dd/mm/yyyy

Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo đưa người đi làm việc ở nước ngoài

Lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, muốn được đi làm ngay ở những nước có thu nhập cao của người dân, nhiều kẻ môi giới và tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động đã lừa đảo với nhiều thủ đoạn.
Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo đưa người đi làm việc ở nước ngoài - Ảnh 1.

Cán bộ công an tỉnh Thái Bình thu thập hồ sơ, tài liệu trong một vụ án lừa đảo đi làm việc nước ngoài. (Ảnh: TTXVN phát)

Tháng 7/2022, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội tiếp nhận đơn tố cáo của chị Nguyễn Thị H, trình bày về việc bị Vũ Hùng Chung (sinh năm 1978, trú tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Theo trình báo của chị H, năm 2014, chị đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, đến năm 2017 do bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp, chị bị Cảnh sát Đài Loan bắt, trục xuất về Việt Nam, đồng thời cấm nhập cảnh Đài Loan trong vòng 5 năm.

Tuy nhiên, sau khi bị trục xuất về nước, do công việc bấp bênh nên chị H muốn quay trở lại Đài Loan làm việc không đợi hết thời hạn cấm nhập cảnh. Qua mối quan hệ xã hội, chị H được một người giới thiệu gặp Vũ Hùng Chung. Chị H trao đổi với Chung về nhu cầu quay trở lại Đài Loan làm việc, đồng thời cũng nói rõ cho Chung biết bản thân chị mới bị trục xuất về nước, liệu có quay trở lại Đài Loan làm việc được không.

Dù không hề làm cho công ty, tổ chức nào về xuất khẩu lao động, đồng thời tìm hiểu biết trường hợp của chị H không thể nhập cảnh quay lại Đài Loan để làm việc nhưng Chung vẫn “chém gió” với chị H là có thể lo được cho chị H nhập cảnh trở lại Đài Loan làm việc. Chung nói với chị H có “cửa” và “làm chui” để đưa chị sang Đài Loan một cách hợp pháp, nhưng chi phí sẽ cao hơn bình thường, hết khoảng 6.500 USD. Nếu đồng ý, chị H đưa trước cho Chung 10 triệu đồng tiền đặt cọc, sau đó đưa tiếp 2.000 USD để Chung làm thủ tục.

Sau khi nhận tiền của chị H, đối tượng Chung không làm bất cứ thủ tục gì, không nộp hồ sơ xin xuất cảnh cho chị H. Số tiền chị H đưa, Chung đã sử dụng hết. Đến nay, đã gần 3 năm sau khi nộp tiền cho Chung, chị H vẫn không được xuất cảnh sang Đài Loan làm việc.

Cũng đánh vào tâm lý muốn đi làm việc với mức lương cao ở nước ngoài và được nhanh chóng hoàn thành thủ tục xuất khẩu lao động,, hai đối tượng Trần Tuấn Anh (sinh năm 1989, trú tại Đồng Tỉnh, Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Lê Văn Đạt ( sinh nằm 1989, trú tại Hòe Thị, Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã tự mạo danh là nhân viên của Công ty cổ phần thương mại phát triển quốc tế Bảo Minh- một công ty có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài - để trực tiếp tư vấn, thỏa thuận, hứa hẹn bằng nhiều cách sẽ đưa người lao động đi nước ngoài làm công việc nhẹ nhàng với mức lương cao cùng đãi ngộ “khủng;” thời gian xuất cảnh nhanh chóng, mọi giấy tờ, thủ tục đã có Tuấn Anh và Đạt lo liệu, với mức chi phí khoảng 8.000-10.000USD/người.

Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo đưa người đi làm việc ở nước ngoài - Ảnh 2.

Đối tượng Tuấn Anh và Đạt tại cơ quan Công an. (Nguồn: Cơ quan Công an)


Bằng lời lẽ ngon ngọt cùng với thủ đoạn lừa đảo như trên, từ đầu năm 2021 đến nay, 2 đối tượng trên đã lừa đảo thành công 9 lao động nộp hồ sơ, nộp tiền để xuất cảnh đi Slovakia với tổng số tiền chiếm đoạt gần một tỷ đồng.

Muôn kiểu lừa đảo

Sau một thời gian dài “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đã phục hồi mạnh mẽ.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 37.923 lao động, gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Đi cùng với việc hoạt động xuất khẩu lao động sôi động trở lại là vấn nạn lừa đảo trong lĩnh vực này cũng “nóng” trở lại.

Giữa tháng 10/2022, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phải phát đi thông báo về việc lừa đảo lao động đi Hàn Quốc theo thị thực E7.

Cụ thể, Cục này đã nhận được nhiều phản ánh về việc một số cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng quảng cáo, mời chào người lao động nộp tiền tham gia các khóa học nghề và thi tuyển để đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E7.

Đơn vị này cho biết dù phía Hàn Quốc có mở rộng chính sách tiếp nhận, giảm bớt điều kiện kinh nghiệm cho người lao động nhưng không phải dễ dàng để đi.

Cùng với đó, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ được tổ chức sơ tuyển, tuyển chọn lao động sau khi được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận việc chuẩn bị nguồn lao động hoặc đăng ký hợp đồng cung ứng lao động.

Trong khi đó, những thông tin quảng cáo dụ người lao động mắc bẫy lại tràn lan trên các trang mạng xã hội. Nhiều người dân mong muốn đi làm việc ở nước ngoài không nắm rõ thông tin dễ bị rơi vào "bẫy" lừa đảo với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau.

Ngay sau đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục phải cảnh báo khi người lao động bị lôi kéo đưa đi lao động tại nước ngoài, trong đó có một số quốc gia ở châu Phi.

Hay như trước đó, đối với chương trình visa nông nghiệp sang Australia, giữa hai nước mới chỉ ký biên bản ghi nhớ, nhưng cũng đã có những thông tin lừa đảo lao động sang Australia làm việc với mức lương rất cao và Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng phải phát đi cảnh báo.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, tình trạng lừa đảo thường diễn ra ở những thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số quốc gia châu Âu.

Phương thức chủ yếu là đưa ra các thông tin gian dối, không đúng sự thật như sử dụng danh nghĩa đại diện pháp nhân thương mại của công ty ở nước ngoài hoặc một số công ty môi giới, xuất khẩu lao động ở Việt Nam; lợi dụng sự thiếu hiểu biết thông tin, cũng như tâm lý chi phí giá rẻ để ký hợp đồng, chiếm đoạt tiền của người lao động.

Nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng đã lập thành công ty, có văn phòng và đội ngũ nhân viên như các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức quảng cáo trên mạng xã hội như facebook, zalo.

Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo đưa người đi làm việc ở nước ngoài - Ảnh 3.

Đối tượng Cao Thị Trang. (Nguồn: Cơ quan Công an)


Đơn cử như ngày 28/11, Công an huyện Yên Thế phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang điều tra làm rõ đối tượng Cao Thị Trang, sinh năm 1987, trú tại phường Cát Bi, quận Hải An, Hải Phòng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa đảo xuất khẩu lao động qua mạng xã hội Zalo với tổng số tiền chiếm đoạt là 221 triệu đồng của chị Vi Thị Thùy, sinh năm 1989 và chị Hứa Thị Bắc, sinh năm 1984, đều trú ở huyện Yên Thế, Bắc Giang.

Theo đơn tố giác, từ tháng 7-11/2021, Trang thường xuyên liên hệ với chị Thùy và chị Bắc nói rằng mình có thể đưa người đi Hàn Quốc nên hai chị tưởng thật đã đưa tiền cho Trang. Tuy nhiên, sau khi đưa tiền, Trang không đưa được chị Thùy và chị Bắc đi nước ngoài mà khóa Zalo không liên lạc.

Qua đấu tranh, truy xét và bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Yên Thế cùng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang đã làm rõ và vận động đối tượng Cao Thị Trang đến đầu thú về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra Quyết định tạm giữ và ra Lệnh khám xét khẩn cấp đối với Cao Thị Trang để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cảnh giác lời hứa việc nhẹ, lương cao

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lừa đảo đưa người làm việc ở nước ngoài gia tăng nhưng phổ biến là do thông tin về xuất khẩu lao động chưa đến được với mọi người.

Phần lớn người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài nhưng lại không biết tiếp cận với cơ quan, đơn vị nào để làm thủ tục. Thiếu thông tin, cộng thêm chút nhẹ dạ, cả tin, tâm lý nôn nóng, muốn được đi làm ngay ở những nước có thu nhập cao.., người lao động rất dễ bị môi giới, cò mồi và những tổ chức cá nhân không có chức năng lợi dụng.

Việc mở nhiều chi nhánh, trung tâm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thời gian qua cũng khiến tình hình trở lên phức tạp. Ngoài ra, ở một số địa phương, công tác quản lý hoạt động xuất khẩu lao động của cơ quan chức năng trên địa bàn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc lừa đảo người lao động.

Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo đưa người đi làm việc ở nước ngoài - Ảnh 4.

Lao động Việt Nam lên đường đi làm việc ở Nhật Bản. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Để ngăn chặn vấn nạn này, Cục đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các chi nhánh. Những doanh nghiệp mở chi nhánh không đúng quy định được chấn chỉnh và tổ chức lại.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã lập đường dây nóng để giải đáp những thông tin về xuất khẩu lao động cho người lao động biết, cảnh báo cho họ tránh tiếp xúc với những tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để khỏi bị lừa đồng thời cung cấp những thông tin nghi vấn để cơ quan công an điều tra xử lý.

Thời gian qua các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, xử lý nhiều đối tượng lừa đảo. Đồng thời, phối hợp với cơ quan Công an các tỉnh, thành tuyên truyền cảnh báo đến người dân về tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động.

“Người lao động nếu muốn ra nước ngoài làm việc thì nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm tin cậy để được đào tạo, đưa đi làm hợp pháp. Đồng thời, tìm hiểu thật kỹ về địa điểm, công việc nơi chuẩn bị đến làm việc, tìm hiểu về thân nhân, lai lịch của người giới thiệu việc làm. Đặc biệt, phải hết sức cảnh giác những lời hứa hẹn 'việc nhẹ, lương cao.' Trường hợp phát hiện doanh nghiệp, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo xuất khẩu lao động, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để phối hợp xử lý” - ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước khuyến cáo./.


(Vietnam+)