Một loại trái đặc sản của Bình Dương giảm 70% năng suất, nông dân than khó giữ vườn cây ăn trái

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 27/04/2024 18:47 PM (GMT+7)
Năng suất vụ măng cụt năm nay ở TP.Thuận An (Bình Dương) dự báo sụt giảm khoảng 70% so với năm trước. Măng cụt mất mùa khiến nông dân tiếp tục lo lắng việc giữ vững diện tích vườn cây ăn trái đặc sản.
Bình luận 0

Măng cụt mất mùa

Vườn cây ăn trái ở TP.Thuận An được nhiều người biết đến với các loại trái ngon, như: Mít tố nữ, bòn bon, sầu riêng, chôm chôm. Nổi tiếng nhất trong số đó vẫn là măng cụt.

Vườn măng cụt của TP.Thuận An tập trung chủ yếu tại các phường: Lái Thiêu, An Sơn, Hưng Định, Bình Nhâm với khoảng 600ha, chiếm hơn một nửa tổng diện tích vườn cây ăn trái của toàn thành phố.

Măng cụt hiện được trồng nhiều nhất tại phường An Sơn và Lái Thiêu, TP.Thuận An. Ảnh: Trần Khánh

Măng cụt hiện được trồng nhiều nhất tại phường An Sơn và Lái Thiêu, TP.Thuận An. Ảnh: Trần Khánh

Năm nay, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kéo dài khiến sản lượng và năng suất măng cụt giảm 70% so với năm trước.

Trao đổi với báo Dân Việt, ông Trần Văn Viễn - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn cho biết, đặc thù của măng cụt là sản lượng trồi sụt qua từng năm. Nếu năm nay năng suất cao thì năm sau năng suất lại giảm.

Riêng năng suất vụ măng cụt năm nay ước giảm chỉ còn 30% so với năm ngoái. Thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua là một trong những nguyên nhân khiến cho các vườn măng cụt ra hoa đậu trái rất thấp.

Bà Trần Thị Lâm Trưng, nông dân trồng măng cụt ở xã An Sơn (TP.Thuận An) dự kiến, năm nay vườn cây của bà chỉ thu được khoảng 20% so với năm ngoái. Thời tiết nắng nóng kéo dài còn khiến nhiều cây măng cụt bị sâu bệnh, khô lá, chết cành.

Năng suất măng cụt năm nay dự kiến giảm mạnh từ 70-80% so với năm trước. Ảnh: Trần Khánh

Năng suất măng cụt năm nay dự kiến giảm mạnh từ 70-80% so với năm trước. Ảnh: Trần Khánh

Theo bà Lâm Trưng, nhiều năm trước, tỉnh Bình Dương có chính hỗ trợ nông dân giữ gìn và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản theo Quyết định 63 năm 2016 của UBND tỉnh. Rất nhiều nông dân được hưởng lợi từ quy định này, nhưng từ cuối năm 2021, chính sách này không còn thực hiện nữa.

Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp nhất là phân bón tăng cao. Nông dân không cung cấp đầy đủ lượng phân bón cho cây trồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến năng suất vườn măng cụt năm nay giảm mạnh.

Giá măng cụt sẽ tăng cao nhưng nông dân không vui

Theo các nhà vườn, hiện giá măng cụt trên thị trường dao động 50.000 - 80.000 đồng/kg, tùy loại. 

Nhà vườn trồng măng cụt đề nghị tỉnh Bình Dương tiếp tục thực các chính sách hỗ trợ để yên tâm giữ diện tích vườn cây ăn trái đặc sản. Ảnh: Trần Khánh

Nhà vườn trồng măng cụt đề nghị tỉnh Bình Dương tiếp tục thực các chính sách hỗ trợ để yên tâm giữ diện tích vườn cây ăn trái đặc sản. Ảnh: Trần Khánh

Dự báo sắp tới giá măng cụt sẽ tăng cao hơn do sản lượng măng cụt năm nay không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Cùng với đó là trào lưu ăn gỏi gà măng cụt tăng cao. Nhiều tiểu thương săn lùng măng cụt còn non về bán khiến cho măng cụt càng trở nên khan hiếm hơn.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Viễn cho rằng, giá măng cụt tăng cao do các yếu tố này không phải là niềm vui bền vững.

Nhà vườn trồng măng cụt đề nghị tỉnh Bình Dương tiếp tục thực các chính sách hỗ trợ như Quyết định 63 để yên tâm giữ diện tích vườn cây ăn trái đặc sản.

Dự kiến, Lễ hội Lái thiêu mùa trái chín năm 2024 sẽ tổ chức từ ngày 8 - 15/6 (từ mùng 3 đến mùng 7/5 âm lịch), tại phường Hưng Định, TP.Thuận An.

"Hiện tại, nông dân vẫn đang nỗ lực chăm sóc vườn cây. Nhưng mùa lễ hội năm nay chắc sẽ không vui bằng năm trước do mất mùa, giảm năng suất", ông Viễn nói.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương, nông nghiệp đô thị Nam Bình Dương, trong đó có diện tích cây ăn trái đặc sản ở TP.Thuận An đang đối diện nhiều áp lực.

Năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 3265 phê duyệt đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020.

Bình Dương đã hỗ trợ gần 50 tỷ đồng thông qua chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2007 - 2021.

Tuy nhiên, một số mục tiêu của đề án như phát triển diện tích cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái thực hiện chậm, không đạt so với mục tiêu đề ra.

Nông nghiệp đô thị Nam Bình Dương, trong đó có diện tích cây ăn trái đặc sản ở TP.Thuận An đang đối diện nhiều áp lực. Ảnh: Trần Khánh


Nông nghiệp đô thị Nam Bình Dương, trong đó có diện tích cây ăn trái đặc sản ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương đang đối diện nhiều áp lực. Ảnh: Trần Khánh

Nguyên nhân do nhiều cơ sở công nghiệp, đô thị, khu dân cư được xây dựng xen kẽ với các vùng nông nghiệp đã làm không gian sản xuất nông nghiệp liên tục giảm đi nhiều. 

Đặc biệt là tốc độ đô thị hóa khá nhanh tại một số khu vực ở TP.Thuận An làm giảm diện tích vùng cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái.

Cùng với đó, ô nhiễm môi trường do hoạt động công nghiệp và sinh hoạt đô thị cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng canh tác và nuôi trồng tại địa phương.

Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, từ những kết quả và hạn chế này, Sở NNPTNT đề xuất với UBND tỉnh không tiếp tục xây dựng đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương trong giai đoạn tiếp theo.

Thay vào đó, ngành nông nghiệp sẽ căn cứ phương án phát triển các ngành, sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030 để xây dựng kế hoạch và thực hiện lồng ghép phát triển nông nghiệp đô thị với các chương trình, kế hoạch trọng tâm hiện có của ngành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem