Sau loạt bài "Thâm nhập vào hang ổ kích giun" của Dân Việt, UBND tỉnh Sơn La ra công văn chỉ đạo xử lý nghiêm

Văn Ngọc Thứ sáu, ngày 29/09/2023 06:00 AM (GMT+7)
Sau loạt bài "Thâm nhập vào hang ổ kích giun" của Báo điện tử Dân Việt, UBND tỉnh Sơn La đã có công văn yêu cầu Sở NNPTNT, cùng các huyện, thành phố trên địa bàn khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kích giun đất trái phép.
Bình luận 0

Clip: Sơn La tăng cường ngăn chặn nạn kích giun đất trái phép bảo vệ môi trường nông nghiệp

Vận động nhân dân không sử dụng máy điện kích giun đất trái phép

Tại văn bản số 3781 ban hành ngày 22/9/2023 về việc kiểm tra, ngăn chặn hành vi khai thác giun đất trái phép, UBND tỉnh Sơn La đã giao: UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại khi sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất; vận động nhân dân không sử dụng kích điện hoặc hóa chất để đánh bắt giun đất; không tham gia thu mua, sơ chế, buôn bán giun đất. 

Chỉ đạo các cơ quan có liên quan của huyện tổ chức kiểm tra, xử lý các lò sấy gây ô nhiễm môi trường, không để phát sinh phức tạp về an ninh trật tự. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tham mưu ban hành văn bản quản lý đối với hành vi tận diệt giun đất, hủy hoại môi trường nông nghiệp.

Sơn La vào cuộc ngăn chặn tình trạng kích, mua giun đất trái phép - Ảnh 2.

UBND tỉnh Sơn La ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường triển khai các biện pháp ngăn chặn nạn "giun tặc". Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Mộc Châu (Sơn La) xuất hiện tình trạng kích điện bắt giun đất, chủ yếu dưới 2 hình thức là kích điện bắt trộm giun đất và người dân kích điện bắt giun đất trên vườn của mình đi bán vì lợi nhuận. Trước tình trạng trên, UBND huyện Mộc Châu (Sơn La) đang tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc kích điện bắt giun đất và khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng công an để thu giữ máy kích điện.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu (Sơn La) hiện nay huyện đã ban hành văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh hướng dẫn quy định cụ thể về xử lý vi phạm đối với các trường hợp sử dụng bộ kích điện để đánh bắt giun đất. Theo đó, lực lượng Công an các xã, thị trấn đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản, nhắc nhở, ký cam kết không tái phạm đối với 14 trường hợp kích điện bắt giun (trong đó có 9 trường hợp do người dân phản ánh, tố giác và 5 trường hợp do lực lượng chức năng đi kiểm tra, phát hiện) và 03 cơ sở của 3 hộ gia đình thực hiện sơ chế giun.

"Trong thời gian tới, UBND huyện Mộc Châu sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan, đơn vị; UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng kích điện để đánh bắt giun đối với hệ sinh vật đất, khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng công an để thu giữ máy kích điện. Chỉ đạo hoạt động kiểm tra, xử lý đối với các cá nhân có hành vi sử dụng kích điện đánh bắt giun đất và các cơ sở sơ chế, chế biến giun đất theo quy định",  Bà Nguyễn Thị Hoa nói.

Sơn La vào cuộc ngăn chặn tình trạng kích, mua giun đất trái phép - Ảnh 3.

Nạn kích giun đất trái phép xuất hiện tại các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Bắc Yên, Phù Yên,... của tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Bảo vệ giun đất - bảo vệ môi trường nông nghiệp hữu cơ

Thông tin về vai trò, lợi ích của giun đất đối với môi trường, ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết: Giun đất là động vật sinh sống chủ yếu trong môi trường đất, thức ăn của giun đất là mùn hữu cơ. Giun đất có tác dụng rất tốt trong việc phân hủy chất hữu cơ, bản thân giun đất có hàm lượng dinh dưỡng cao nên được dùng làm thức ăn trong chăn nuôi và phân bón cho cây trồng.

Khi giun đất làm đất tơi xốp, thoáng khí và phì nhiêu hơn thì cây trồng sẽ phát triển tốt hơn và cho năng suất cao hơn, có tác dụng lâu dài và bền vững. Hệ vi sinh có lợi trong đất có hoạt động sinh học cao sẽ tiêu diệt các vi sinh gây bệnh và giúp cây trồng được bảo vệ tốt nhất. Tuy giun đất không thay thế được tất cả các loại phân khoáng và phân hữu cơ khác, nhưng các tác dụng của giun đất có thể bù đắp và giảm thiểu chi phí sản xuất cho người nông dân.

Sơn La vào cuộc ngăn chặn tình trạng kích, mua giun đất trái phép - Ảnh 4.

Vai trò của giun đất rất quan trọng trong nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Giun giúp cho đất tơi xốp, thoáng khí nên tác động trực tiếp đến sự phát triển của cây trồng. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo ông Dương Gia Định, trước tình trạng người dân sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất trái phép, để bảo vệ môi trường đất, cây trồng trên địa bàn tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại khi sử dụng kích điện đánh bắt giun đến môi trường đất sản xuất, cây trồng; vận động nhân dân không sử dụng kích điện hoặc hóa chất để đánh bắt giun đất; không tham gia thu mua, sơ chế, buôn bán giun đất; không sử dụng các thiết bị, phương tiện không an toàn cho người, gia súc, môi trường; đề nghị đến các cơ quan chuyên môn, cơ quan liên quan để được hướng dẫn cụ thể hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi liên quan đến dùng điện kích giun đất trái phép.

Xử phạt hành vi kích giun đất trái phép như thế nào?

Tại điểm 25 Điều 3 Luật Đất đai 2013: "Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. căn cứ Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.

Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem