Chân dung nữ doanh nhân vừa thâu tóm thương hiệu trà sữa Ten Ren của The Coffee House

26/07/2019 17:39 GMT+7
Từ số vốn ban đầu là 100.000 đồng với căn phòng trọ 12m2, CEO Trân Phan đã xây dựng thành công chuỗi thương hiệu kính áp tròng nổi tiếng tại Việt Nam với hơn 30 cửa hàng lớn trên cả nước.

CEO Trân Phan - giám đốc điều hành của chuỗi thương hiệu kính áp tròng Doll Eyes.

Tuần qua, thương vụ mua bán một loạt cửa hàng trà sữa Ten Ren của The Coffee House được thị trường quan tâm. Ngay sau khi thương vụ mua bán hoàn tất, chuỗi cửa hàng này được đổi tên  thành Toocha. Theo tìm hiểu, doanh nghiệp mua lại thương hiệu trà sữa này là một doanh nghiệp của CEO Trân Phan.

Vươn lên từ nghèo khó và giấc mơ lập nghiệp để đổi đời

Để có được thành công như hôm nay, Trân Phan đã từng phải trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn và vất vả. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình miền biển với hoàn cảnh gia đình trên bờ vực phá sản và những khoản nợ từ kinh doanh, những năm tháng sinh viên đối với cô là những ngày tháng “chạy ăn từng bữa”.

Là cô gái tỉnh lẻ “chân ướt chân ráo” lên Sài Gòn học, cô không quên cảm giác tự ti, mặc cảm thua kém vật chất và lo lắng về tương lai của mình. Đó cũng là nỗi áp lực khủng khiếp của cô gái trẻ 19 tuổi với hai bàn tay trắng kèm theo nỗi nhớ xa nhà, nỗi buồn không tiền bạc, không người thân và phải bắt đầu cuộc sống mới.

Không vì điều đó mà nản lòng, Trân không ngừng cố gắng và không thôi hi vọng, cô làm thêm cả chục nghề để kiếm tiền. Ngoài những giờ học trên lớp, cô tranh thủ đi làm thêm từ việc rửa chén đũa cho đến việc ship hàng. Càng khó khăn, Trân càng có động lực, bên cạnh việc đi học và làm thêm, mỗi ngày cô đều dành thời gian lên mạng học hỏi cách kinh doanh và chỉ ngủ vỏn vẹn 3 tiếng một ngày.

CEO Doll Eyes khởi nghiệp với hai bàn tay trắng.

Những ngày tháng làm thêm vất vả đó đã giúp cô tình cờ phát hiện ra ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp sau này. Trân chia sẻ, ngày còn là sinh viên, cô đi rửa chén ở một quán ăn, vì bị cận rất nặng nên hàng ngày cô luôn phải mang cặp kính cận dày cộp khi đi làm phục vụ rửa chén và điều đó khiến cô cảm thấy bất tiện. Một người bạn thân của cô thấy thương cảm nên đã tặng cho cô một cặp len để thuận tiện làm việc. Đây cũng là lúc, nữ doanh nhân trẻ Trân Phan nảy sinh ra ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh từ kính áp tròng.

Với mong muốn mang đến sự gọn nhẹ, tiện lợi, giúp cho những người bị cận cảm thấy thoải mái hơn, năng động hơn trong cuộc sống hàng ngày, cô đã quyết định lựa chọn kinh doanh sản phẩm kính áp tròng.

Nhận thấy tiềm năng từ thị trường, giấc mơ xây dựng thương hiệu kính áp tròng hàng đầu Việt Nam ngày càng tiến tới gần hơn đối với cô gái trẻ. Tại thời điểm đó, Trân Phan nhận ra rằng không hề có bất cứ thương hiệu nào về kính áp tròng tại Việt Nam thật sự chuyên nghiệp hay có chất lượng sản phẩm và đem đến dịch vụ tốt cho khách hàng. Chính vì vậy, cô đã bắt tay vào hành động để xây dựng chính thương hiệu kính áp tròng số 1 tại Việt Nam.

Hành trình Doll Eyes: từ căn phòng trọ 12m2 đến 30 cửa hàng lớn khắp cả nước

Phát hiện được tiềm năng và nhu cầu từ thị trường nhưng để hiện thực hóa “giấc mơ” không phải là điều dễ dàng, nhất là trong bối cảnh túng thiếu tiền bạc, không có vốn để đầu tư khởi nghiệp.

Lên thành phố sinh sống, một mình đơn độc giữa thành phố, không có vốn ban đầu, cũng chẳng có bạn bè hay người thân nào để mượn, trong ví tiền cũng chỉ còn đúng 100.000 đồng. Số tiền ít ỏi đó chỉ đáng giá bằng một hoặc hai ly trà sữa, nhưng tại thời điểm đó, cô vô cùng trân trọng số tiền đó và đối với cô đó chính là số vốn ban đầu của mình.

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, Trân tìm đủ mọi cách để tích góp vốn làm ăn. Thời gian đầu, cô nhận order để hưởng lợi nhuận trung gian, dần dần tích góp vốn, xác định lấy ngắn nuôi dài. Với tầm nhìn xa, cùng tài nhạy bén kinh doanh, từ một chiếc kệ nhỏ trong căn phòng trọ 12m2, sau một năm hoạt động, đến năm 2013, Trân Phan đã mở được cửa hàng kính áp tròng đầu tiên tại Việt Nam khi cô mới chỉ ở tuổi 20. Từ đó, Doll eyes chính thức ra đời, cung cấp sản phẩm chất lượng đẳng cấp quốc tế với sứ mệnh “tỏa sáng đôi mắt phụ nữ Việt Nam”.

Nhận thấy xây dựng thương hiệu cũng là yếu tố quan trọng để có thể đứng vững trên thị trường, CEO Trân Phan chú trọng đầu tư việc xây dựng hình ảnh cho thương hiệu Doll Eyes bắt đầu từ giá trị cốt lõi “Phục vụ khách hàng bằng cả trái tim”.

Bên trong chuỗi cửa hàng kính áp tròng Doll Eyes của CEO Trân Phan.

Bằng chiến lược kinh doanh đúng đắn, chỉ sau 6 năm hoạt động, hiện nay, Trân Phan đang sở hữu hơn 30 cửa hàng Doll Eyes trên khắp cả nước và trở thành chuỗi thương hiệu Việt được định giá chục triệu đô la. Đồng thời, Doll Eyes cũng đặt mục tiêu mở rộng hơn 100 cửa hàng vào năm 2021 và phát triển ra Đông Nam Á. CEO Doll Eyes Trân Phan cũng trở thành một trong những người xây dựng công ty khở nghiệp thành công nhất với việc sở hữu 100% công ty mà không phụ thuộc vào bất kỳ cổ đông hay quỹ đầu tư nào.

Không chỉ là CEO Doll Eyes, Trân Phan còn sở hữu công ty thiết kế và công ty phân phối hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, vào năm 2018, nữ doanh nhân trẻ 9X – Trân Phan cũng là cái tên quen thuộc trong giới startup khi từng giữ chức vụ Giám đốc Toocha vào năm cô 25 tuổi. Thương hiệu trà sữa đang gây xôn xao trong thời gian gần đây với thương vụ thanh lý Tenren của The Coffee House.

Trước đó, Trân Phan cũng từng là giám đốc quản lý chuỗi thương hiệu trà sữa Toocha.

Toocha thời Trân Phan còn là giám đốc điều hành và quản lý đã được xây dựng từ một thương hiệu không tên tuổi nhanh chóng trở thành một thương hiệu sánh ngang với các thương hiệu trà sữa lớn khác như Koi, The Alley, Gongcha,... và thuộc top những thương hiệu trà sữa bán chạy nhất trên các ứng dụng Grab, GoViet, Now,...

 

 

Thu Trà
Cùng chuyên mục