Đại biểu HĐND TP.Hà Nội nêu lý do không nên bê tông hóa sông Tô Lịch

Hoàng Thành Thứ hai, ngày 08/07/2019 14:49 PM (GMT+7)
Đại biểu HĐND TP. Hà Nội dẫn câu thơ – ca dao từ thời xưa: “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh” và cho rằng ý tưởng bê tông hóa dòng sông là không nên vì đây còn là câu chuyện của địa lý, phong thủy và tâm linh. 
Bình luận 0

Thảo luận về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hà Nội ngày 8/7, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho hay, vừa qua, UBND TP đã có chủ trương tìm giải pháp mới trong xử lý ô nhiễm sông hồ, đây là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, việc này còn rất phức tạp, đòi hỏi sự tập trung chương trình, kế hoạch, nguồn lực.

“Vì vậy, đề nghị TP nghiên cứu các giải pháp mang tính bền vững. Cụ thể có thể xem xét khả năng cống hóa một số sông có tính chất kênh mương thoát nước như sông Tô Lịch hay sông Kim Ngưu. Điều này giảm thiểu xả thải, góp phần tăng không gian công cộng, hạ tầng giao thông, và cây xanh…”, ông Tuấn đề nghị.

img

Sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm nặng.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) nhấn mạnh đến việc giải quyết ô nhiễm các dòng sông, đặc biệt ưu tiên xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch. “Trước hết là bổ cập nước cho dòng sông có nước để chảy, giảm ô nhiễm trước mắt cũng như lâu dài”, ông Đức nói.

Dẫn câu thơ – ca dao từ thời xưa: “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh...”, đại biểu quận Thanh Xuân cho rằng, ý tưởng bê tông hoá dòng sông là không nên vì đây còn là câu chuyện của địa lý, phong thuỷ và tâm linh. Qua đó, ông Đức đề nghị thành phố trước mắt bổ cập nước cho sông Tô Lịch chảy sẽ giải quyết phần lớn ô nhiễm.

Ông Đức cũng nhắc lại vấn đề, năm 2006, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực có đưa ra giải pháp trước mắt nên cấp nước cho sông Tô Lịch được chảy, kể cả sau này chúng ta xử lý môi trường thì dòng sông cũng cần được chảy. Từ đó có thể tạo ra tuyến giao thông đường thuỷ. 

Bên cạnh đó, trong phần phát biểu của mình, ông Đức cũng nhắc đến một nội dung đó là về công tác quản lý, chống lấn chiếm đất công, đất chưa sử dụng tại các dự án.

img

Ông Nguyễn Minh Đức (đại biểu quận Thanh Xuân) phát biểu tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hà Nội.

“Tại quận Thanh Xuân, chính quyền đã thu hồi được đất công bị lấn chiếm nhưng nếu như không có phương án giữ đất sẽ bị tái lấn chiếm. Trong khi đó, các khu đất công, đất chưa sử dụng được liên kết để tạm thời làm sân bóng, bãi đỗ xe lại vi phạm quy định đất đai khiến chính quyền khó khăn trong công tác quản lý, chống lấn chiếm đất đai. Do đó, đề nghị UBND TP, Sở Tài chính có cơ chế sử dụng tạm thời, có cơ chế tài chính để chống lấn chiếm, tránh lãng phí và đáp ứng nhu cầu của nhân dân”, ông Đức nói.

Trước đó, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân Thủ đô trước kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, cử tri và Nhân dân Thủ đô hầu hết phấn khởi trước những kết quả toàn diện về kinh tế, xã hội của TP trong 6 tháng đầu năm 2019; kinh tế tiếp tục phát triển và ấn tượng; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện…

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân Thủ đô vẫn còn băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như: an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ; mật độ dân cư tăng quá nhanh so với tốc độ xây dựng hạ tầng giao thông, tạo áp lực lớn trong quản lý đô thị, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại, sức khỏe của người dân.

Cử tri và Nhân dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do khói bụi, ô nhiễm ở một số dòng sông ngày càng tăng. Vấn đề thu gom, xử lý rác thải ở một số nơi còn nhiều khó khăn; tình trạng nước thải từ các cơ sở sản xuất, hộ gia đình chăn nuôi xử lý chưa đạt yêu cầu đã xả thải ra môi trường gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của Nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem