Trái chủ bị bội tín vì mua trái phiếu Công ty Cam Lâm qua giới thiệu của ngân hàng

Đình Việt Thứ sáu, ngày 12/04/2024 06:36 AM (GMT+7)
Tin tưởng tư vấn của nhân viên Ngân hàng N., nhiều người dùng tiền gửi tiết kiệm mua trái phiếu của Công ty Cam Lâm và giờ phải đi khắp nơi để đòi quyền lợi.
Bình luận 0

Khốn khổ vì tin lời tư vấn của ngân hàng

Sau khi Báo điện tử Dân Việt đăng tải loạt bài phản ánh về việc mua trái phiếu Công ty Phú Son qua giới thiệu của Ngân hàng N., "trái chủ" điêu đứng, nhiều bạn đọc đã trực tiếp liên hệ với PV Dân Việt và cho biết, họ cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự khi mua trái phiếu của Công ty TNHH đầu tư Cam Lâm (Công ty Cam Lâm) qua giới thiệu của ngân hàng trên.

Trái chủ bị bội tín vì mua trái phiếu Công ty Cam Lâm qua giới thiệu của ngân hàng- Ảnh 1.

"Trái chủ" của Công ty Cam Lâm cung cấp tài liệu cho PV Dân Việt. Ảnh: Đình Việt.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Phương, trú tại tổ 22, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết, mình là khách hàng gửi tiết kiệm lâu năm tại Ngân hàng N., chi nhánh Thái Nguyên. Ngày 6/1/2022, bà Phương đến ngân hàng để giao dịch thì được nhân viên tại đây tư vấn và mời chào mua gói trái phiếu của Công ty Cam Lâm, địa chỉ tại Lô D14C, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa phát hành.

Theo như lời nhân viên ngân hàng nói, gói trái phiếu này là của ngân hàng giới thiệu, đảm bảo với lãi suất cao hơn gửi tiền tiết kiệm (lãi suất trái phiếu 11,5%/năm) và Ngân hàng N. sẽ chi trả tất toán đúng thời hạn là 18 tháng, tức đến ngày 6/7/2023.

Theo lời bà Phương, nhân viên ngân hàng còn tư vấn phải chuyển số tiền tiết kiệm sang tên người khác mới được hưởng lãi suất 11,5%/năm. Vì vậy, bà đã chuyển toàn bộ 1,3 tỷ đồng tiền tiết kiệm đang mang tên mình tại Ngân hàng N. sang tên của con trai. Sau đó, mua 130 trái phiếu của Công ty Cam Lâm, trị giá 1 trái phiếu là 10 triệu đồng.

Cũng giống như gói của Công ty Phú Son, toàn bộ giao dịch ký hợp đồng mua trái phiếu, bà Phương chỉ làm việc trực tiếp với nhân viên của ngân hàng chứ chưa lần nào gặp người đại diện của đơn vị phát hành trái phiếu là Công ty Cam Lâm.

Sau khi ký các thủ tục theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, khoảng một tuần sau, bà Phương nhận được 1 hợp đồng đặt mua trái phiếu của Công ty Cam Lâm, 1 giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu, mã trái phiếu CLACH2124003 của Công ty Cam Lâm.

"Trái chủ" này bức xúc, ngày 6/7/2023 là đến hẹn tất toán tiền gốc, lãi theo hợp đồng và theo hứa hẹn của nhân viên ngân hàng, bà và con trai đã đến ngân hàng để làm thủ tục tất toán toàn bộ tiền gốc và lãi sau 18 tháng đầu tư trái phiếu.

Thế nhưng, đến nơi bà tá hỏa khi ngân hàng trả lời rằng họ chỉ là đơn vị tư vấn, không có trách nhiệm trả tiền cho nhà đầu tư, đơn vị trả tiền là Công ty Cam Lâm. Quá bức xúc, bà Phương nhiều lần đến Ngân hàng N. làm việc nhưng đến nay, dù đã quá hạn trả lãi, gốc gần một năm nhưng bà vẫn không nhận được quyền lợi.

"Vì tin tưởng ngân hàng nên tôi mới mua trái phiếu của Công ty Cam Lâm chứ tôi không hề biết công ty này là ai, chưa gặp gỡ, chưa tiếp xúc với họ lần nào. Tất cả quá trình kí kết, nhận hợp đồng, chuyển tiền đều qua Ngân hàng N. Giờ họ nói vậy như kiểu phủi trách nhiệm, đẩy rủi ro về phía khách hàng" – bà Phương bức xúc và cho biết đã gửi đơn tố cáo Ngân hàng N., Công ty Cam Lâm, Công ty chứng khoán Everest đến cơ quan chức năng.

Cũng giống như bà Phương, bà Nguyễn Thị Hảo, trú tổ 3, phường Phan Tân Lập, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cũng rơi vào cảnh tương tự. Chỉ vì tin lời tư vấn, chào mời của nhân viên Ngân hàng N. mà sau thời gian dài gửi tiết kiệm, bà Hảo đã mua 200 trái phiếu của Công ty Cam Lâm trị giá 2 tỷ đồng và bị "bội tín", không biết khi nào mới nhận lại được tiền.

Trái chủ bị bội tín vì mua trái phiếu Công ty Cam Lâm qua giới thiệu của ngân hàng- Ảnh 3.

Bà Phương (phải) và bà Hảo cho biết, cuộc sống bị đảo lộn sau khi mua trái phiếu Công ty Cam Lâm qua giới thiệu của Ngân hàng N. Ảnh: Đình Việt.

"Chúng tôi đều là những người già, không có kiến thức về trái phiếu hay đầu tư, làm cả đời tích góp được ít tiền và gửi tiết kiệm tại Ngân hàng N. Thế nhưng, vì tin lời tư vấn "có cánh", tin vào sự uy tín của ngân hàng mà đồng ý mua trái phiếu. Cả quá trình làm việc, chuyển tiền, kí kết hợp đồng tôi chỉ làm việc với ngân hàng, nên thiết nghĩ họ phải có trách nhiệm giải quyết cho chúng tôi" – bà Hảo nhấn mạnh.

Nhiều nét tương đồng giữa Công ty Phú Son và Công ty Cam Lâm

Theo tài liệu PV Dân Việt có được, gói trái phiếu CLACH2124003 do Công ty Cam Lâm phát hành có trị giá 240 tỷ đồng, mỗi trái phiếu trị giá 10 triệu đồng. Ngân hàng N. là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo, Công ty chứng khoán Everest là đại lý đăng kí và lưu kí trái phiếu. Thời hạn phát hành trái phiếu là 36 tháng, lãi suất 11,5%.

Gói trái phiếu CLACH2124003 nhằm mục đích để Công ty Cam Lâm đầu tư vào Dự án khu du lịch sinh thái Prime Cam Ranh Hotel & Resort tại tỉnh Khánh Hòa. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo đảm.

Tài sản đảm bảo cho gói trái phiếu là 6 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tỉnh Khánh Hòa. Số tài sản trên mang tên 4 cá nhân khác nhau và được Công ty Cổ phần tư vấn – dịch vụ về tài sản – bất động sản DATC xác định trị giá hơn 359 tỷ đồng.

Giống như gói trái phiếu Phú Son, trong các văn bản gửi nhà đầu tư, Công ty Cam Lâm cho biết, việc chậm trả lãi là do ảnh hưởng của Covid-19, chiến sự Nga – Ukraine…nên các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, trong đó có Công ty Cam Lâm gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp dòng tiền để thực hiện cam kết với nhà đầu tư.

Công ty Cam Lâm từ đưa ra các phương án giải quyết và ấn định thời gian trả lãi, gốc cho nhà đầu tư trái phiếu, nhưng đều không thực hiện. Lý do là vì không có dòng tiền hoặc nhà đầu tư không đồng ý với phương án công ty đưa ra.

Ví dụ, trong Công văn số 40 ngày 27/12/2023, Công ty Cam Lâm đề xuất phương án giải quyết. Trong đó, đề nghị "trái chủ" quy đổi bằng sản phẩm căn hộ du lịch tại Dự án DaNang Silk Tower 1 (Đà Nẵng). Đây là dự án mà công ty này đã có thỏa thuận với chủ đầu tư về việc hoán đổi sản phẩm cho khách hàng mua trái phiếu.

Đáng chú ý, tài liệu của PV Dân Việt thể hiện, Công văn số 40 ngày 27/12/2023 của Công ty Cam Lâm gửi cho "trái chủ" có nội dung giống hệt nội dung Công văn số 41 ngày 28/12/2023 mà Công ty Phú Son gửi cho khách hàng của mình.

Liên quan đến vụ việc này, giống như gói trái phiếu của Công ty Phú Son, nói với PV Dân Việt, đại diện truyền thông của Ngân hàng N. cho biết, họ chỉ là đơn vị tư vấn, quản lý tài sản đảm bảo. Bên chịu trách nhiệm trả tiền cho nhà đầu tư là Công ty Cam Lâm.

Công ty Cam Lâm đang làm ăn ra sao?

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Công ty Cam Lâm được thành lập vào ngày 31/7/2014, với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, có địa chỉ trụ sở tại Lô D14C, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Hiện vốn điều lệ của công ty là 150 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Trần Trọng Dũng. Ngoài ra, ông Dũng còn là đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Bất động sản Cam Lâm và Công ty Cổ phần BOT Saigon Highland.

Hiện doanh nghiệp này đang lưu hành 3 lô trái phiếu CLACH2124001, CLACH2125002 và CLACH2124003, với tổng giá trị hơn 1.140 tỷ đồng.

Trong đó, đối với 2 lô trái phiếu CLACH2124001, CLACH2125002, chính Công ty chứng khoán Everest là đơn vị đang nắm nhiều trái phiếu nhất. Cụ thể, Công ty chứng khoán Everest nắm 93,51% lô trái phiếu CLACH2124001 (hơn 599 tỷ đồng) và 94,88% lô trái phiếu CLACH2125002 (hơn 247 tỷ đồng) của Công ty Cam Lâm. Hai lô trái phiếu này đều được phát hành trong năm 2021, kỳ đáo hạn lần lượt là tháng 4/2023 và tháng 8/2023.

Mục đích phát hành hai lô trái phiếu nêu trên là đầu tư xây dựng Dự án Khu du lịch Prime Cam Ranh Bay Hotels & Resorts giai đoạn 2. Trong đó, lô trái phiếu CLACH2124001 hiện không có tài sản đảm bảo, còn lô trái phiếu CLACH2125002 tài sản đảm bảo là 26.470.121 cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Tài sản Koji (được đổi tên từ Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Hoàng Minh kể từ ngày 31/10/2022).

Trước tình hình Công ty Cam Lâm khó khăn về thanh khoản, chậm hoàn thiện xây dựng và phát triển dự án, tháng 12/2023, doanh nghiệp này bất ngờ triệu tập Hội nghị trái chủ để điều chỉnh lãi suất và kỳ hạn trái phiếu.

Theo đó, lãi suất trái phiếu được trái chủ đồng ý điều chỉnh từ 15%/năm xuống còn 12%/năm (đối với trái phiếu CLACH2124001) và 11%/năm (đối với trái phiếu CLACH2125002), kỳ điều chỉnh từ ngày 28/12/2023 đến hết kỳ hạn trái phiếu.

Đáng chú ý, vào tháng 8/2023, TAND huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đã quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cam Lâm theo yêu cầu mở thủ tục phả sản của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thiên Minh Long, địa chỉ số 57/15, đường số 7, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức (TP.HCM).

Trong khi đó, mới đây nhất, ngày 6/3/2024, TAND huyện Cam Lâm đã thụ lý vụ án số 03/TLST-KDTM về việc tranh chấp hợp đồng thi công giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Quảng cáo và nội thất Đăng Quang, địa chỉ tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và bị đơn là Công ty Cam Lâm.

Công ty TNHH Quảng cáo và nội thất Đăng Quang khởi kiện yêu cầu tòa án buộc Công ty Cam Lâm trả số tiền hơn 103 triệu đồng còn nợ.

Về hoạt động xây dựng Dự án Khu du lịch Prime Cam Ranh Bay Hotels & Resorts, năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã kí Quyết định số 1671 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cam Lâm vì đã có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng đối với hạng mục khối khách sạn- căn hộ nghỉ dưỡng 25 tầng.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới bạn đọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem