Đây là những chiêu trò lừa đảo qua mạng phổ biến, người lao động cần cảnh giác

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 05/05/2024 14:00 PM (GMT+7)
Ngày càng nhiều hình thức lừa đảo lao động thông qua các ứng dụng mạng, đa dạng, tinh vi, người lao động cần cảnh giác tránh sập bẫy.
Bình luận 0

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo đánh cắp giữ liệu, nạp tiền qua mạng

Chị Nguyễn Thị Lan (26 tuổi) công nhân khu Công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) chưa hết bàng hoàng sau khi bị kẻ xấu lừa đảo, dụ dỗ chuyển mất 12 triệu đồng.

Chị Lan chia sẻ: "Sau khi tan ca tôi về nhà, đang mệt thì nhận được tin nhắn của người chị họ nói con chị ốm đang cần tiền gấp để cấp cứu. Tôi lấy máy gọi lại thì không được, một lúc sau có cuộc gọi video gọi tới thấy hình ảnh của chị tôi vừa khóc vừa nói 'chị lo quá em chuyển tiền nhé' rồi cúp máy luôn".

Quá bối rối, chị Lan không kiểm tra lại và ngay lập tức chuyển cho chị họ 12 triệu đồng. Sau đó tầm 3 tiếng chị liên lạc lại được với người chị mới tá hỏa vì bị đánh cắp Facebook, bị kẻ xấu trục lợi lừa đảo chuyển tiền. Theo chị Lan, đây cũng là lần đầu tiên chị biết tới hình thức lừa đảo bằng cách gọi hình ảnh.

lừa đảo

Dấu hiệu nhận biết cuộc gọi lừa đảo Deepfake qua mạng. Ảnh: L.Quân

Mới đây, anh Ngô Đức Hà - Công ty Goshi Thăng Long (Hà Nội) cũng suýt bị lừa kiểu này. Anh Hà cho biết anh vừa bị một kẻ xấu lấy Facebook của bạn anh để gọi video lừa đảo, nhờ anh chuyển tiền và click vào đường link. Sau lần đó anh Hà khá bối rối và mong được hướng dẫn cách phòng tránh để không bị lừa.

Chuyên gia Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) - Chuyên gia phòng chống tội phạm cho biết lừa đảo trên mạng là vấn đề rất nóng hiện nay. Người dân ít nhiều đã có sự cảnh giác với các hình thức lừa đảo thông qua mạng xã hội, ví dụ như nhờ nạp tiền, chuyển tiền,... Do đó, tội phạm đã chuyển sang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để lừa đảo. Đối tượng sẽ truy cập vào trang mạng xã hội của người dùng, thông qua AI, sử dụng thuật toán ghép các hình ảnh lại thành video. Sau khi hack được account của người dùng sẽ dùng cuộc gọi video call để tạo sự tin tưởng, qua đó lừa đảo.

Có thể thấy, khi hình thức tin nhắn lừa đảo không còn hiệu quả, các đối tượng đã sử dụng AI để lừa đảo bằng video call.

Theo đó, Bộ Công an đã đưa ra yêu cầu, đề nghị người dân ghi nhớ, thực hiện tốt khẩu hiệu: "2 Phải 4 Không" để phòng, chống, ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến, bảo vệ tài sản.

Trong đó, 2 phải là: Phải thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...; Phải liên hệ với công an khi có nghi ngờ, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý.

Và 4 không gồm: Không sợ hãi khi bị kẻ xấu tấn công, đe dọa; Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận "phi thực tế", kiểu "việc nhẹ lương cao"; Không kết bạn với người lạ trên mạng và cung cấp thông tin cá nhân cho họ; Không chuyển khoản hay cung cấp thông tin trên mạng mà không kiểm chứng lại thông tin.

"Hiện nay, chúng ta đang bước vào thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, Việt Nam được cho là một điểm đen về an ninh mạng do số cuộc, số tiền bị lừa đảo được cho là rất lớn (theo một thống kê thì gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu)", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu khuyến cáo người lao động, để phòng ngừa, lao động phải có kỹ năng nhận biết. Trước hết, các cuộc gọi video call từ AI sẽ không tương thích giữa hình ảnh và giọng nói, chập chờn, mà đối tượng sẽ nói rằng do “sóng yếu”. Khi thấy có dấu hiệu bất thường, lao động không vội tin tưởng mà phải gọi điện cho người thân để kiểm chứng trước khi chuyển tiền hoặc nạp tiền.

Tín dụng đen vẫn bủa vây công nhân, lao động 

Ngoài các chiêu trò lừa đảo qua mạng, nhiều hình thức cho vay tín dụng đen, tài chính ảo đang bủa vây công nhân, lao động nghèo.

Anh Dương Văn Kỷ - Công đoàn Công ty cổ phần Hóa chất Sơn Hà Nội cho biết, do đặc thù công nhân lao động thường khó khăn về tài chính. Tiền lương ít, không đủ chi tiêu nên lúc cần thiền không biết xoay sở vào đâu nên nhiều người khi thấy quảng cáo trên mạng cho vay không cần thế chấp vội tin tưởng và xa vào bẫy lừa đảo.

Về vấn đề này ông Đào Trung Hiếu cho biết hiện nay "tín dụng đen", hoặc việc vay qua app rất phổ biến trong công nhân lao động và sinh viên, nhiều trường hợp cần 1 khoản tiền gấp thì tìm đến vay qua app. Đơn giản là vì khoản vay không cần thế chấp vay đơn giản, thủ tục nhanh gọn mặt khác cũng nghĩ khoản tiền nhỏ không thành vấn đề vì thế mới bị lừa đảo cho vào bẫy.

"Tín dụng đen là hình thức vay thông qua các tổ chức, cá nhân không được pháp luật công nhận và có lãi suất cao. Theo quy định của pháp luật lãi suất cho vay không được quá 20% của khoản vay/năm, vay tín dụng đen thường cao gấp 5 lần quy định này", ông Hiếu nói.

 

lừa đảo

Ông Đào Trung Hiếu chia sẻ giúp lao động nhận diện các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay. Ảnh: LĐTĐ

Một điểm nữa có thể lưu ý đó là vay tín dụng đen không cần thế chấp mà vay bằng tín chấp, có một số app hiện nay không cần điều kiện gì chỉ cần cho phép truy cập danh bạ điện thoại hoặc mạng xã hội. Khi đến hạn, các tổ chức này thường sẽ “khủng bố, gây sức ép” với người vay thông qua cuộc gọi hoặc gửi tin nhắn gây áp lực buộc họ phải trả khoản vay với lãi suất rất cao.

Thậm chí có lao động bị thúc ép, đe dọa tới mức phải tự vẫn vì nợ chồng nợ, lãi mẹ đẻ lãi con.

"Các cụ trước có câu “Dễ vay thì dày nợ”, người lao động không hiểu chúng ta chỉ mắc vào vòng xoáy của tín dụng đen rất dễ dẫn đến nhiều vấn đề tiếp theo khác nhau. Trường hợp cần tiền gấp, người lao động nên hỏi vay họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, bản thân tôi cũng biết Công đoàn Thủ đô cũng có hỗ trợ cho người lao động vay để tăng gia sản xuất, thực hiện phát triển kinh tế gia đình", ông Hiếu chia sẻ thêm.

Cũng theo chuyên gia an ninh mạng, hiện nay có nhiều đối tượng lừa đảo tinh vi hơn và chuyển hoạt động lên không gian mạng và thông qua các mạng xã hội với nhiều hình thức, khiến người dân dễ sập bẫy hơn và công tác đấu tranh tội phạm cũng phức tạp hơn. Qua quá trình điều tra, lực lượng công an đã xác định hiện có ba nhóm lừa đảo chính gồm là giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản trên Zalo, Facebook và các hình thức kết hợp.

Trong đó có 24 hình thức lừa đảo chính, nổi bật là lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deep Voice, dùng công nghệ để ghép mặt và giọng nói của người quen sau đó nhờ chuyển tiền; lừa đảo cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... nói người nhà “vô tình” liên quan đến tội phạm như ma túy, bí mật an ninh...; lừa đảo giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, ngân hàng, chứng khoán... thông báo các vấn đề được quan tâm về lương, bảo hiểm...

Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp với mức siêu lợi nhuận; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng rồi xin lấy lại tiền... hoặc lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; lừa đảo có người gửi bưu kiện, hoặc trúng thưởng, hoặc có khoản tiền ngoại tệ chuyển đến... cần có tiền ứng trước để lấy ra

Ngoài ra còn là các hình thức lừa đảo: SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo “bẩn” trên Facebook... Các thủ đoạn này chủ yếu nhằm vào sự hám lợi và thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân.

Trong quá trình đấu tranh, Bộ Công an giao chỉ tiêu công tác cho công an địa phương, tổ chức trinh sát, điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Nhưng quan trọng nhất là vẫn phải tích cực công tác tuyên truyền, thay đổi hành vi và nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem