Hội Nông dân Bắc Giang đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế tập thể, nâng cao thu nhập

Thu Hà Chủ nhật, ngày 25/06/2023 07:19 AM (GMT+7)
Với sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực của các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, hội viên nông dân nơi đây đã tích cực thành lập, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể.
Bình luận 0

Nhờ hoạt động hiệu quả của các mô hình tổ hợp tác, HTX, giá trị sản xuất nông nghiệp được nâng lên, nông dân cũng được nâng cao thu nhập.

Nhiều mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu

HTX Mỳ Chũ Nam Thể ở xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn là một trong những mô hình kinh tế tập thể hiệu quả do các cấp Hội ND Bắc Giang tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập.

Ông Nguyễn Văn Nam – Giám đốc HTX Mỳ Chũ Nam Thể phấn khởi cho biết: Hàng năm HTX xuất bán từ 700-900 tấn mỳ Chũ ra thị trường. Riêng trong năm 2022, HTX Mỳ Chũ Nam Thể xuất bán ra thị trường trên 900 tấn mỳ Chũ các loại, doanh thu đạt 27 tỷ đồng/năm. Để xây dựng thương hiệu sản phẩm, HTX tích cực tham gia chương trình OCOP và có 2 sản phẩm đang đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

gop/ Phát triển kinh tế tập thể giúp hội viên nâng thu nhập - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của hội viên, nông dân tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Thu Hà

Để hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế tập thể, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang còn chủ động phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản lý HTX. Đồng thời, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng như Quỹ Hỗ trợ nông dân hơn 62 tỷ đồng, Ngân hàng CSXH hơn 1.600 tỷ đồng, Ngân hàng NNPTNT trên 2.900 tỷ đồng.

Ông Nam cho biết thêm: Từ nhiều năm nay, HTX Mỳ Chũ Nam Thể đã ký kết hợp đồng thương mại với các doanh nghiệp lớn để đưa sản phẩm mỳ Chũ vào hệ thống các siêu thị, các chuỗi bán lẻ, cửa hàng tiện dụng trong nước. Đáng chú ý, HTX còn liên kết với các công ty, đại lý có uy tín để xuất khẩu mỳ Chũ ra nhiều nước như: Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, các nước EU…

Cũng là 1 trong những HTX hiệu quả của các cấp Hội ND, HTX na dai Nghĩa Phương vốn được phát triển từ Tổ hợp tác na dai Nghĩa Phương (xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam). 

Anh Hoàng Văn Hướng - Giám đốc HTX na dai Nghĩa Phương cho biết: Tổ hợp tác na dai Nghĩa Phương được Hội Nông dân thành lập năm 2017. Năm 2019, sau 2 năm hoạt động hiệu quả, từ nền tảng tổ hợp tác ban đầu, HTX na dai Nghĩa Phương được thành lập với gần 60 thành viên, tham gia sản xuất 35ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 500 tấn. Na của HTX sản xuất theo quy trình VietGAP nhiều năm nay nên chất lượng đảm bảo, được thị trường tin dùng.

Theo anh Hướng, thời gian qua, HTX tích cực kết nối các xã viên tổ chức, tham gia nhiều buổi tập huấn kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP do Hội Nông dân và ngành nông nghiệp phối hợp tổ chức. Từ các lớp tập huấn, các thành viên HTX đã tích cực tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh, ngắt lá, tỉa cành; thụ phấn trồng na trái vụ, nâng thu hoạch na lên 2 vụ/năm. Những quả na trái vụ đã và đang giúp người trồng na Nghĩa Phương tăng thêm thu nhập.

Trên địa bàn huyện Lục Nam hiện có 27 HTX với 265 thành viên do Hội ND huyện trực tiếp hướng dẫn thành lập. Các HTX đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển một số sản phẩm chủ lực ở địa phương như: Na dai, dứa, nhãn và một số loại cây rau màu gồm: Hành lá, dưa leo, khoai sọ…

Bà Ngô Thị Ngọc Linh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Nam cho biết: "Hội ND huyện xác định công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, tổ hợp tác, HTX là nhiệm vụ quan trọng gắn với củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội. Chúng tôi đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực vận động hội viên nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể.

Hằng năm, thông qua các kỳ sinh hoạt chi, tổ hội, các lớp tập huấn, hội viên được tiếp cận các phương thức phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Từ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, căn cứ vào tình hình thực tế ở cơ sở, theo nhu cầu và đặc thù về lợi thế sản xuất từng địa phương, Hội ND huyện hướng dẫn các hộ tham gia các tổ hợp tác, HTX theo loại hình nghề nghiệp, ngành nghề phù hợp".

Hội Nông dân hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu

Ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang xác định tổ hợp tác chính là "nguồn", là "gốc" vững chắc, là tiền đề để phát triển lên HTX kiểu mới. Muốn xây dựng được các HTX có thương hiệu đủ mạnh thì một điều kiện thuận lợi là các HTX đó được phát triển lên từ các tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Chính vì vậy, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Xây dựng tổ hợp tác tạo tiền đề để phát triển thành HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025".

Thực hiện đề án, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội ưu tiên thành lập các tổ hợp tác đầu tư vào phát triển sản xuất hàng hóa là các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế, giá trị kinh tế cao; sản phẩm có thể tham gia Chương trình OCOP. Khi đã thành lập được các tổ hợp tác, từ những tổ hợp tác hoạt động tốt, lựa chọn để hướng dẫn phát triển lên thành các HTX nông nghiệp.

Sau hơn một năm triển khai, thực hiện đề án các mô hình tổ hợp tác, HTX do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập trên địa bàn tỉnh có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Số lượng tổ hợp tác, HTX tăng theo từng năm. 

Tính riêng năm 2022, Hội Nông dân các cấp toàn tỉnh đã vận động, hướng dẫn thành lập được 51 tổ hợp tác, 33 HTX mới. Lũy kế đến nay, Hội đã hướng dẫn thành lập được 289 tổ hợp tác và 92 HTX. Theo lãnh đạo Hội ND tỉnh Bắc Giang, nhằm giúp các HTX xây dựng thương hiệu, Hội ND đã gắn hoạt động các HTX với việc xây dựng mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP.

Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt Đề án "Hội ND các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 - 2025".

Đề án đặt ra mục tiêu mỗi năm các cấp Hội Nông dân trong tỉnh trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mới được từ 10 sản phẩm OCOP trở lên và hỗ trợ củng cố, nâng cao hiệu quả 20 sản phẩm đã được công nhận.

Để đạt mục tiêu trên Hội ND các cấp hội đã phối hợp hỗ trợ, tư vấn cho các HTX tham gia Chương trình OCOP tất cả các khâu trong chu trình phát triển sản phẩm OCOP như xây dựng ý tưởng sản phẩm; xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện kế hoạch; hoàn thiện hồ sơ gửi tham dự đánh giá, phân hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại… 

Kết quả, năm 2022 toàn tỉnh có 22 sản phẩm do các cấp Hội ND hướng dẫn được công nhận sản phẩm OCOP. 20 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP tiếp tực được duy trì củng cố, nâng cao chất lượng. 

Năm 2023, dự kiến Hội Nông dân tỉnh tiếp tục hướng dẫn xây dựng 20 sản phẩm OCOP, duy trì nâng cao chất lượng 20 sản phẩm đã đạt OCOP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem