13 mộ liệt sĩ hoá “mộ gió” ở Bắc Kạn: Khó xác định danh tính?

Chiến Hoàng Thứ sáu, ngày 29/05/2020 09:42 AM (GMT+7)
Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc trả lại danh tính cho các liệt sĩ thanh niên xung phong có lẽ không còn cơ hội.
Bình luận 0

Chiều 28/5, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức họp báo về việc khai quật tìm hài cốt liệt sĩ hy sinh khi vỡ đập hồ thủy lợi Tân Minh đêm 9/8/1968.

Mộ liệt sĩ hóa “mộ gió” ở Bắc Kạn: Việc trả lại tên cho các liệt sĩ có lẽ không còn cơ hội - Ảnh 1.

Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chủ trì họp báo.

Tại buổi họp báo, ông Lã Văn Hào - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn đã báo cáo chi tiết kết quả khai quật 9 ngôi mộ tại khu vực đồi Nà Coóc (thôn Quan Làng, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn).

Theo đó, 6h30 sáng 28/5, cơ quan chức năng đã tiến hành khai quật lại 9 mộ liệt sĩ tại nơi an táng đầu tiên ở khu đồi Nà Coóc. Kết quả, cả 9 ngôi mộ đều không tìm được hài cốt.

Mộ liệt sĩ hóa “mộ gió” ở Bắc Kạn: Việc trả lại tên cho các liệt sĩ có lẽ không còn cơ hội - Ảnh 2.

Đại tá Lã Văn Hào, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn báo cáo kết quả khai quật sáng 28/5.

Các mộ liệt sĩ được khai quật tại đồi Nà Coóc chỉ có các di vật như bát sắt, lược, bàn chải hiệu Thủ Đô, gương, quai dép, mũ cối, thắt lưng, bút…

Qua xin ý kiến, thân nhân các liệt sĩ đều nhất trí không lấy mà chôn cất lại ở vị trí ban đầu. Riêng di vật của liệt sĩ Hà Thị Sằm, gia đình xin được mang hiện vật về cất giữ.

Theo ông Lã Văn Hào, tổ công tác đã thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, đào bới độ sâu nhất, rộng nhất, khi có ý kiến của thân nhân liệt sĩ mới dừng. Kết quả đã lập biên bản từng mộ, có thân nhân các liệt sĩ chứng kiến, và không có gì thắc mắc thêm, khi khai quật xong đã lấp lại.

Mộ liệt sĩ hóa “mộ gió” ở Bắc Kạn: Việc trả lại tên cho các liệt sĩ có lẽ không còn cơ hội - Ảnh 3.

Công tác khai quật tại khu vực an táng đầu tiên ở đồi Nà Coóc, thôn Quan Làng.

Tại họp báo, đại diện tổ công tác cho biết, hiện vẫn chưa xác định được đơn vị thực hiện quy tập đầu tiên. Dù đã xác minh theo các ngành, đã làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên, báo cáo Quân khu I, nhưng vẫn chưa xác định được. Khi có thông tin mới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn sẽ tham mưu thêm. Đại diện tổ công tác thực hiện khai quật cũng khẳng định, vị trí hôm nay khai quật từng được khai quật trước đây.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Kạn khẳng định, những mộ được các gia đình tự bốc mang đi trước khi được quy tập về nghĩa trang huyện Bạch Thông đều có hài cốt và đã có văn bản xác nhận.

Mộ liệt sĩ hóa “mộ gió” ở Bắc Kạn: Việc trả lại tên cho các liệt sĩ có lẽ không còn cơ hội - Ảnh 4.

Khoảng 8h sáng 28/5, các di vật bắt đầu được tìm thấy.

Mộ liệt sĩ hóa “mộ gió” ở Bắc Kạn: Việc trả lại tên cho các liệt sĩ có lẽ không còn cơ hội - Ảnh 5.

Một số di vật được tìm thấy tại mộ liệt sĩ Hà Thị Sằm.

Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, trước đó đã chỉ đạo các cấp ngành vào cuộc. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn tìm kiếm hồ sơ theo ngành dọc từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên, cả Quân khu I, Sở LĐTBXH đã lục lại hồ sơ lưu giữ tại UBND huyện Bạch Thông, cử người xuống Thái Nguyên tìm trong kho lưu trữ, tìm kiếm nhân chứng di chuyển hài cốt từ điểm đầu tiên đến nghĩa trang liệt sĩ của huyện Bạch Thông.

"Hiện vẫn chưa tìm được hồ sơ nào liên quan đến chuyển mộ liệt sĩ từ nơi an táng ban đầu về nghĩa trang, xã không biết, huyện không biết. Kết quả khai quật hôm nay có thể khẳng định, địa điểm khai quật đã từng được khai quật", ông Hưng thông tin.

"Bước tiếp theo chúng tôi sẽ giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở LĐTBXH tiếp tục nghiên cứu tất cả các văn bản liên quan đến quy tập liệt sĩ thanh niên xung phong từ năm 1969 trở lại đây, xem cơ quan nào chịu trách nhiệm quy tập mộ liệt sĩ thanh niên xung phong; tìm nhân chứng quy tập lần 1 để tìm ra câu trả lời kịp thời nhất. Việc làm này, đề nghị xúc tiến nhanh, cố gắng trong vòng 2 tháng có báo cáo trả lời", ông Hưng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết thêm: "Quá trình tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ cũng như khai quật đã được thông tin chính xác đến các cơ quan báo chí, thân nhân gia đình liệt sĩ biết. Tỉnh Bắc Kạn đã cố gắng hết mức có thể và với tinh thần trách nhiệm cao, mong các cơ quan báo chí phản ánh chính xác để dư luận nắm đúng bản chất, hiện tượng trong việc này".

13 liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh đêm 9/8/1968 do vỡ đập thủy lợi hồ Tân Minh (thôn Quan Làng, xã Thanh Vận, tỉnh Bắc Kạn) được an táng tại đồi Nà Coóc của thôn Quan Làng.

Đến khoảng những năm 1980, các mộ liệt sĩ này đã được một đơn vị (chưa xác định được) quy tập về nghĩa trang liệt sĩ tại huyện Bạch Thông. Sau khi sửa chữa nâng cấp, các ngôi mộ này được quy tập về nghĩa trang mới và bỗng thành vô danh do không xác định được tên, tuổi, địa chỉ.

Để trả lại tên cho các liệt sĩ, năm 2019, Sở LĐTBXH đã tiến hành khai quật nhằm lấy mẫu xét nghiệm ADN. Kết quả khai quật lấy mẫu sinh phẩm đã khiến các thân nhân liệt sĩ ngỡ ngàng khi phát hiện trong những ngôi mộ này chỉ có đất và đá cục.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem