dd/mm/yyyy

Chàng nông dân “bén duyên” nông nghiệp công nghệ cao

Sau những thất bại ban đầu, anh Phạm Công Bằng (thôn Đạ Đum 2, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đã rút ra được kinh nghiệm và thành công với mô hình trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bài học từ những thất bại

Đầu năm 2016, gia đình anh Phạm Công Bằng từ Đà Lạt tìm tới thôn Đạ Đum 2, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, mua đất lập nghiệp. Đang loay hay chưa biết sẽ trồng cây gì, nuôi con gì trên diện tích 2ha đất của gia đình thì anh Bằng tình cờ gặp một người quen chuyên làm rau ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao khá nổi tiếng ở Đà Lạt.

Anh Phạm Công Bằng tại vườn cà chua của gia đình.
Anh Phạm Công Bằng tại vườn cà chua của gia đình.

Thấy đất đai thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, người bạn đã tư vấn cho anh Bằng và hứa sẽ bao tiêu sản phẩm. Điều kiện hợp tác là sản phẩm nông nghiệp làm ra phải đạt chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Được sự tư vấn tận tình của bạn, gia đình anh Bằng nhanh chóng xây dựng trang trại rau sạch theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dựa trên tiêu chuẩn VietGAP.

Anh Bằng cho biết, là lần đầu tiên tiếp cận với sản xuất nông nghiệp nên gia đình gặp không ít khó khăn. Ngoài nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu là rất lớn, lên tới vài trăm triệu đồng/1.000m2  nhà kính thì việc trang bị các thiết bị phục vụ tưới tiêu, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc các loại cây trồng cũng là một khó khăn đối với gia đình anh Bằng.

“Những lứa rau đầu tiên hết sức vụng về, cây tốt, cây xấu, lại có dịch bệnh gây lại nên gần như bỏ không, mất trắng...”, ông Bằng chia sẻ. Nhưng thất bại đã giúp cho gia đình anh Bằng những bài học hết sức bổ ích.

Rút kinh nghiệm, những lứa trồng sau này, anh Bằng phòng trừ sâu bệnh ngay từ khi lựa chọn nguồn giống; tìm đến những vườn ươm có uy tín để chọn giống rau kháng bệnh tốt.

Đến nay tất cả diện tích đất canh tác của gia đình anh Phạm Công Bằng đã được làm trong nhà kính hiện đại, thông thoáng, đạt tiêu chuẩn để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trang trại đã trang bị hai hệ thống tưới song song gồm phun sương làm mát và tưới trực tiếp nhỏ giọt vào từng gốc cây. Khi nhiệt độ trong nhà kính vượt quá điều kiện cho phép, có thể gây bất lợi cho cây trồng thì hệ thống phun sương làm mát sẽ hoạt động. Các chất dinh dưỡng, phân bón được hòa trực tiếp vào nước để chăm sóc, nuôi cây. Nhờ sống trong một môi trường nhân tạo gần như hoàn hảo mà tất cả các loại cây trồng trong trang trại này đều phát triển rất tốt, cây trồng cho năng suất, chất lượng cao.

Đầu tư công nghệ cao cho ra sản phẩm như ý

Anh Bằng cho biết: Để có được những sản phẩm chất lượng, ngoài việc đầu tư, trang bị nông trại theo công nghệ sản xuất của Israel tiêu tốn khoảng 220 triệu đồng/1.000m2 , còn đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Anh Bằng cũng chú trọng việc trồng xen kẽ nhiều loại cây có chất đối kháng với thiên địch để hạn chế các loại côn trùng gây hại trên cây trồng, bảo vệ hoa màu không bị lây nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra, anh Bằng còn lựa chọn thời điểm gieo trồng thích hợp để tránh dịch bệnh gây hại.

Đến nay, trên khu đất 2ha, anh Bằng đã có gần chục loại cà chua, vườn ớt chuông, dưa pepino… mỗi ngày cung cấp ra thị trường hàng tạ sản phẩm sạch các loại. Các mặt hàng nông nghiệp ở đây được bán với giá cao hơn ở ngoài từ 50-100% tùy vào từng loại rau.

Anh Nguyễn Định, người nhận bao tiêu sản phẩm cho gia đình ông Phạm Công Bằng cho biết: Mặc dù mới đi vào hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng nhờ tuân thủ các quy trình sản xuất, kỹ thuật chăm sóc, mà các sản phẩm ở trang trại của hộ ông Bằng đều đạt chất lượng cao, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Duy Hậu