Người dân tiết lộ bí quyết tạo ra sợi miến Cự Đà nức tiếng Hà thành

Song Phúc Thứ sáu, ngày 26/01/2024 11:29 AM (GMT+7)
Những ngày giáp Tết, người dân ở làng nghề miến Cự Đà (Hà Nội) lại bận rộn, luôn tay luôn chân tráng bánh, phơi miến và đóng gói cho kịp vụ sản xuất lớn nhất năm.
Bình luận 0

Clip người dân làng miến Cự Đà tất bật vào vụ những ngày giáp Tết. Thực hiện: Song Phúc.

Người dân làng miến làm ngày làm đêm

Đến làng miến Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội những ngày cận Tết, phóng viên Dân Việt bắt gặp hình ảnh nhân công tất bật, nhộn nhịp sản xuất hơn hẳn so với ngày thường. Thợ làm bún, bánh thức dậy từ rạng sáng để kịp sản xuất cung cấp ra thị trường dịp Tết đến xuân về. 

Từ đầu làng, khách nườm nượp ra vào lấy hàng của bà con. Mặc dù làm miến dong không phải công việc quá nặng nhọc, nhưng đây lại là công việc đòi hỏi nhiều công đoạn và tận tụy hết mình trong từng công đoạn.

Người dân tiết lộ bí quyết tạo ra sợi miến Cự Đà nức tiếng Hà thành- Ảnh 1.

Đã từ lâu sản phẩm miến Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) được biết đến như một đặc sản của vùng quê tại Hà Nội.

Là một trong những hộ có truyền thống sản xuất miến dong lâu đời, bà Nguyễn Thị Quyến cho biết, để làm ra sợi miến ngon trước hết bột dong mua về được ngâm và thau rửa kỹ cho lắng gạn cát và tạp chất, sau đó, bột lọc được lọc đi lọc lại nhiều lần cho đến khi ra bột tinh sạch.

"Sau khi sơ chế bột sẽ được đem tráng thành những lá bánh mỏng và hấp chín cách thủy, tiếp đó bánh được căng trên các tấm phên lớn đan bằng nứa và phơi trong sân nhà, trên sân thượng, bãi cỏ và cả bên đường làng", bà Quyến tiết lộ những công đoạn sản xuất miến làng cổ Cự Đà.

Miến Cự Đà đặc sắc bởi độ giòn dai, thơm ngon và có màu vàng óng ả. Theo chia sẻ của những người thợ ở làng Cự Đà, miến có màu vàng là do bột nghệ, tùy theo nhu cầu của khách mua hàng, họ sẽ sản xuất miến màu vàng hay giữ màu hơi xám và trong suốt như nguyên bản.

Từ tháng 9 đến tháng 12 Âm lịch được coi là vụ chính vì tập trung phục vụ hàng Tết nên các hộ làm miến phải tăng gia sản xuất, số lượng sản phẩm cao hơn bình thường.

Người dân trong làng cho hay, để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, đặc biệt dịp Tết, các công đoạn làm miến ngày nay đã bớt vất vả hơn nhiều nhờ sự hỗ trợ của máy móc.

Người dân tiết lộ bí quyết tạo ra sợi miến Cự Đà nức tiếng Hà thành- Ảnh 2.

Người dân đang phơi những mẹt bánh vừa tráng xong trên cánh đồng miến của làng

Chị Nguyễn Thị Nhu, một nhân công lâu năm ở làng Cự Đà kể cho chúng tôi nghe về sự tỉ mẩn của công đoạn phơi miến. Chị Nhu nói: "Sau khi bánh khô thì cho vào máy cắt, ngâm qua nước cho mềm và cho vào máy rèn thành sợi rồi đưa ra cánh đồng phơi khoảng 3 tiếng để sợi miến khô đều xong mới bó miến và đóng gói từng túi.

Nghề làm miến phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Nếu trời được nắng, sợi miến sẽ giòn, dai, đẹp màu, khi nấu sẽ không bị bở nát, còn trời nồm ẩm thì phải kiểm tra thường xuyên và phơi nhiều ngày hơn".

Người dân gìn giữ nghề cha ông

Không chỉ nổi tiếng với các công trình làng cổ mà làng Cự Đà còn nổi tiếng với làng nghề làm miến. Miến làng Cự Đà đã và đang gìn giữ những giá trị của làng nghề truyền thống cũng như tạo ra thu nhập cho nhiều hộ gia đình.

Người dân tiết lộ bí quyết tạo ra sợi miến Cự Đà nức tiếng Hà thành- Ảnh 3.

Nhiều công đoạn sản xuất miến được áp dụng công nghệ, máy móc

"Nghề này làm quanh năm, nắng ngày nào thì làm ngày đó, làm để dự trữ. Vào vụ Tết, ngoài nhân công trong nhà, gia đình phải thuê thêm 3 - 4 lao động, tăng công suất mới có hàng bán ra thị trường", ông Đinh Văn Toàn, một người dân làng miến chia sẻ.

Mỗi hộ kinh doanh có khoảng trên dưới 20 lao động nên việc sản xuất miến không chỉ duy trì phát triển văn hóa làng nghề mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với công việc làm nông đơn thuần, đồng thời đem đến thu nhập tương đối tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Quyến, chủ một cơ sở làm miến nổi tiếng tại làng Cự Đà cho biết thêm, thời điểm hiện tại, cơ sở của bà sản xuất mỗi ngày 1,5 tấn miến để bán khắp các tỉnh, thành phố Việt Nam, trung bình 1kg miến bán lẻ sẽ có giá 50.000 đồng.

"Chúng tôi mong muốn, không chỉ đời chúng tôi làm miến mà sẽ có nhiều thế hệ trẻ kế tiếp, phát triển làng nghề miến phát triển ra khắp cả nước, thậm chí, miến Cự Đà đạt các tiêu chuẩn có thể xuất khẩu đi nước ngoài", bà Quyến bộc bạch.

Người dân tiết lộ bí quyết tạo ra sợi miến Cự Đà nức tiếng Hà thành- Ảnh 4.

Miến được đem phơi nắng trước khi cắt thành sợi bán cho người tiêu dùng.

Bao đời nay, người dân làng Cự Đà vẫn giữ được cách làm miến dong truyền thống. Miến dong luôn có được vị trí quan trọng trong đời sống ẩm thực của người dân nơi đây nói riêng và cả nước nói chung.

Cho dù, phố thị trấn sầm uất với đầy đủ các món ngon, lạ đến từ nhiều nơi nhưng những món ăn từ miến dong Cự Đà vẫn hiên ngang tạo nên bản sắc ẩm thực của một làng quê Việt Nam.

Việc sản xuất nghề truyền thống miến dong Cự Đà không chỉ là giúp gìn giữ làng nghề truyền thống mà thêm vào đó, đây còn là công việc giúp hàng trăm bà con nơi đây có việc làm, trang trải cho cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem