Bắc Kạn: Ngang nhiên chặt hạ, xẻ gỗ trên đất lâm trường

Hoàng Chiến Thắng Thứ hai, ngày 01/06/2020 12:57 PM (GMT+7)
Hai người đàn ông trú tại thôn Lũng Lịa, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đã ngang nhiên chặt hạ, xẻ gỗ tự nhiên trên đất do Lâm trường Ngân Sơn quản lý, trước sự ngỡ ngàng của người dân địa phương.
Bình luận 0

Bắc Kạn: Ngang nhiên chặt hạ, xẻ gỗ tự nhiên trên đất lâm trường

Phản ánh tới PV Dân Việt, bà Hoàng Thị Thơm (tiểu khu 3, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, ông Hà Văn Tuấn và ông Nguyễn Văn Hưng (cùng trú tại thôn Lũng Lịa, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) ngày 3/5 đã chặt hạ hàng loạt cây gỗ tự nhiên trên đất được cho là do Lâm trường Ngân Sơn quản lý. Đất này bà Thơm có giấy chuyển nhượng viết tay từ năm 1987.

Bắc Kạn: Ngang nhiên chặt hạ, xẻ gỗ tự nhiên trên đất lâm trường - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Thơm chỉ khu vực rừng cây bị chặt hạ.

Theo bà Thơm, đất có cây bị chặt hạ trước đó được ông Vi Văn Chản khai phá và canh tác ổn định từ năm 1980, không có tranh chấp gì. 

Khi ấy, bà Thơm đang làm công nhân tại Đội 4 Lâm nghiệp Nà Phặc. Khi Đội 4 giải thể, bà đã dành dụm tiền mua lại của ông Chản khoảng 13.000m2 (gồm đất ruộng và rừng) với giá 800.000 đồng. 

Hiện bà vẫn còn giữ giấy chuyển nhượng đất và tài sản trên đất được viết tay, có người làm chứng.

"Sau nhiều năm canh tác, đất rừng bị "ót", tôi không canh tác nữa mà bảo quản cây tự nhiên, diện tích tôi để mọc tự nhiên gần 1ha. Trên phần đất này có nhiều cây gỗ Khảo Cài, Xạ Bốc… đặc biệt còn có cả hai cây Lim, tính đến thời điểm bị chặt hạ các cây này cũng có tuổi từ 20-30 năm", bà Thơm khẳng định.

Bắc Kạn: Ngang nhiên chặt hạ, xẻ gỗ tự nhiên trên đất lâm trường - Ảnh 2.

Diện tích bị chặt phá khá lớn và gần đường nhưng lại không được phát hiện kịp thời.

"Sáng 3/5, khi phát hiện các cây gỗ tự nhiên bị chặt hạ ở Lũng Lịa, tôi đã báo cơ quan chức năng, báo buổi sáng, đến chiều tối kiểm lâm và người của lâm trường mới vào. 

Khi vào đối tượng chặt hạ cây đã không còn ở đấy, chỉ phát hiện được một cưa xăng. Hôm sau việc kiểm đếm và lập biên bản mới được cơ quan chức năng thực hiện", bà Thơm nói.

"Sau đó họ còn chặt thêm 2 lần nữa, thời điểm chặt vào những ngày nghỉ, chúng tôi gọi cơ quan chức năng không thấy ai lên. Gia đình tôi rất bức xúc, nhất là thái độ của cán bộ khi làm việc với chúng tôi. 

Việc chặt phá những lần sau chúng tôi đều gọi điện thông báo nhưng ngoài lập biên bản lần đầu vào ngày 4/5, những lần chặt, đốt sau đó đều không lập biên bản hiện trường.

18h ngày 21/5, khi họ đốt rừng, gia đình tôi đã gọi điện cho Chủ tịch UBND thị trấn Nà Phặc. Chủ tịch UBND thị trấn có cho tiểu khu trưởng và công an viên, có cả người của lâm trường đến, dù bắt được người đang châm lửa đốt nhưng không lập biên bản. 

Theo tiểu khu trưởng, do không đủ thẩm quyền nên không lập được, còn cán bộ lâm trường thì ngồi đó. 18h ngày 22/5 họ lại đốt, chúng tôi gọi điện báo cơ quan chức năng nhưng không ai vào.

Bắc Kạn: Ngang nhiên chặt hạ, xẻ gỗ tự nhiên trên đất lâm trường - Ảnh 3.

Cây gỗ lim tại hiện trường vụ chặt hạ gỗ tự nhiên trên đất lâm trường.

Đến ngày 23/5, khi gia đình tôi có mặt tại nơi gỗ bị chặt hạ thì gặp ông Tuấn và ông Hưng gánh cây keo lên trồng trên đất tôi, hai bên to tiếng với nhau. 

Chúng tôi gọi cơ quan chức năng nhưng không ai vào, vợ tôi phải gọi trực tiếp cho bà Chu Thị Huyền, Chủ tịch UBND huyện, đến khi bà Huyền chỉ đạo, cán bộ mới đến lập biên bản về việc đốt và chặt rừng. 

Sau đó, gia đình tôi có xin giữ một tờ biên bản nhưng họ không cho", ông Vương Văn Thần (chồng bà Thơm) bức xúc.

Theo bà Thơm, chiều 31/5, gia đình bà phát hiện hai cây gỗ bị chặt hạ trước đó đã bị xẻ thành cột, có cây sau khi xẻ đã được mang đi. Khi gia đình gọi điện báo tin cho ông Dương Văn Thọ, Chủ tịch UBND thị trấn Nà Phặc, ông này nói rằng không ai trông từng gốc cây được. 

Trước nguy cơ các cây gỗ có thể tiếp tục bị xẻ và mang đi khỏi hiện trường, gia đình bà Thơm đã gọi cho Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm đề nghị đo đạc khối lượng cây bị chặt hạ.

Bắc Kạn: Ngang nhiên chặt hạ, xẻ gỗ tự nhiên trên đất lâm trường - Ảnh 4.

Hai trong số nhiều cây bị chặt hạ bị xẻ thành cột.

Điều đáng nói, khu vực có cây tự nhiên bị chặt hạ, đốt, xẻ mang đi rất quang đãng, từ trên đường vào thôn Lũng Lịa nhìn sang chỉ cách khoảng 500m đường chim bay, vị trí chặt hạ đập ngay vào mắt người đi đường. 

Vậy nhưng việc đốt phá trên không hề bị phát hiện, chỉ khi gia đình bà Thơm gọi điện báo Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn mới có cán bộ vào hiện trường.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hà Sỹ Thắng, Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn cho biết: "Chúng tôi đã nhận được thông tin về việc này và đã giao UBND huyện xem xét. UBND huyện Ngân Sơn đã có văn bản gửi UBND thị trấn Nà Phặc yêu cầu có báo cáo cụ thể, hiện vụ việc vẫn chưa có báo cáo lại".

Việc một số cán bộ thờ ơ khi nhận tin báo từ người dân về hành vi chặt hạ, đốt và xẻ gỗ tự nhiên thuộc đất rừng do Lâm trường Ngân Sơn quản lý khiến dư luận đặt câu hỏi có hay không việc dung túng cho hành vi trên? 

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem