Chủ tịch xã “tạo điều kiện xẻ thịt” rừng phòng hộ ở Lạng Sơn

Nguyễn Đức Thứ tư, ngày 13/05/2020 12:06 PM (GMT+7)
Chủ tịch xã Lương Năng (huyện Văn Quan, Lạng Sơn) đã "tạo điều kiện" cho người dân đào đất đá, mở đường lên rừng phòng hộ Lọ Luông. Dọc đường, nhiều cây gỗ lớn bị chặt hạ.
Bình luận 0

Mới đây, ông Đường Văn Hoan (SN 1977), ở xã Lương Năng, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn gửi đơn đến tòa soạn Dân Việt phản ánh ông Lộc Văn Cơ - Chủ tịch UBND xã Lương Năng cho phép dân gạt đất, mở đường lên rừng phòng hộ, chặt hạ cây gỗ lớn khi cơ quan chức năng chưa cho phép.

Chặt hạ cây gỗ lớn mở đường lên rừng phòng hộ

Theo ông Hoan, vào đầu tháng 2/2020, Chủ tịch xã Lương Năng đã cùng với 14 hộ dân dùng máy xúc đào đất đá mở đường lớn vào rừng phòng hộ. Người dân bức xúc khi không biết mục đích của việc chặt cây, mở đường này.

Ngày 10/5, phóng viên có mặt tại khu vực rừng phòng hộ Lọ Luông, thôn Nà Thang. Tại đây, một con đường lớn rộng khoảng hơn 2m, dài hơn 3km chạy xuyên từ dưới chân đồi lên đến đỉnh đồi, đất đá ngổn ngang.

Dọc đường đi, khoảng gần 10 cây gỗ có đường kính 40-50cm, dài hơn 10m bị chặt hạ. Một số thân cây gỗ đã được cắt ngọn nằm bên hông đường, đất đá vùi lấp .

Chủ tịch xã “tạo điều kiện” cho dân “xẻ thịt” rừng phòng hộ ở Lạng Sơn - Ảnh 1.

Đường đã được mở rộng lên rừng phòng hộ Lọ Luông, thôn Nà Thang, xã Lương Năng, huyện Văn Quan, Lạng Sơn.

Ông Lộc Văn Tương, người dân ở xã Lương Năng, một trong 14 hộ tham gia mở đường lên rừng phòng hộ Lọ Luông xác nhận, bắt đầu từ tháng 2/2020, người dân thực hiện việc mở đường chạy quanh rừng phòng hộ để thuận tiện trong việc hái quả sở. 

Trong đó, ông Lộc Văn Cơ - Chủ tịch UBND xã Lương Năng cũng được giao đất trồng cây ở rừng phòng hộ này.

Tại khu rừng này, ngoài những cây gỗ lớn, quý, người dân còn trồng thêm cả cây sở để lấy quả đem bán. 

"Ông Lộc Văn Cơ không tham gia việc đào đất mở đường nhưng đã "tạo điều kiện" cho người dân thực hiện việc này" - ông Tương cho hay.

Chủ tịch xã “tạo điều kiện” cho dân “xẻ thịt” rừng phòng hộ ở Lạng Sơn - Ảnh 2.

Có nhiều cây gỗ lớn có đường kính 40-50cm, dài hơn 10m bị chặt hạ.

Làm việc với phóng viên, ông Lộc Văn Cơ - Chủ tịch UBND xã Lương Năng thừa nhận việc người dân chặt một số cây gỗ, mở đường lên rừng phòng hộ khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép. Ngoài ra, gia đình ông Cơ cũng được giao đất và trồng cây trên rừng phòng hộ Lọ Luông.

"Tại rừng phòng hộ này, trước đây đã có con đường cũ rộng 1,6m. Bắt đầu từ tháng 2/2020, người dân chỉ mở rộng thêm ra lên đến 2,5m thôi. 

Còn về đoạn đường mở rộng dài bao nhiêu km tôi cũng không nắm rõ. Trước đó, mọi người có tổ chức họp tại thôn và tôi chỉ làm thư ký của buổi họp. Hộ ông Tương đứng ra chủ trì thu tiền của các hộ dân khác và cùng nhau mở rộng đường", ông Cơ nói.

Chủ tịch xã “tạo điều kiện” cho dân “xẻ thịt” rừng phòng hộ ở Lạng Sơn - Ảnh 3.

Ông Lộc Văn Cơ, Chủ tịch UBND xã Lương Năng thừa nhận việc người dân chặt một số cây gỗ, mở đường lên rừng phòng hộ khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép.

Vị Chủ tịch xã Lương Năng cho hay, ông không nắm rõ số lượng những cây gỗ sau sau (tên khoa học Liquidambar formosana) bị chặt hạ. 

"Tuy nhiên trong quá trình người dân mở rộng đường, chúng tôi có quán triệt yêu cầu người dân không được phép tự ý khai thác gỗ ở rừng, chỉ chặt hạ một số cây bị gãy vướng vào đường đi", ông Cơ nói thêm.

Thanh tra huyện vào cuộc 

Trao đổi với Dân Việt, ông Bành Văn Dân - Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Văn Quan cho biết thêm, khu vực rừng ở thôn Nà Thang là rừng phòng hộ và trước đây chính quyền xã đã giao cho một số hộ dân quản lý, trồng rừng. 

Ông Dân khẳng định, huyện không cấp phép cho người dân chặt cây gỗ, mở đường lên rừng phòng hộ. Việc người dân tự ý mở đường, chặt cây khi chưa được phép là vi phạm quy định.

Chủ tịch xã “tạo điều kiện” cho dân “xẻ thịt” rừng phòng hộ ở Lạng Sơn - Ảnh 4.

Người dân "xẻ thịt" rừng phòng hộ để mở con đường lớn rộng khoảng hơn 2m, dài hơn 3km chạy xuyên từ dưới chân đồi lên đến đỉnh đồi.

"Nếu đúng quy định, xã Lương Năng phải có tờ trình lên huyện xin phép việc cho người dân mở đường lên rừng phòng hộ. Sau đó, cơ quan chức năng xuống địa phương khảo sát, xem xét nhu cầu người dân muốn mở rừng để phát triển kinh tế xã hội hay làm gì. 

Tiếp đó, huyện mới xem xét các quy định và có quyết định việc có cấp phép hay không. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi không nhận được tờ trình hay thông báo của lãnh đạo xã Lương Năng về nội dung này", ông Dân thông tin.

Ngoài nội dung trên, ông Đường Văn Hoan còn gửi đơn phán ánh, tố cáo ông Lộc Văn Cơ lấn chiếm đất công của chợ xã Lương Năng; cho phép người dân mở đường chặt phá rừng phòng hộ để trồng cây tại xóm Nà Lộc, thôn Bản Chầu; bao che để người dân san đồi lấp ruộng tại Pá Hà, xã Lương Năng.

Chủ tịch xã “tạo điều kiện” cho dân “xẻ thịt” rừng phòng hộ ở Lạng Sơn - Ảnh 5.

Có những đoạn đường được mở rộng có chiều ngang lên đến 4m.

PV đã liên hệ qua điện thoại với bà Lương Mai Tú - Chủ tịch UBND huyện Văn Quan hỏi về việc người dân phản ánh những cây gỗ sau sau (tên khoa học Liquidambar formosana) là cây gỗ quý bị chặt hạ. 

Bà Lương Mai Tú cho hay, tại địa phương những cây gỗ sau sau là cây gỗ tạp, không phải cây gỗ quý. 

"Hiện tại thanh tra của huyện đang vào cuộc xác minh, làm rõ các nội dung trong đơn tố cáo chủ tịch xã Lương Năng. Dự kiến sang tuần sẽ có kết quả thanh tra và chúng tôi sẽ thông tin lại sau", bà Tú nói.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, Điều 9 Luật lâm nghiệp năm 2017 quy định rõ một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp là chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật.

Người dân có hành vi chặt phá rừng phòng hộ trái phép thì tùy từng tính chất mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "hủy hoại rừng" theo Điều 243 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, Điều 102 Luật lâm nghiệm năm 2017 cũng quy định: Ủy ban nhân dân các cấp sẽ có trách nhiệm cụ thể về việc quản lý rừng. Trong đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm về cháy rừng, phá rừng hoặc mất rừng do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng gây ra thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý. Do vậy, nếu để xảy ra hành vi chặt, phá rừng tại địa phương nào thì chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem