Trung Quốc tăng tốc thu mua, giá một loại tinh bột của Việt Nam tăng, doanh nghiệp hối hả trả đơn hàng

K.Nguyên Thứ hai, ngày 25/09/2023 09:32 AM (GMT+7)
Hiện có nhiều nhà máy tinh bột sắn lớn đi vào hoạt động trở lại khiến giá sắn tươi tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục được đẩy tăng lên, trong khi giá tinh bột sắn xuất khẩu cũng tăng do nhu cầu của Trung Quốc rất lớn.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do nhu cầu tăng cao từ thị trường Trung Quốc, giá tinh bột sắn xuất khẩu biên mậu tăng nên nhiều doanh nghiệp tạm thời chỉ trả hàng các hợp đồng đã ký trước đó. 

Trong khi đó, nhiều nhà máy tinh bột sắn lớn đi vào hoạt động trở lại khiến giá sắn tươi tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục được đẩy tăng lên. Giá thu mua sắn tươi tại Gia Lai được đẩy tăng lên mức 4.000 đồng/kg. 

Tuy giá sắn tăng cao ở các địa phương nhưng dịch bệnh khảm lá sắn vẫn đang diễn biến phức tạp, đe dọa nhiều vùng nguyên liệu.

Tại tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, hàng loạt diện tích sắn trên địa bàn tỉnh bị bệnh khảm lá gây hại, trong đó nhiều ruộng sắn nhiễm bệnh khá nặng. Năm 2023, nông dân cả tỉnh sản xuất tổng cộng 5.656 ha sắn các loại. Tuy nhiên, từ đầu vụ đến nay bệnh khảm lá xuất hiện và gây hại trên 2 giống sắn PLT01, KM94 ở các huyện Quế Sơn, Hiệp Đức với diện tích 874 ha. 

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Nam, tỷ lệ bệnh khảm lá gây hại trên cây sắn trung bình từ 20 - 40%, nơi cao 50 - 70%, cục bộ nhiều ruộng sắn có 100% cây bị bệnh.

Trung Quốc tăng tốc thu mua, giá một loại tinh bột của Việt Nam tăng, doanh nghiệp hối hả trả đơn hàng - Ảnh 1.

Do nhu cầu tăng cao từ thị trường Trung Quốc, giá tinh bột sắn xuất khẩu tăng. Trong ảnh: Chế biến tinh bột sắn tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: Báo Sơn La.

Trong 8 tháng năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 90,52% về lượng và chiếm 89,4% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước.

 Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang Trung Quốc đạt 1,69 triệu tấn, trị giá 687,24 triệu USD, giảm 13,4% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc giảm trở lại sau 5 tháng tăng liên tiếp. 

Tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ở mức 462 USD/ tấn, giảm 5,7% so với tháng 7/2023 và giảm 1,5% so với tháng 8/2022. 

Tính chung 8 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ở mức 406,5 USD/tấn.

Các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2023 chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát khô. Trong đó, lượng sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 88,3% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước; trong khi lượng tinh bột sắn xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 91,3% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước. 

Trong 8 tháng năm 2023, xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc tiếp tục giảm; trong khi xuất khẩu sắn lát vẫn trong xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, ngoài thị trường Trung Quốc, thị trường Đài Loan cũng mua một khối lượng sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Tài chính Đài Loan, trong 8 tháng năm 2023, thị trường Đài Loan nhập khẩu 220.390 tấn tinh bột sắn (HS 110814), trị giá 114,47 triệu USD, giảm 34,7% về lượng và giảm 36,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Lào là các thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho thị trường Đài Loan. 

Trong 8 tháng năm 2023, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho thị trường Đài Loan, đạt 30.610 tấn, trị giá gần 15,6 triệu USD, giảm 18,3% về lượng và giảm 21,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. 

Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 13,89% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của thị trường Đài Loan, cao hơn so với mức 11,11% của 8 tháng năm 2022. Trong khi thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 74,86%, thấp so với mức 86,06% của 8 tháng đầu năm 2022. 

Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, tại thị trường Đài Loan tinh bột sắn của Việt Nam phải cạnh tranh với nguồn cung cấp từ Thái Lan, Lào và Indonesia. Trong khi nhu cầu sắn và tinh bột sắn của thị trường này vẫn ở mức thấp và không có biến động trong mấy năm gần đây, do đó xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam sang thị trường này khó tăng mạnh trong các tháng tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem