Nạn "giun tặc" hoành hành, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa: Kích giun còn tiêu diệt hết các sinh vật khác trong đất (Bài 4)

Bình Minh (ghi) Thứ tư, ngày 23/08/2023 08:42 AM (GMT+7)
Bộ kích giun điện 12V_DC qua hệ thống biến áp, sò công suất, tụ điện được kích lên đến 1800V_AC. Dòng điện này đi vào trong đất không chỉ dẫn đến làm chết giun mà còn gây chết các sinh vật khác, trong đó có sinh vật có lợi trong đất (động vật đất và cả hệ vi sinh vật đất).
Bình luận 0

Thời gian qua ở nhiều địa phương như: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thanh Hoá... lại xuất hiện tình trạng người dân dùng kích điện để đánh bắt giun trái phép, gây ảnh hưởng đến tài nguyên đất, hủy hoại môi trường, làm bạc màu nhiều khu đất, ảnh hưởng đến sản xuất nông lâm nghiệp.

Để hiểu hơn về vai trò của giun đất trong sản xuất nông nghiệp cũng như tác hại của việc kích giun, PV Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Hưng - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa).

Trước tiên, ông có thể cho biết vai trò của giun đất trong sản xuất nông nghiệp?

- Trước tiên tôi muốn nói về chất lượng đất và sức khỏe đất. Sức khỏe của đất có thể được định nghĩa là trạng thái tối ưu của các chức năng sinh học, vật lý và hóa học của đất, trong khi đó, giun đất chiếm phần ưu thế trong sinh khối của động vật đất là một phần quan trọng của sinh học đất.

Giun đất là loài động vật không xương sống, ruột khoang, thân có nhiều đốt, có thể co giãn được nhằm giúp giun đất dễ chui rúc trong đất, bề mặt da mềm, ẩm ướt và có chức năng hô hấp, chủ yếu sinh sống ở các vùng đất ẩm, xốp và mát, thức ăn chính của giun là mùn hữu cơ, không gây độc hại, nguy hiểm cho người và động vật cũng như môi trường.

Giun đất cũng là một trong những sinh vật chỉ thị cho sức khỏe và độ phì nhiêu của đất, do vậy sự phong phú về mật độ của quần thể giun đất là đại diện cho sức khỏe của hệ sinh thái và mức độ an toàn về môi trường đất. Để đánh giá chất lượng đất, một trong những chỉ tiêu, đó là theo dõi mật độ giun trong đất. Đất được coi là màu mỡ thì sẽ có mật độ giun trung bình 300 - 500 con/m2. Đối với những vùng đất kém màu mỡ thì mật độ giun thấp hoặc không tồn tại.

Giun cũng giúp làm tơi xốp cho đất, giúp giữ nước trong đất tốt hơn. Trong quá sinh trưởng và phát triển, giun di chuyển và đào hang trong đất, tạo thành các ống, khe hở trong đất, nhờ đó nước, không khí và chất dinh dưỡng được trao đổi, phân tán đều trong đất. Đất trở nên tơi xốp, thoáng và giàu dưỡng khí giúp rễ cây dễ dàng hô hấp, hấp thụ dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh. 

Bên cạnh đó, cũng giúp hệ thống thoát nước tự nhiên của đất cũng hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, sự tơi xốp của đất sẽ giúp giữ nước và chất dinh dưỡng… từ đó hạn chế hiện tượng rửa trôi, xói mòn, suy thoái đất.

Kích giun - Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Minh Hưng - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa), để chấm dứt nạn "giun tặc" cần quản lý chặt cơ sở thu mua giun và bán máy kích điện. Ảnh: Bình Minh

Về dinh dưỡng: Thức ăn của giun là các mảnh vụn hữu cơ mục nát như xác bã thực vật, chúng tiêu hóa các thành phần hữu cơ và chất khoáng từ thực phẩm chúng ăn. Chất thải từ giun chứa các thành phần N, P, K, Mg nhiều hơn gấp 5 – 11 lần so với đất trồng. Phân và xác giun kết hợp với hạt đất có khả năng tái tạo keo đất, ổn định nước, lưu giữ độ ẩm và góp phần tái tạo lại lớp đất mặt. Giun cũng tiết ra một số chất kích thích tăng trưởng thực vật.

Tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh: Theo các nhà nghiên cứu, giun đất còn giúp tiêu diệt các vi sinh có hại gây bệnh cây trồng hiệu quả. Khi chúng ăn lá cây sẽ tiêu hóa luôn những nấm mốc, vi khuẩn có hại. Phân của chúng lại là môi trường tốt nhất để các loại vi sinh vật hữu ích phát triển. Các vi sinh vật hữu ích sẽ tạo ra chất kháng sinh để ngăn chặn các vi sinh vật gây hại cho cây trồng. Mật độ giun trong đất cao cũng tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi phát triển. Giúp hạn chế tuyến trùng và nấm gây hại trong đất.

Tóm lại giun đất là một loài động vật đóng vai trò to lớn trong cải tạo độ phì nhiêu đất và bảo vệ sức khỏe của đất trồng trọt. Giun đất là người bạn thân thiết của nhà nông.

Kích giun trộm không phải là mới xuất hiện và trong thời gian vừa qua báo chí cũng đã phản ánh tình trạng này ngàng càng phổ biến ở nhiều tỉnh, thậm chí các đối tượng tỏ thái độ manh động. Ông có thể đánh giá mức độ nguy hại của nạn "giun tặc"?

- Bộ kích giun điện 12V_DC qua hệ thống biến áp, sò công suất, tụ điện được kích lên đến 1800V_AC. Dòng điện này đi vào trong đất không chỉ dẫn đến làm chết giun mà còn gây chết các sinh vật khác, trong đó có sinh vật có lợi trong đất (động vật đất và cả hệ vi sinh vật đất).

Tác hại của việc kích giun trộm tác đông rất lớn đến hệ sinh thái. Theo đó, giun đất là một phần của hệ sinh thái và là một mắt xích trong "chuỗi thức ăn". Hệ sinh thái nông nghiệp vốn có độ ổn định thấp hơn hệ sinh thái tự nhiên. Nếu "mắt xích" này bị chặt đi sẽ làm mất cân bằng và sẽ tạo ra những hậu quả khôn lường.

Khi giun đất không còn tồn tại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến canh tác nông nghiệp. Cụ thể: Nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng qua quá trình sinh trưởng phát triển của giun sẽ không còn nữa (biến các chất hữu cơ thô, hợp chất hữu cơ dễ tiêu và các khoáng chất), giun chứa 60 – 70% protein trọng lượng khô, do vậy chất bài tiết hay cơ thể sau khi chết sẽ cung cấp cho đất một lượng lớn N tổng số cho đất và cây trồng.

Chấm dứt nạn "giun tặc": Cần kiểm soát chặt cơ sở thu mua giun, bán máy kích điện (bài 4) - Ảnh 2.

Người dân huyện Cao Phong (Hòa Bình) phải thức trắng đêm để "mật phục" trông vườn cam trước sự phá hoại của bọn "giun tặc". Ảnh: Tuệ Linh

Bên cạnh đó, khả năng thấm của đất, độ thông thoáng của đất giảm, quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng giảm... ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây trồng giảm.

Về môi trường: Hoạt động sống của giun đất đã được chứng minh có khả năng tăng cường quá trình phân hủy sinh học tự nhiên và phân hủy chất thải hữu cơ (60-80% trong điều kiện tối ưu). Khi không còn giun đất thì quá trình phân hủy phụ phẩm nông nghiệp cũng như rác thải sẽ bị chậm lại.

Khi kích giun cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của bộ rễ cây trồng. Lông hút của hệ rễ sẽ bị chết và ảnh hưởng đến sự tái sinh của tế bào long hút mới, vì thế cây không hút được nước và dinh dưỡng.

Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ làm suy giảm hệ sinh vật đất và suy giảm sức khỏe đất ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đất và độ phì nhiêu của đất.

Hiện chưa có chế tài cụ thể để xử phạt đối với hành vi kích giun trộm. Vậy theo ông có nên xem kích giun trộm là "một loại tội phạm". Ông có đề xuất giải pháp gì để ngăn chặn triệt để tình trạng này?.

- Thực ra, hiện tượng kích giun đã xảy ra từ nhiều năm trước, gần đây qua các phương tiện truyền thông thì vấn đề này nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân và các cấp quản lý. Phải khẳng định vai trò to lớn của các cơ quan báo chí.

Trong khi chưa có chế tài đủ sức răn đe thì cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích của giun đất đối với cây trồng và môi trường; phối hợp cùng các lực lượng chức năng theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hành vi săn bắt giun đất trái phép, các cơ sở bán máy kích điện và hoạt động của các cơ sở thu gom, sấy khô, mua bán giun đất.

Tại khoản 2, điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng nêu rõ, một trong các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm là: "Khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật."

Tại khoản 6, điều 3 Nghị định 155/2016/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường) thì hành vi khai thác trái phép loài sinh vật là các hành vi săn bắt, đánh bắt, bẫy bắt, hái, lượm, thu giữ nhằm lấy các sinh vật (bao gồm động vật, thực vật, nấm, vi sinh vật), bộ phận hoặc dẫn xuất của các loài động vật, thực vật mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vượt quá số lượng cho phép trong giấy phép khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Vậy theo ông, để giun đất phát triển tốt trở lại, theo ông cần phải có những giải pháp gì?

- Cần bón phân hữu cơ vào đất đặc biệt là loại phân chuồng hoai mục vì giun đất rất thích phát triển trên nền phần chuồng hoai mục (đặc biệt là phân gia súc).

Cải tạo độ pH đất thích hợp cho giun phát triển (pH tối thích 6,0 đến 7,0) Vì giun hô hấp qua da do vậy pH quá chua hay quá kiềm đều ảnh hưởng đến hô hấp của giun.

Bổ sung nguồn trứng giun, giun giống vào đất; Không sử dụng các loại thuốc BVTV trong quá trình phục hồi nguồn giun đất.

Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học trong BVTV và phân bón cho cây trồng; Điều tiết tưới tiêu hợp lý trong vườn, tránh ngập úng hay quá khô hạn sẽ ảnh đến sinh trưởng phát triển của giun.

                                                                                   Xin cảm ơn ông!

Theo Tiến sỹ luật Đặng Văn Cường, hành vi dùng kích điện để đánh bắt giun đất tự phát là hành vi vi phạm pháp luật, hủy hoại đất. Bởi vậy, tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà người dùng xung kích điện để đánh bắt giun tự phát có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Cường phân tích, theo khoản 25, Điều 3, Luật đất đai năm 2013 quy định, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Hay nói cách khác, hủy hoại đất là hành vi làm mất đi giá trị ban đầu của đất, khiến đất không còn đảm bảo chất lượng như trước nữa. Hành vi hủy hoại đất là hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 1, Điều 12, Luật đất đai năm 2013.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem