Chuyển hướng sang nông nghiệp đã thay đổi Hoàng Anh Gia Lai như thế nào?

08/05/2019 06:15 GMT+7
Từ một ông chủ của tập đoàn đa ngành với bất động sản là nguồn thu chính của doanh nghiệp, Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) nay trở thành một doanh nghiệp lấy nguồn thu từ trái cây là “trụ cột” và kiên định trên con đường trở thành tập đoàn Nông nghiệp hàng đầu Châu Á.

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai ông Đoàn Nguyên Đức tự nhận từng ngồi trên núi tiền với ngôi vị số một khi bất động sản còn ở thời hoàng kim (năm 2007-2008) và canh cánh trong lòng phải vươn xa hơn, phải làm nông nghiệp công nghệ cao quy mô đại công trường. Song so với hiện nay, hình ảnh ông chủ HAGL lúc nào cũng tất bật “chạy” tiền trồng cây ăn trái là những thái cực ít ai ngờ tới.

Từ đại gia BĐS đến “duyên nợ” với nông nghiệp

Khi lên sàn cách đây 10 năm, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) do ông Đoàn Nguyên Đức là Chủ tịch HĐQT đã là một tập đoàn đa ngành kinh doanh trên rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, nông nghiệp, khoáng sản, thủy điện...

Trong đó, BĐS chính là hoạt động tạo nên tên tuổi của HAGL và cá nhân Bầu Đức khi trong nhiều năm liền là lĩnh vực chiếm tỷ trọng chính, mang lại hàng nghìn tỷ đồng doanh thu cho công ty và đưa ông bầu phố núi lên ngôi vị số một khi lĩnh vực này còn ở thời hoàng kim (năm 2007-2008).

Không chỉ là trụ cột kinh doanh của HAGL trong gần 10 năm liên tiếp, chính bất động sản đã giúp HAGL trở thành tập đoàn kinh tế có tốc độ phát triển tài sản nhanh nhất Việt Nam năm 2010, và nhanh thứ hai năm 2011, giá trị xấp xỉ 1,5 tỷ USD.

Cùng với đó là hàng tỷ USD đầu tư vào các nước trong khu vực Đông Nam Á như 1 tỷ USD vào Lào, hàng trăm triệu USD vào Myanmar, 100 triệu USD vào Campuchia, và hàng chục triệu USD vào Thái Lan.

Bước ngoặt lớn bắt đầu từ năm 2013, mảng bất động sản từ vị thế là nguồn thu chủ lực mỗi năm đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào doanh thu của HAGL nhanh chóng giảm về 3 con số với vỏn vẹn 247,5 tỷ đồng doanh thu, giảm mạnh so với con số hơn 2.800 tỷ đồng của năm 2012.

Nhận định thị trường bất động sản Việt Nam đã hết cơ hội và HAGL không thể phụ thuộc mãi vào bất động sản, bầu Đức đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng phát triển để trồng cao su, cọ dầu, mía đường...

Cũng từ năm 2013, các sản phẩm chủ lực của HAGL đã liên tục thay đổi qua từng năm. Trong đó, mía đường ngay lập tức trở thành nguồn thu chủ đạo của 2 năm 2013 - 2014. Hai năm tiếp theo, mía đường vẫn đóng góp đáng kể vào nguồn thu của HAGL nhưng vai trò "đầu tàu" doanh thu đã chuyển sang chăn nuôi bò.

Đáng chú ý, năm 2015, doanh thu tập đoàn của bầu Đức vượt 6.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Mảng kinh doanh bò thịt đóng góp đáng kể nhất vào bước tiến với doanh số hơn 2.500 tỷ đồng, gấp đôi tổng doanh thu bốn ngành mía đường, bắp, cao su, cọ dầu.

Năm 2016, thịt bò mang về cho HAGL của bầu Đức hơn 3.500 tỷ doanh thu. Nhưng cũng giống như mía đường, ngành chăn nuôi bò chỉ đóng vai trò "đầu tàu" trong 2 năm. Hoạt động kinh doanh mía đường kết thúc vào đầu năm 2017 khi HAGL của bầu Đức bán lại nhà máy mía đường cho tập đoàn Thành Thành Công còn hoạt động chăn nuôi bò cũng chấm dứt vào năm 2018 do không còn hiệu quả. Trước đó, HAGL của Bầu Đức quyết định rút chân khỏi khoáng sản và thủy điện.

Như vậy, sau giai đoạn tập trung tái cấu trúc tài chính, HAGL từ đầu năm 2017 đã "xoay trục" ngành nghề kinh doanh chính, xác định lĩnh vực nông nghiệp là trụ cột. Trong khi những loại cây nông nghiệp dài ngày như cao su, cọ dầu chưa cho thấy kết quả, bầu Đức đã quyết định đi trồng cây ăn trái, nhằm tạo dòng tiền nhanh hơn.

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức -PV). (Ảnh: Internet)

Và tất nhiên, chỉ sau cú bắt tay “môn đăng hộ đối” với tỷ phú Trần Bá Dương vào cuối năm 2018, cùng với việc HAGL để Thaco sở hữu 51% vốn tại công ty đầu tư dự án BĐS tại Myanmar, bầu Đức mới thực sự lộ rõ ý đồ chia tay mảng BĐS để tập trung phát triển mảng chính là nông nghiệp (HAGL Agrico) với trái cây là sản phẩm chủ lực.

Bầu Đức cũng nhấn mạnh năm 2019 được xác định là năm bản lề quan trọng để HAGL đi vào giai đoạn 2020 - 2025, phát triển bền vững, để từ đó làm đòn bẩy đưa HAGL trở thành “Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Châu Á vào năm 2025”

Bức tranh lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai sau khi làm nông nghiệp

Cùng với sự tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, lợi nhuận của HAGL cũng trở thành “tâm điểm” chú ý của nhà đầu tư khi liên tục “trồi sụt” trong những năm qua.

Năm 2009, với chủ lực là BĐS, lợi nhuận sau thuế của HAGL lần đầu tiên chạm ngưỡng nghìn tỷ và duy trì cho đến cuối năm 2011.

Trong 1 năm sau đó, năm 2012, lợi nhuận sau thuế của HAGL nhanh chóng “bốc hơi” trên 2/3 giá trị và chỉ mang về chưa đầy 400 tỷ đồng lãi ròng trong năm này. Cũng kể từ năm 2012, HAGL gánh trên vai gánh nặng nợ ngày càng phình to. Đây cũng chính là thời điểm, bầu Đức chính thức đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp.

Giai đoạn 2012 - 2016, doanh thu của HAGL năm sau luôn cao hơn năm trước. Thế nhưng, đòn bẩy tài chính quá lớn, thậm chí có thời điểm, tổng nợ phải trả của HAGL lên tới trên 33.000 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng tài sản. Trong đó, gần một nửa số này là nợ ngắn hạn, cao hơn rất nhiều giá trị tài sản ngắn hạn mà tập đoàn sở hữu khiến cho lợi nhuận của HAGL năm 2016 “dứt” đà tăng và ghi nhận khoản lỗ lên tới trên 1.500 tỷ. Đây cũng chính là thời kỳ khó khăn nhất của HAGL của ông bầu Đức.

Tuy nhiên, nhờ nỗ lực tập trung cho nông nghiệp, năm 2017, HAGL ghi nhận lãi ròng trở lại. Từ âm hơn 1.300 tỷ công ty mẹ đã thu về gần 70 tỷ đồng tiền lời là một thành tích đáng kể.

Năm 2018, dưới sự điều hành của bầu Đức, HAGL đã ghi nhận con số doanh thu 5.388 tỷ đồng, tăng 11% so với 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của HAGL chỉ đạt vỏn vẹn 6,2 tỷ đồng, giảm mạnh so với kết quả năm ngoái là 371 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 117,5 tỷ đồng.

Tới cuối năm 2018, tổng các khoản vay của HAGL ở mức 21.753 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn chiếm gần 70%.

Tuy nhiên, nếu nhìn kết quả kinh doanh trong 2 năm 2017, 2018 có thể thấy, tổng doanh thu từ trái cây của HAGL 2 năm qua đạt khoảng 4.461 tỷ đồng và lợi nhuận gộp từ trái cây là 2.514 tỷ đồng, tỷ suất sinh lời tới 56%. Như vậy, trong 2 năm vừa qua, trái cây trở thành điểm tựa của HAGL, đem lại nguồn tiền ổn định cũng như hiệu suất sinh lời cao.

Doanh thu trái cây đã tăng mạnh từ mức 1.600 tỷ đồng năm 2017 lên 2.900 tỷ đồng năm 2018 đóng góp 53,8% trong tổng doanh thu của tập đoàn. Đến cuối năm 2018, tổng diện tích cây ăn trái đã trồng được là 18.675 ha với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long, xoài, mít, bưởi da xanh, và hơn 10 loại cây ăn trái khác.

Theo dự kiến của bầu Đức, trái cây sẽ mang về cho HAGL khoản doanh thu 4.775 tỷ đồng năm 2019, trong đó chuối đóng góp hơn 73%. Bầu Đức kỳ vọng mỗi ngày vườn chuối mang về 10 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý I.2019 mới đây của HAG, trong quý này, HAG lãi ròng 21,5 tỷ đồng giảm 62% so với cùng kỳ trong đó cổ đông không kiểm soát chịu lỗ 14,7 tỷ đồng nên LNST công ty mẹ đạt hơn 36 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ đạt 2,6 tỷ đồng.

Như vậy với kế hoạch này kết thúc quý I.2019, HAG mới hoàn thành được 8% kế hoạch doanh thu và 23% mục tiêu về lợi nhuận.

Về tình hình trả nợ của HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ: “Chủ trương HAGL và HAGL Agrico là một, tôi và anh Dương (Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương) thống nhất nông nghiệp không tăng dư nợ đến 2022, mà giảm nợ, giảm 6.000 tỷ trong năm 2019 và con số cho 2020 tương tự, dự kiến giữa năm 2021 là hết nợ”.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục