Nóng trong ngày: Người Nhật bán xăng sao người Việt "ầm" lên?

Nguyễn Phương Thứ tư, ngày 11/10/2017 19:01 PM (GMT+7)
Chỉ là người Nhật bán xăng trên thị trường Việt Nam mà liên tục mấy chục tiếng đồng hồ qua, dân tình khắp nơi cứ ầm ầm lên, bàn ra tán vào trên mạng...
Bình luận 0

img

Hình ảnh ông Hiroaki Honjo, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8 cúi đầu chào khách hàng

Đầu tiên là nhiều người chia sẻ hình ảnh ông Hiroaki Honjo, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8 có mặt tại trạm xăng dầu Thăng Long (Hà Nội, nơi có nhiều cơ sở của các công ty Nhật Bản). Ông đội mưa hàng tiếng đồng hồ, cúi chào khách vào đổ xăng. Nhiều người không ngớt lời tung hô, khen ngợi hành động này.

img

Hình ảnh đang lan truyền trên internet, làm thổn thức bao người Việt Nam

Có người còn so sánh hình ảnh này với phong cách bán hàng ở các trạm xăng dầu của ta. Một bạn đọc viết: "Bao năm rồi những thứ đó (cúi chào khách như ông Hiroaki Honjo-PV) khách hàng không hề biết tới. Nhân viên bán hàng của ta nói chuyện với khách hàng gần như là mệnh lệnh, cụt lủn, không chủ ngữ, nhiều khi còn gắt gỏng khi khách hàng không kịp nghe, cũng có khi mải tán chuyện với nhau mà không thèm nhìn mặt khách hàng khi phục vụ ấy chứ". 

img

Không chỉ Tổng Giám đốc mà cả nhân viên cũng cúi đầu chào khách

Rồi có bạn nêu ý kiến: "Khách hàng Việt Nam chắc hẳn cũng đã quá quen đến nỗi mặc định nghề bán hàng ở ta là chỉ "lạnh lùng" như thế. Nhưng nay có thêm người Nhật vào Việt Nam để bán xăng, chủ cây xăng người Nhật đứng dưới mưa để chào khách, nhân viên thì lau kính xe miễn phí. Ôi thật tuyệt!".

img

Thực ra những hành động như vậy (cúi chào khách), chẳng mang lại chút lợi ích vật chất nào cho khác hàng. Và rồi ông chủ người Nhật cũng không phải lúc nào cũng có thời gian đứng ra chào khách, nhân viên. Khi khách đông đúc họ cũng chẳng thể đứng ra lau kính xe mãi cho khách...

Tuy nhiên, bạn đọc đều bày tỏ, "điều đó lại mang đến cho khách một cảm giác rất khác lạ". 

"Khách hàng sẽ có được cảm giác là mình đang được giao thiệp giữa người với người hơn là người với cái máy - chỉ có mệnh lệnh và hành động; cảm thấy được quan tâm, được coi trọng. Không có gì lớn lao lắm, nhưng một khi khách hàng đã ấn tượng với những dịch vụ như thế, khi quay lại với các dịch vụ của không ít cây xăng Việt Nam họ sẽ thấy khó chịu, tất nhiên ưu tiên họ sẽ chọn nơi nào họ thấy thoải mái", một bạn đọc nêu ý kiến trên một diễn đàn mạng.

img

Nhiều cây xăng thuộc Petrolimex trưng băng rôn có nội dung: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Và cũng thật ngẫu nhiên, ngay trong thời điểm IQ8 "trình làng" thị trường Việt Nam, nhiều cây xăng thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại trưng băng rôn có nội dung: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Ngay lập tức, các bình luận trên mạng hướng đến thông tin: Đúng là thêm mỗi đối thủ thì thêm sự cạnh tranh. Vấn đề là để tồn tại được và tổ chức hoạt động kinh doanh tốt thì bản thân doanh nghiệp trong nước cũng phải tự đánh giá lại để có cách quản trị tốt nhất và sẵn sàng cạnh tranh. Hy vọng mấy doanh nghiệp Việt Nam lấy đó làm động lực để cải thiện mình chứ không như giới taxi, xe ôm phải dùng "các thủ đoạn khác" để vùi dập đối thủ...

Vụ băng rôn ầm ĩ đến nỗi hôm nay, trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, phải khẳng định: "Việc IQ8 mở cửa hàng xăng dầu tại thị trường Việt Nam, chúng tôi đã xác định từ lâu rồi. Đây là xu hướng bình thường, không đến nỗi như phản đối như Grab, Uber".

Cụ thể hơn, ông Năm cho biết việc treo băng rôn nhằm hưởng ứng chương trình của Bộ Công Thương phát động nhiều năm nay về việc khuyến khích người Việt dùng hàng Việt. Bộ cũng đã giao Tạp chí Công Thương tổ chức chương trình "Nhận diện hàng Việt Nam – Tự hào hàng Việt Nam 2017". Ngày 11.9, Tạp chí Công Thương đã có văn bản số 279 gửi lãnh đạo Petrolimex với nội dung "đề nghị được phối hợp với tập đoàn trong việc treo băng rôn cổ động cho chương trình tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Petrolimex từ ngày 25.9 đến 15.10". Hóa ra là vậy!.

Cũng trong dòng chảy bàn tán không ngớt khi người Nhật bán xăng ấy, ông Phan Thế Ruệ-Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cũng lên tiếng trên báo chí rằng, với sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài (FDI), thị trường xăng dầu của ta cần một sân chơi mới. Vì vậy, cần sớm bỏ giá cơ sở để tạo cạnh tranh sòng phẳng. Nhà nước chỉ nên ban hành khung giá định kỳ để doanh nghiệp vận dụng, như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh bằng giá.

“Thực tế, nếu các doanh nghiệp FDI nắm giữ và chi phối thị trường xăng dầu trong tương lai, sẽ xảy ra khả năng nhà nước mất quyền kiểm soát thị trường. Đồng thời, xăng dầu là một mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng đến nhiều người, vì vậy Nhà nước cần phải nắm giữ thị trường thông qua các cơ chế, hàng rào kỹ thuật. Không thể mở toang cánh cửa thị trường xăng dầu được”, ông Ruệ phân tích đầy lo lắng.

Và tất nhiên, bạn đọc lại được phen lên tiếng rằng: "Đã hội nhập thì phải cạnh tranh công bằng và sòng phẳng chứ? Nếu cứ giữ cái tư duy bảo thủ, độc quyền thì biết đến bao giờ mới phát triển được. Hãy tạo môi trường để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cạnh tranh tối đa, chứ đừng gây khó dễ để rồi người thiệt vẫn chỉ là dân thôi!".

img

Thực sự ngẫm đi ngẫm lại, việc người dân "ầm lên" khi doanh nghiệp Nhật Bản bán xăng cũng có cái lý của họ. Một cây xăng hay nói rộng hơn là một thị trường xăng dầu phục vụ tốt chỉ cần chất lượng xăng tốt, bơm đúng giá, chính xác số lít. Chưa cần phải rẻ ngay, nhưng cái mà người tiêu dùng cần là phải chuẩn, đàng hoàng, minh bạch (tức hàm ý là thị trường có sự cạnh tranh lành mạnh, không nên ngăn cản, lo sợ nước ngoài vào). Thái độ nhân viên thân thiệt, nhiệt tình... Thế là đủ. Và những điều này đối chiếu vào thị trường xăng dầu của ta hiện nay không biết đã đầy đủ chưa?!

Ngày 5.10, công ty Idemitsu Q8 (IQ8) của Nhật Bản chính thức khai trương cửa hàng xăng dầu 100% vốn FDI tại thị trường Việt Nam. Trạm xăng dầu này nằm bên trong Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội, nơi có nhiều cơ sở của các công ty Nhật Bản.

"Theo Hiệp định thương mại của WTO và các hiệp định FTA khác, Việt Nam không mở cửa phân phối năng lượng, cụ thể là mặt hàng xăng dầu. Liên doanh Nhật được tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu là do họ tham gia vào nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, họ được chế biến, phân phối và bán lẻ trong nội địa Việt Nam", TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nói.

Theo ông Long, việc tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp 100% vốn ngoại cần tạo cơ chế để giúp doanh nghiệp này cạnh tranh sòng phẳng. Họ có phép tính giúp đo chính xác xăng đến 0,001 lít; bán xăng tự động, bán hàng bằng thẻ… sẽ giúp minh bạch. Đây là điều được người dân quan tâm. Tuy nhiên, trong bối cảnh Petrolimex đang chiếm 47% thị phần, có hơn 2.700 cửa hàng toàn ở các khu vực đường giao lộ, quốc lộ, cửa ngõ thì cạnh tranh không phải đơn giản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem