Sơn La: Hộ nghèo bản Tưn nuôi gà an toàn sinh học, bớt lo cảnh thiếu đói mùa giáp hạt

Khương Lực Thứ sáu, ngày 20/11/2020 10:00 AM (GMT+7)
40 hộ nghèo, cận nghèo ở bản Tưn, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ đã tham gia nuôi gà an toàn sinh học gắn với chương trình “Không còn nạn đói” tỉnh Sơn La năm 2020. Sau khi nhận giống, các hộ đã úm, chăm sóc, tiêm phòng, phun thuốc sát trùng chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ nên đàn gà sinh trưởng phát triển tốt.
Bình luận 0

Ngày 16/10/2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đã tổ chức bàn giao 3.000 con gà giống 1 ngày tuổi và vật tư cám, thuốc cho 40 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia dự án nuôi gà an toàn sinh học. Đến nay, đàn gà phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đàn gà đạt 97,1% với tổng đàn là 2.915 con.

Cải thiện sinh kế, tăng thu nhập

Xuân Nha là xã 135 của huyện Vân Hồ (Sơn La), có 8 bản với tổng số 1.038 hộ và 4.388 nhân khẩu. Nguồn thu nhập chính của các hộ dân trong xã chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên tương đối thấp, hầu như không đáp ứng đủ chi phí trong cuộc sống của người dân.

Hộ nghèo bản Tưn nuôi gà an toàn sinh học - Ảnh 1.

40 hộ nghèo và hộ cận nghèo ở bản Tưn, xã Xuân Nha (Vân Hồ, Sơn La) được hỗ trợ

Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người là 7,1 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân /hộ là 16,7 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của xã tương đối cao với 64,7%, trong đó những bản có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là Bản Chiềng Nưa (83,5%), Pù Lầu (72,5%), Chiềng Hin (70,8%).

Trong 40 hộ ở bản Tưn được khảo sát để tham gia dự án, trung bình đất ruộng có diện tích là 0,3 ha/hộ. Hàng năm số lương thực do các hộ sản xuất ra khoảng 18,8 tấn thóc, 49,19 tấn ngô và 111,9 tấn sắn. 100% sản lượng lúa được sử dụng để phục vụ cuộc sống của các hộ gia đình, không có sản phẩm bán ra thị trường. Tỷ lệ ngô và sắn bán ra thị trường lần lượt là 27,5 và 40,4%, phần còn lại để sử dụng cho các hoạt động chăn nuôi của các hộ gia đình.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, việc triển khai mô hình này sẽ sử dụng được nguồn lao động nông nghiệp nữ nhàn rỗi nhiều, thời gian nhàn rỗi sau mùa vụ dài để nâng cao thu nhập. Đồng thời, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có như ngô, sắn, lúa… làm thức ăn cho chăn nuôi, giảm chi phí mua thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, yêu cầu của mô hình đòi hỏi người dân phải tham gia đối ứng bằng cách trồng các loại rau, quả góp phần cung cấp thêm dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày, giải quyết được vấn đề suy dinh dưỡng, thiếu vi chất ở trẻ em của xã.

Dự án có tổng vốn 520 triệu, trong đó có 400 triệu đồng từ ngân sách Trung ương và 120 triệu đồng vốn đối ứng của người dân (bao gồm chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, một phần thức ăn, công lao động…). Các hộ tham gia dự án đã được lãnh đạo và người dân nhất trí lựa chọn tham gia mô hình vì đảm bảo đầy đủ các tiêu chí theo quy định.

Trước khi cấp phát con giống, vật tư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học. Tại buổi bàn giao con giống, vật tư các hộ tiếp tục được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình úm, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho gà.

Theo đó, 40 hộ dân đã được hỗ trợ 3.000 con giống gà thịt 1 ngày tuổi, thức ăn hỗn hợp, thuốc thú y, vắc xin phòng bệnh, hóa chất sát trùng. "Các hộ dân được cấp gà giống và cấp cám, thuốc cho luôn nên cũng hiệu quả" – ông Mùi Văn Học, Trưởng bản Tưn cho biết.

Bên cạnh đó,  các hộ nuôi gà sẽ sử dụng phân để chăm bón các loại rau xanh như rau muống, rau rền, rau đay, mồng tơi, cải bắp, đậu đũa, bí đỏ... để cải thiện bữa ăn hàng ngày và bổ sung một chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho các hộ tham gia.

Tăng năng suất đàn gà từ 10-15%

Việc triển khai mô hình nuôi gà an toàn sinh học mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho các hộ nghèo, cận nghèo ở huyện miền núi, nhất là đối với những địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển chăn nuôi.

Việc hỗ trợ giống, vật tư đảm bảo chất lượng, từ đó tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng. Các hộ được hỗ trợ mô hình đã vui mừng và rất phấn khởi, coi đây còn là nguồn động lực, giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.

Ông Vì Văn Giới, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Nha cho rằng, dự án nuôi gà an toàn sinh học hỗ trợ cho các hộ nghẹo, hộ cận nghèo ở bản Tưn phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, được bà con rất ủng hộ. "Hiện nay, đàn gà đang phát triển tốt, tỷ lệ gà chết không nhiều" – ông Giới nói.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, khi nắm được kỹ thuật và được áp dụng vào sản xuất thì năng suất các loại cây trồng vật nuôi sẽ tăng thêm được trên 10-15%. Các hộ tham gia mô hình sau 3-4 tháng có thịt gia cầm làm thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày hoặc có thể bán bớt một số gia cầm đi để mua thức ăn khác bổ sung, thay thế.

Đánh giá về sinh trưởng của đàn gà, bà Hoàng Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La cho biết, tính đến ngày 17/11, tỷ lệ nuôi sống đàn gà đạt 97,1% với tổng đàn là 2.915 con. 

"Sau khi nhận giống các hộ đã úm, chăm sóc, tiêm phòng, phun thuốc sát trùng chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ chỉ đạo, nên đàn gà sinh trưởng phát triển tốt trọng lượng bình quân đạt 250-400 gram con, không xuất hiện dịch bệnh và đạt yêu cầu của mô hình đặt ra" – bà Hiền chia sẻ.

Trên địa bàn xã Xuân Nha có 5 dân tộc: Mường, Thái, Dao, Mông, Kinh trong đó dân tộc Thái và Mường là chủ yếu với lần lượt 56,14% và 42,8% tổng số hộ; chỉ có 1,06% số hộ thuộc 3 dân tộc còn lại. Cả xã có 489 trẻ dưới 5 tuổi, trong đó 195 trẻ dưới 2 tuổi. Tỷ lệ suy dinh trưỡng trung bình của trẻ dưới 5 tuổi là 13,7% thể thấp còi và 9,5% thể nhẹ cân.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem