. Thứ trưởng cũng khẳng định Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện đổi mới dạy nghề, dạy nghề linh hoạt, khuyến khích thanh niên, nông dân trẻ ở nông thôn, những người mới lập nghiệp thành lập trang trại, doanh nghiệp mới tham gia các khóa đào tạo và có cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.

Minh Anh