Tết chỉ vậy thôi

Gia Tưởng Thứ sáu, ngày 09/02/2024 19:00 PM (GMT+7)
Cũng ngót 30 năm tôi phiêu bạt xa làng để kiếm ăn rồi, lúc nào vui nhất tôi nghĩ về quê ít, những lúc khó khăn nhất tôi nghĩ về quê nhiều. Cả đến trong những giấc mơ tôi thấy mình là thằng bé dắt con trâu già mải miết nơi những bờ vùng, bờ thửa của cánh đồng hợp tác quê mình…
Bình luận 0

Radio online: Tết chỉ vậy thôi

Tết chỉ vậy thôi- Ảnh 1.

Tết không có cái gì mới, cũng chẳng có cái gì xưa cũ. Nhưng sao rộn ràng và thèm thế, thèm đến khắc khoải mặc dù biết chắc là tết này mình sẽ vẫn ở quê, sau đó lại nặng trĩu cất bước đi hòa vào vòng đời mưu sinh trong vô vàn trắc trở...

Ai hình như cũng có một vùng quê khi sinh ra, chắc chắn trong máu ai cũng có một hồn cốt quê lúc thì lặng lẽ, lúc thì gào gọi chảy. Vì thế có người đi nửa vào trái đất để về quê, có người làm lụng đầu tắt mặt tối ở phố quanh năm để có mấy ngày xênh sang về quê trong những ngày năm hết tết đến, quê là gì sao ta cứ phải nặng lòng đến thế?

Nhà tôi đang ở cách quê có độ 30km, cứ muốn là có thể lên xe chạy về được. Nhưng đến rằm tháng chạp là đầu óc tôi chả thiết làm gì nữa, chỉ ngóng cho gia đình nhỏ của mình xong việc để đùm rúm nhau về quê sớm nhất. Đôi khi đi qua chợ, thấy bà bán mã, cô bán thịt lợn bày cỗ lòng, anh bán gà trống mào đỏ là ao ước giờ mình được ở quê thì thích biết mấy, mặc dù về quê chả có việc gì nhiều nữa.

Nhưng cứ chạm về cái ngõ ở nhà là lại thấy, mình là một thằng bé năm xưa, chiều 29 là đánh đu lên đống rơm để rút rơm cho trâu ăn, vì cả ngày 30 đến sáng mồng 3 là trâu chỉ để trong chuồng không đi chăn nữa. Rồi đến sáng 30 là khoác vai thằng bạn đi chợ, có năm thì theo mẹ từ mờ đất để ngồi trông những thứ mẹ phải mua về ăn tết. Vì mua nhiều nặng phải đi nhiều chuyến nên để tôi trông ở góc chợ cho khỏi mất đồ. Tối 30 thì ngủ gà ngủ vịt, nhưng đến giao thừa là cả nhà gọi nhau dậy, nghe người lớn chúc nhau, đọc thơ, có năm chú kế bố còn hứng chí ôm đàn hát. Đêm đó trẻ con được thưởng mấy cái kẹo lạc, ăn kẹo đến dính cả răng, vì nhà làm được nhiều nha từ mầm thóc. Xong độ 2h sáng thì chui vào ổ rơm ngủ tiếp, ngày xưa rét lắm, mà không có đệm như bây giờ, nhà ai cũng kết những bó rơm nếp vào với nhau, gọi là đánh ranh để ở dưới chiếu rồi ngủ cho ấm.

Sáng mùng 1 thì mẹ gọi dậy sớm bao giờ cũng được rửa mặt bằng nước mùi nóng, rồi xuống nhà thờ thắp hương lễ các cụ. Ăn cơm sáng xong, mẹ mở chiếc hòm gỗ thông, đưa cho mỗi anh em 1 bộ quần áo mới để diện, rồi mừng tuổi cho ít đồng. Chúng tôi tự chạy đi ra đình chơi, hay xuống làng bên cạnh xem đu quay. Tết chơi không có giờ, đến lúc nào đói thì về tìm cơm hay bánh chưng ăn, xong đi ngủ. Mùng 2 theo mẹ ra quê ngoai, ở quê ngoại thì chỉ đi chào hỏi và ăn cơm với ông bà xong, là mẹ lại giục về. Đến sáng mùng 3 thì thấy mẹ vác cái cuốc ra đồng đi động thổ, mấy người đàn ông trong nhà thì hóa mã rồi ăn cơm với nhau. Con trâu mấy ngày ăn rơm khô nhốt trong chuồng cũng cuồng lắm. Chiều mùng 3 là tôi dắt nó ra đồng cho ăn cỏ, uống nước mương. Để nó lấy sức đi bừa cho cả xóm có ruộng cấy, thế là hết tết.

*Trong bài có sử dụng một đoạn trong bài hát “Neo đậu bến quê” của nhạc sĩ An Thuyên do ca sĩ Quang Lê thể hiện.

Thính giả có thể nghe thêm các sản phẩm Radio online hấp dẫn khác tại đây.

Mọi thông tin góp ý, cộng tác bài vở xin gửi về địa chỉ e-mail: radionongdan@gmail.com

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem