Nắng nóng cực điểm, coi chừng say nắng khi du lịch 30/4-1/5

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 27/04/2024 08:00 AM (GMT+7)
Kỳ nghỉ 30/4-1/5 được dự báo nắng nóng gay gắt, các gia đình đi du lịch cần phòng tránh say nắng, say nóng.
Bình luận 0

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình đã tổ chức đi du lịch, vui chơi, tụ tập gặp gỡ bạn bè, về quê thăm người thân. 

Tuy nhiên, theo nhận định từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết thì trong 5 ngày nghỉ lễ dịp 30/4 - 1/5 (từ 27/4 - 1/5), nắng nóng gay gắt hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Nhiều tỉnh thành có nhiệt độ cao từ 35-38 độ C, 1 số tỉnh cá biệt đến 40 độ C. 

Nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Do đó, các chuyên gia y tế cảnh báo các gia đình khi đi du lịch cần phòng tránh say nắng, say nóng, đặc biệt là người già, trẻ em. 

Nắng nóng cực điểm, coi chừng say nắng khi du lịch 30/4-1/5- Ảnh 1.

Đề phòng say nắng, say nóng khi đi du lịch vào kỳ ngỉ lễ 30/4-1/5. Ảnh minh họa theculturetrip

Các biểu hiện khi say nắng, say nóng

Bác sĩ Đặng Hoàng Điệp, khoa Cấp Cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, say nắng, say nóng thường hay xảy ra vào mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột.

Bị say nắng, say nóng không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... mà say nắng, sốc nhiệt còn có khả năng dẫn đến đột quỵ. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.

Bác sĩ Điệp cho biết, trẻ em và người già có khả năng điều nhiệt, thích nghi kém với nắng nóng nên rất dễ bị say nắng, say nóng khi tham gia các hoạt động ngoài trời kéo dài dưới nắng nóng. 

Theo bác sĩ Điệp, các dấu hiệu nhẹ ban đầu: nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da, có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.

* Các biểu hiện nặng hơn nếu không được xử trí kịp thời: tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê.

Khi thân nhiệt tăng quá cao còn gây rối loạn điên giải nặng, rối loạn thăng bằng nội môi, có thể xuất huyết (xuất huyết kết mạc, đái ra máu, ỉa ra máu) do rối loạn đông máu nặng, nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Các biện pháp phòng tránh say nắng, say nóng

Bác sĩ Điệp khuyến cáo, đề phòng say nắng, say nóng, người dân cần:

- Khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.

Nắng nóng cực điểm, coi chừng say nắng khi du lịch 30/4-1/5- Ảnh 2.

Nhớ uống nước đầy đủ để phòng say nắng. Ảnh minh họa Getty Images

- Khi di chuyển, vui chơi ngoài trời không quên uống đầy đủ nước. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể uống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.

- Không vui chơi qua lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng ở ngoài trời nắng nóng. 

- Nên mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm nước, hấp thụ mồ hôi

Cách xử trí khi say nóng, say nắng

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Uyển, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, khi có người bị say nắng, say nóng, chúng ta phải thực hiện ngay các bước như sau:

- Đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí (chỗ bóng râm, lên xe mát hay nhà mát, …) đồng thời gọi hỗ trợ, đặc biệt gọi cấp cứu hỗ trợ

- Khai thông đường thở, hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực nếu người bệnh hôn mê, không bắt được mạch

- Áp dụng ngay lập tức các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ của cơ thể như: Đo nhiệt độ cơ thể nếu có nhiệt kế; Cởi bỏ quần áo và áp nước ấm lên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi ( bệnh nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da có thể hứng được nhiều gió càng tốt.

- Đắp khăn lạnh, hoặc áp gói nước đá vào nách, bẹn, cổ

- Cho uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu bệnh nhân tỉnh táo, có thể uống được

- Chuyển bệnh nhân bằng xe điều hòa hoặc phải mở cửa sổ, quá trình vận chuyển tiếp tục làm mát nhiệt độ bệnh nhân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem