Từ vụ lao đao vì mua trái phiếu: Gửi Bộ Công an danh sách doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu

Đình Việt Thứ ba, ngày 23/04/2024 15:55 PM (GMT+7)
Bộ Tài chính cho biết, năm 2023 đơn vị này đã tiếp nhận 32 đơn tố cáo, kiến nghị phản ánh của 12 vụ việc liên quan đến trái phiếu. Bộ Tài chính cũng đã gửi Bộ Công an danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu để xem xét hạn chế xuất cảnh đối với doanh nghiệp chậm thanh toán.
Bình luận 0

Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng với "trái chủ"

Bộ Tài chính vừa có Báo cáo số 3209 gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2023 và 2024.

Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2023, Bộ đã tiếp nhận 32 đơn tố cáo, kiến nghị phản ánh của 12 vụ việc liên quan đến trái phiếu. 

Từ vụ lao đao vì mua trái phiếu: Gửi Bộ Công an danh sách doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu- Ảnh 1.

"Trái chủ" của Công ty Cam Lâm cung cấp tài liệu cho PV Dân Việt. Ảnh: Đình Việt.

Ngoài ra, còn một số đơn thư, phản ánh liên quan đến việc công dân đến các ngân hàng gửi tiết kiệm như Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank), Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), ... bị cán bộ ngân hàng tư vấn mập mờ chuyển thành mua trái phiếu doanh nghiệp, đến nay vẫn chưa được thanh toán gốc và lãi khi đã quá hạn thanh toán.

Để phối hợp trong quản lý giám sát và chia sẻ thông tin quản lý, từ năm 2023, Bộ Tài Chính đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị tăng cường quản lý giám sát các ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ có liên quan về trái phiếu doanh nghiệp, chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc các ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu doanh nghiệp, nghiêm cấm lừa đảo người gửi tiền là trái phiếu doanh nghiệp như sản phẩm tiết kiệm tại ngân hàng.

Trong công văn gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính đề nghị tăng cường quản lý các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị tăng cường quản lý, giám sát việc tăng vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp. Đặc biệt, xem xét không cấp phép đầu tư ra nước ngoài đối với các doanh nghiệp chậm thanh toán nợ trái phiếu.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính gửi Bộ Công an danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu để xem xét hạn chế xuất cảnh đối với doanh nghiệp chậm thanh toán.

Trong báo cáo gửi lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính khẳng định, đang tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ với doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn lớn và nhóm doanh nghiệp khó khăn trong thanh toán nợ trái phiếu đến hạn.

Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp ưu tiên mọi nguồn lực, có trách nhiệm đến cùng về việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu theo hợp đồng đã kí kết và đảm bảo an ninh trật tự.

"Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên thị trường chứng khoán, trái phiếu, trường hợp cần thiết chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật. Tiếp tục phối hợp cung cấp thông tin cho Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để xử lý các doanh nghiệp chậm thanh toán gốc lãi, trái phiếu" – báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.

Ở một diễn biến liên quan, trong báo cáo, Bộ Tài chính gửi lãnh đạo Chính phủ tình hình tài chính của 102 doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn năm 2024. 

Trong đó có Công ty TNHH đầu tư Cam Lâm và Công ty Cổ phần đầu tư nông nghiệp sạch Phú Son.

Đây là các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được Dân Việt phản ánh trong loạt bài "Lao đao vì mua trái phiếu qua giới thiệu của ngân hàng".

Cũng liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, theo thông tin Dân Việt có được, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu văn bản số 1747 ngày 1/11/2023 của Bộ Công an.

Theo đó, Bộ Công an kiến nghị nhiều giải pháp để ổn định, minh bạch thị trường trái phiếu. Trong đó, đáng chú ý, Bộ Công an đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục làm việc với một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đến cùng với trái chủ.

Doanh nghiệp nào cố tình né trách nhiệm hoặc không đưa ra phương án thanh toán với những trái phiếu đến hạn, cần lập danh sách, phối hợp với Bộ Công an để cấm xuất cảnh với chủ doanh nghiệp hoặc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư không cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài...

Lao đao vì mua trái phiếu Phú Son, Cam Lâm qua giới thiệu của ngân hàng

Trước đó, Báo điện tử Dân Việt đã đăng tải loạt bài viết phản ánh việc, qua giới thiệu của nhân viên Ngân hàng N., nhiều người đã mua trái phiếu do Công ty Cổ phần đầu tư nông nghiệp sạch Phú Son (Công ty Phú Son), Công ty TNHH đầu tư Cam Lâm (Công ty Cam Lâm). Thế nhưng, đã quá hạn nhận lãi, "trái chủ" không nhận được quyền lợi như cam kết.

Cụ thể, nhiều người cho biết, khi đến Ngân hàng N. gửi tiết kiệm thì được nhân viên ở đây tư vấn nên mua gói trái phiếu do Công ty Phú Son, Công ty Cam Lâm phát hành với lãi suất hấp dẫn, cao hơn gửi tiết kiệm.

Toàn bộ giao dịch ký hợp đồng mua trái phiếu, khách hàng chỉ làm việc trực tiếp với nhân viên của ngân hàng chứ chưa lần nào gặp người đại diện của đơn vị phát hành trái phiếu là Công ty Phú Son, Công ty Cam Lâm hay đại lý đăng kí và lưu kí trái phiếu là Công ty chứng khoán Everest.

Tuy nhiên, đến nay đã quá các kỳ nhận lãi, "trái chủ" chưa nhận được bất kì quyền lợi nào từ việc mua trái phiếu của Công ty Phú Son, Công ty Cam Lâm như nhân viên ngân hàng đã tư vấn trước đó.

Mang thắc mắc của mình đến hỏi ngân hàng, các "trái chủ" tá hỏa khi được nhân viên ngân hàng cho biết, ngân hàng chỉ là trung gian giới thiệu bán trái phiếu, bên chịu trách nhiệm trả tiền lãi là Công ty Phú Son, Công ty Cam Lâm. Câu trả lời này trái với nội dung ngân hàng đã tư vấn cho khách hàng trước đó.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới bạn đọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem