Thịt lợn mãi luộc, kho... thì làm sao xuất khẩu được?

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 28/07/2023 06:32 AM (GMT+7)
"Chăn nuôi lợn của Việt Nam có tiềm năng rất lớn, đứng thứ 5 thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng, tuy nhiên xuất khẩu thì chưa được bao nhiêu. Căn cốt nhất là phải nâng cao sức cạnh tranh ngành chăn nuôi, tăng chế biến sâu để đẩy mạnh tiêu thụ.
Bình luận 0

"Chăn nuôi lợn của Việt Nam có tiềm năng rất lớn, đứng thứ 5 thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng, tuy nhiên xuất khẩu thì chưa được bao nhiêu. Căn cốt nhất là phải nâng cao sức cạnh tranh ngành chăn nuôi, tăng chế biến sâu để đẩy mạnh tiêu thụ. Thịt lợn nếu không chế biến sâu thành các sản phẩm đa dạng, cứ luộc, kho… mãi thì làm sao xuất khẩu được?".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nêu vấn đề này tại Hội nghị triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới, do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức ngày 27/7.

Chăn nuôi lợn tăng trưởng tốt

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, từ chỗ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, đến nay Việt Nam đã được biết đến là một quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng thịt so với thế giới (năm 2022).

Cụ thể, cuối năm 2022 tổng đàn lợn cả nước đạt gần 25 triệu con (không tính lợn con theo mẹ). Và theo Tổng cục Thống kê, tổng đàn lợn của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2023 tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2022. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 2,3 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, đàn lợn vùng Đông Nam Bộ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, tăng khoảng 14%, tiếp đến là ĐBSCL khoảng 10%, Tây Nguyên khoảng 9%. Đồng bằng sông Hồng gần như giữ nguyên số lượng đàn lợn so với năm 2021 khi chỉ tăng 0,5%.

Thịt lợn mãi luộc, kho... sao xuất khẩu được? - Ảnh 1.

Dây chuyền giết mổ, chế biến thịt lợn mát của Nhà máy MeatDeli Hà Nội tại Khu công nghiệp Đồng Văn IV, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ảnh: P.V

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sản phẩm thịt xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh với hơn 19.000 tấn, trị giá trên 18,4 triệu USD, tăng 103,0% về lượng và tăng 117% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Hongkong là thị trường xuất khẩu thịt lợn sữa đông lạnh lớn nhất của Việt Nam. Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh đang được xuất khẩu sang Papua New Guinea, Lào, Malaysia.

Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Chăn nuôi lợn hiện chiếm tới 60-64% tổng đàn vật nuôi cả nước; gia cầm chiếm 28-29% (trong đó, gà lông màu 11%, gà trắng 11%, ngan, vịt 7%) còn lại là trâu, bò, dê, cừu (chiếm 9%). 

Trong cơ cấu sản lượng thịt thế giới năm 2022, thịt lợn chiếm 41%, thịt gia cầm 37% và thịt trâu, bò 22%. Như vậy, cơ cấu thịt lợn của Việt Nam cao hơn trung bình chung của thế giới khoảng 20%.

Chăn nuôi lợn của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực, đã và đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.Đáng chú ý, các doanh nghiệp lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Xuân Thiện, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và các doanh nghiệp FDI (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Sunjin, Emivest...) đã đầu tư các trang trại nuôi lợn theo hướng công nghiệp, hiện đại, theo chuỗi giá trị khép kín. 

Riêng năm 2022, đã có 81 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với số vốn hơn 2,2 tỷ USD (chiếm hơn 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam).

Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ đã giảm từ 5-7%/năm, riêng năm 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại đạt chiếm 60-65%.

Đẩy mạnh chế biến sâu, hướng tới xuất khẩu

Với sự tham gia của doanh nghiệp, tỷ lệ đầu con được giết mổ có kiểm soát đã tăng dần. Theo ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y, số lượng lợn được giết mổ tập trung năm 2022 là hơn 11,5 triệu con; 5 tháng đầu năm 2023 là 8,7 triệu con. 

Tính đến tháng 5/2023, cả nước có 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung, trong đó 246 cơ sở giết mổ lợn, chiếm 53,1% và 24.654 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (gồm 17.616 cơ sở giết mổ lợn, chiếm 71,5%).

Năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 409 triệu USD. Còn 6 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 232 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Hongkong, Thái Lan, Bỉ, Pháp, Lào…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ phải giảm, đó là xu thế tất yếu. Nhưng về phía các doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy, cách làm, đừng nghĩ chỉ có đầu tư cho thị trường gần 100 triệu dân trong nước mà phải hướng tới xuất khẩu.

"Doanh nghiệp phải đi tiên phong, chứ nông dân không xuất khẩu được. Theo đó dứt khoát phải đẩy mạnh nâng cao chế biến sâu, đa dạng sản phẩm nhằm tiêu thụ ở nhiều thị trường khác nhau, chứ thịt lợn hiện nay chỉ có luộc với kho tàu thì làm sao mà xuất khẩu được" - ông Tiến nêu.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT, muốn xây dựng một ngành chăn nuôi tương đối tự chủ thì giải quyết thức ăn thế nào? Chẳng lẽ phụ thuộc vào thức ăn nhập khẩu mãi, đi nhập ngô và đậu tương mãi, trong khi chúng ta có đất để trồng ngô… 

"C.P Việt Nam đang làm rồi, Tập đoàn De Heus cũng đang được giao xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở Tây Nguyên nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều tiến triển. Nếu có khó khăn vướng mắc gì thì đề nghị đề xuất Bộ. Đề nghị các doanh nghiệp quan tâm đẩy nhanh tiến độ, chấm dứt tình trạng ăn đong, phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, đi kèm với đó là nâng cao hệ thống kho bãi, hệ thống logistics để tăng sức cạnh tranh, đồng thời xây dựng các vùng chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới" - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem