Nạn "giun tặc" hoành hành ở Hòa Bình: Phá cả rào B40 vào vườn cam kích giun, người dân hoang mang (Bài 5)

Phạm Hoài - Tuệ Linh Chủ nhật, ngày 27/08/2023 06:05 AM (GMT+7)
Thời gian qua, dù cơ quan chức năng và truyền thông cảnh báo liên tục, nhưng tình trạng kích giun trộm ở Hòa Bình không những không giảm, mà càng có xu hướng gia tăng, các đối tượng manh động hơn, khiến cho người dân hoang mang, bức xúc...
Bình luận 0

Clip: Các đối tượng kích trộm giun phá hàng rào của anh Trịnh Xuân Cường - chủ vườn cam tại xóm Dệ, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

"Giun tặc" sẵn sàng phá, chui qua rào thép để kích trộm giun

Sau loạt bài 4 kỳ của Báo Dân Việt phản ánh về tình trạng "giun tặc" sử dụng kích điện, đánh bắt trộm giun đất trên địa bàn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình; phóng viên tiếp tục nhận được phản ánh của người dân xã Bắc Phong về việc các đối tượng kích giun hiện nay còn manh động hơn; trộm phá cả lưới thép B40 để vào đánh bắt giun tại vườn cam của người dân.

Có mặt tại xã Bắc Phong (huyện Cao Phong), chúng tôi được một người quen dẫn vào vườn cam của anh Trịnh Xuân Cường ở xóm Dệ, xã Bắc Phong – một trong những chủ vườn bị các đối tượng "giun tặc" phá hàng rào lưới thép để lẻn vào kích trộm giun.

Gặp anh Cường tại vườn cam, chúng tôi thấy được sự lo lắng lộ rõ trên nét mặt của anh, khi vườn cam vừa bị các đối tượng kích giun bẻ cong hàng rào lưới thép B40 đột nhập, hòng kích bằng được giun ở vườn anh.

Chỉ tay vào đoạn hàng rào lưới thép B40 bị các đối tượng kích giun vừa bẻ cong hôm qua, anh Cường bộc bạch: Vườn cam của tôi có diện tích 7.000m2, đã được 8 năm tuổi nhưng tôi chưa bao giờ thấy "giun tặc" lộng hành như bây giờ.

Nạn "giun tặc" hoành hành ở Hòa Bình: Hoạt động tinh vi, sẵn sàng vượt rào thép để kích giun - Ảnh 2.

Đoạn hàng rào lưới thép B40 bị các đối tượng kích giun bẻ cong để vào vườn anh Cường kích giun. trộm Ảnh: Tuệ Linh.

Trước đây, vườn cam của anh Cường luôn cho năng suất cao. Sau khi trừ chi phí, anh cũng lãi được ngót nghét vài trăm triệu đồng/năm. Tầm khoảng 2 -3 năm trở lại đây, khi bị "giun tặc" hoành hành, năng suất vườn cam của anh không được như trước nữa, sản lượng và chất lượng quả bị giảm đi rất nhiều. Năm vừa rồi, anh thu được khoảng 200 triệu đồng tiền bán cam, sau khi trừ chi phí anh Cường còn lãi có 60 triệu đồng.

"Năm nay, thu nhập từ vườn cam của gia đình chắc không đủ bù tiền chi phí phân bón, nhân công…, may ra có thể hòa vốn", anh Cường ngậm ngùi nói.

Nạn "giun tặc" hoành hành ở Hòa Bình: Hoạt động tinh vi, sẵn sàng vượt rào thép để kích giun - Ảnh 3.

Những cây cam của anh Trịnh Xuân Cường bị khô cành do các đối tượng dùng kích giun trộm gây ra. Ảnh: Phạm Hoài.

Theo anh Cường, mấy năm gần đây, cây cam có hiện tượng lá rụng, khô cành; khi chín (chưa phải chín dư), quả cam cứ mềm mặc dù cuống vẫn còn chắc, nguyên nhân là do các đối tượng kích giun dùng kích điện với công suất cao vào lòng đất, làm các rễ tơ của cây cam bị chết hoặc bị cháy nên không thể hút chất dinh dưỡng nuôi cây, nuôi quả dẫn đến quả bị mềm khi chín.

"Trước đây, những chủ vườn cam ở Cao Phong ít ai để ý đến việc này, khi mọi người phát hiện ra nguyên nhân của hiện tượng này thì mới "vỡ lẽ", tất cả đều xuất phát từ việc kích trộm giun. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm đi năng suất và chất lượng quả", anh Cường cho hay.

Anh Cường cho biết thêm, trước kia, việc vây bắt quả tang các đối tượng kích trộm giun còn dễ. Thời điểm trước đây, các đối tượng đi kích trộm giun chỉ đi 2 người /1 nhóm; trong đó, một người kích, một người nhặt giun. Nhưng thời gian gần đây, các nhóm "giun tặc" đều tăng cường thêm người để làm nhiệm vụ canh gác. Khi phát hiện chủ vườn, họ thông báo cho nhau chạy trốn; nên bây giờ việc bắt quả tang được các đối tượng kích trộm giun rất là khó.

Bên cạnh đó, theo anh Cường thì các chủ vườn cũng không thể biết các đối tượng kích trộm giun hoạt động vào thời điểm nào trong ngày. Họ có nhiều nhóm khác nhau và có khi còn canh giờ cả các chủ vườn nên các chủ vườn mất rất nhiều công sức để canh gác mà vẫn khó bắt được các đối tượng kích giun này.

"Không riêng gì bản thân tôi mà tất cả những người làm vườn ở huyện Cao Phong này đều rất mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để có chế tài xử lý những kẻ phá hoại vườn cam, để bảo vệ cho những chủ vườn cam như chúng tôi an tâm sản xuất", anh Cường giãi bày.

Được biết, ngoài vườn cam của anh Cường, nhiều vườn cam trên địa bàn xã Bắc Phong đều trong cảnh ngộ như vậy. Thấy "giun tặc" lộng hành nhiều năm mà không bị chính quyền, các lực lượng chức năng dẹp một cách kiên quyết, người dân còn thấy "ngại luôn cả đám giun tặc". Có những chủ vườn tuy rất bức xúc với "giun tặc" nhưng khi trình bày với phóng viên thì lại xin được giấu tên; trong đó có bà D.T.H ở xóm Dài, xã Bắc Phong- chủ vườn cam lòng vàng 9 năm tuổi, rộng 9.000m2.

Bà H chia sẻ: Vườn của tôi bị các đối tượng kích giun đột nhập từ đầu năm nay. Một tháng đổ lại đây, vườn cam bị kích trộm giun rất nhiều khiến tôi cảm thấy lo lắng; ngày càng thấy cây cam có hiện tượng rụng lá nhiều và chết cành.

Nạn "giun tặc" hoành hành ở Hòa Bình: Hoạt động tinh vi, sẵn sàng vượt rào thép để kích giun - Ảnh 4.

Bị kích trộm giun rất nhiều, khiến các cây cam trong vườn bà H có hiện tượng rụng lá nhiều. Ảnh: Phạm Hoài.

Bà H cũng cho biết, mặc dù vườn cam của bà đã được rào cẩn thận bằng lưới thép B40 nhưng vẫn không thể cản bước những đối tượng kích giun đột nhập. Các đối tượng này có thể trèo qua hàng rào hoặc có thể sẵn sàng phá 1 đoạn hàng rào để vào kích trộm giun.

"Tôi mong muốn các cơ quan chức năng có các biện pháp kịp thời ngăn chặn nạn " giun tặc" này để bảo vệ vườn cam cho gia đình cũng như các chủ vườn trên địa bàn. Nếu tình trạng này kích giun kéo dài, vườn cam của tôi đứng trước nguy cơ thất thu", bà H nói.

Công an tuần tra 5 giờ sáng, thì "giun tặc" đi kích giun vào.... 1-2 giờ sáng, hoạt động hết sức tinh vi

Để tìm hiểu về việc "hành nghề" các đối tượng "giun tặc" trên địa bàn xã Bắc Phong, ngay trong buổi chiều 23/8, chúng tôi đã có mặt tại UBND xã Bắc Phong.

Trao đổi với phóng viên, đại úy Bùi Văn Trung- Phó Trưởng Công an xã Bắc Phong, chia sẻ: "Tình trạng kích giun trên địa bàn xã xảy ra lén lút, thường xuyên. Trước đây, các đối tượng kích giun thường hoạt động vào tầm khoảng 5 giờ sáng nhưng do Công an xã triển khai tuần tra thường xuyên nên các đối tượng này đã chuyển sang đi vào tầm 1-2 giờ sáng".

Nạn "giun tặc" hoành hành ở Hòa Bình: Hoạt động tinh vi, sẵn sàng vượt rào thép để kích giun - Ảnh 5.

Các dụng cụ kích giun mà Công an xã Bắc Phong thu giữ được trong thời gian qua. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo Phó Trưởng Công xã Bắc Phong, các đối tượng kích trộm giun đều đến từ xã khác, khi "hành nghề" đều có hoa tiêu (tức là đối tượng canh gác). Những đối tượng này thường đi theo nhóm từ 4 đến 5 người. Trong nhóm này sẽ cử ra một người canh gác ở cổng UBND xã hoặc canh gác ở các đoạn đường vào vườn cam của người dân.

Khi lực lượng Công an xã đi kiểm tra hoặc định bắt quả tang các đối tượng thì lập tức đối tượng canh gác liền thông báo ngay cho các đối tượng còn lại. Lúc lực lượng Công an đến thì các đối tượng này bỏ hết máy móc trên đồi và chỉ mang bao lô đựng đầy chuối, lá cây… để qua mắt lực lượng Công an xã.

"Năm 2020, Công an xã đã phát hiện và thu giữ được 4 máy kích điện của các đối tượng kích giun trộm. Năm nay, lực lượng Công an xã chưa bắt vụ trộm giun nào do các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi", Phó Trưởng Công xã Bắc Phong cho hay.

Nạn "giun tặc" hoành hành ở Hòa Bình: Hoạt động tinh vi, sẵn sàng vượt rào thép để kích giun - Ảnh 6.

Theo Chủ tịch UBND xã Bắc Phong, hệ lụy của việc kích trộm giun là rất lớn. Ảnh: Phạm Hoài.

Trao đổi với phóng viên, ông Khương Xuân Lịch- Chủ tịch UBND xã Bắc Phong cho biết: "Hầu hết các đối tượng kích giun đều đến từ các địa bàn khác, để ngăn chặn nạn "giun tặc", UBND xã Bắc Phong chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, vận động cán bộ đảng viên và người dân nâng cao nhận thức về tác hại của việc đánh bắt giun đất bằng kích điện và việc dùng kích điện để bắt giun đất đối với môi trường sinh thái và sản xuất nông nghiệp".

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng của xã, huyện để xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng có hành vi bắt giun đất bằng thiết bị kích điện, hóa chất và thu mua, sơ chế giun đất theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, hướng dẫn các hộ gia đình trên địa bàn tự bảo vệ đất của mình, không để các đối tượng mang máy kích điện bắt giun vào đất của mình để đánh bắt làm ảnh hưởng tới môi trường đất.

Theo Chủ tịch UBND xã Bắc Phong, trên địa bàn xã hiện nay có khoảng 200ha cam, hệ lụy của việc kích trộm giun tại các vườn cam của người dân rất lớn. Hiện nay chưa có chế tài để xử lý hành vi dùng kích điện khai thác giun đất nên gây không ít khó khăn để ngăn chặn tình trạng này diễn ra trên địa bàn.

Có thể xử phạt tới 150 triệu đồng đối với hành vi kích giun gây phá hoại môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản hướng dẫn đối với việc xứ lý hành kích trộm giun. Theo đó, căn cứ Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta;

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.

Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem