Chấm dứt tình trạng một sản phẩm, hàng hóa có nhiều cơ quan kiểm tra chuyên ngành

Khương Lực Thứ ba, ngày 17/12/2019 14:03 PM (GMT+7)
Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ NN&PTNT đã thống nhất một cơ quan đầu mối kiểm tra chuyên ngành, đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ 7.698 dòng hàng xuống còn 1.778 dòng hàng, đạt tỷ lệ cắt giảm trên 77%.
Bình luận 0

Ngay từ đầu năm 2019, Bộ NN&PTNT đã triển khai đồng bộ hàng loạt các nhiệm vụ và giải pháp, hướng đến mục tiêu cuối cùng là giảm bớt thủ tục, thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị trực thuộc, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ để đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành. “Liên quan đến công tác về kiểm tra chuyên ngành, năm 2019 là năm chúng tôi đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật và để triển khai thực hiện trên thực tế” - bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) cho biết.

img

Trong năm 2019, Bộ NN&PTNT đã thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: B.H

Việc cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã được Bộ công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, trong đó quy định cụ thể cơ quan kiểm tra, phương thức kiểm tra có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính có liên quan tới nhập khẩu hàng hóa.

“Đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ động vật thì trước đây tổ chức, cá nhân phải đến kiểm tra chất lượng ở tại Cục Chăn nuôi và kiểm dịch tại Cục Thú y. Nhưng từ năm 2019, Bộ NN&PTNT đã kiên quyết loại bỏ và ở đây các tổ chức, cá nhân chỉ đến một cơ quan duy nhất là Cục Thú y để kiểm dịch” – bà Nguyễn Thị Kim Anh nêu ví dụ.

Không chỉ thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với các đơn vị thuộc Bộ, trong năm 2019, Bộ NN&PTNT đã đề xuất với Chính phủ phương án tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một số sản phẩm, hàng hóa còn chồng chéo giữa các Bộ.

Cụ thể, đối với một số sản phẩm, hàng hóa còn chồng chéo giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế đối với nguyên liệu sản xuất nước giải khát, sữa chế biến, các sản phẩm khác từ sữa, bột, tinh bột có nguồn gốc thực vật, chất hỗ trợ chế biến Casein và dược liệu, Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu các quy định pháp luật, thông lệ quốc tế, đánh giá cơ sở vật chất, nguồn lực; và ngày 3/7/2019, Bộ đã có công văn để đề xuất với Chính phủ giao cho Bộ thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với các sản phẩm, hàng hóa này.

Ngày 13/11/2019, Chính phủ đã có Nghị quyết số 99/NQ-CP giao cơ quan kiểm tra các mặt hàng chịu nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành này theo hướng:

Đối với một số nguyên liệu sản xuất nước giải khát: Giao Bộ NN&PTNT thực hiện kiểm tra chuyên ngành;

Đối với sữa chế biến và sản phẩm từ sữa: Giao Bộ Công thương chủ trì thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với sữa chế biến và sản phẩm chế biến từ sữa theo hướng chỉ định các cơ quan thú y vùng, cơ quan kiểm dịch động vật vùng có đủ điều kiện, năng lực thực hiện việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này. Cơ quan được chỉ định thực hiện đồng thời việc kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch theo quy định.

Bột, tinh bột có nguồn gốc từ thực vật: Giao Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu đối với bột, tinh bột. Bộ Công thương rà soát, cắt giảm các mặt hàng này trong danh mục hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Chất hỗ trợ chế biến casein: Giao Bộ NN&PTNT rã soát, loại bỏ các sản phẩm, hàng hóa là chất hỗ trợ chế biến casein ra khỏi danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Dược liệu: Giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế rà soát, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với các măt hàng dược liệu phải kiểm dịch.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem