Anh Phó Bí thư tiên phong mở lối thoát nghèo cho người dân vùng cao Bắc Hà

Xuân Cường - A Chu Thứ sáu, ngày 28/07/2023 19:09 PM (GMT+7)
Anh Bàn Văn Thanh, (SN 1971), dân tộc Dao, Trưởng thôn Lùng Xa 1, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, (Lào Cai) đã “thổi luồng gió mới" giúp bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Bình luận 0
Anh Phó Bí thư tiên phong mở lối thoát nghèo cho người dân vùng cao Bắc Hà - Ảnh 1.

Tìm đường thoát nghèo

Có dịp về thăm thôn Lùng Xa 1, xã Cốc Ly, hỏi về anh trưởng thôn Bàn Văn Thanh, không ai là không biết. Bởi anh không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, mà còn là một trong những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, luôn gương mẫu, nhiệt tình với công việc, được người dân tin yêu, quý mến…

Trưởng thôn mở lối thoát nghèo ở xã vùng cao Lào Cai - Ảnh 1.

Anh Thanh Trưởng thôn Lùng Xa 1, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, (Lào Cai) giới thiệu mô hình trồng quế. Ảnh: Xuân Cường.

Tiếp chúng tôi, trong câu chuyện cởi mở, anh Thanh kể về quá trình vươn lên trong cuộc sống và tham gia công tác tại địa phương.  Anh Thanh sinh năm 1971 trong một gia đình nông dân nghèo dân tộc Dao. Do hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện học tập, anh Thanh ở nhà phụ giúp cha mẹ và lập gia đình năm 1993 và ra ở riêng, ban đầu cuộc sống còn gặp không ít khó khăn song hai vợ chồng trẻ bảo ban nhau lụng, phát triển kinh tế  vươn lên trở thành hộ trung bình khá trong thôn, xã. 

Bên cạnh đó, anh Thanh tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước tại địa phương và tạo dựng được uy tín, niềm tin yêu của bà con nhân dân. Năm 2003, anh Thanh vinh dự được kết nạp Đảng và tiếp đó năm 2004 được tín nhiệm bầu giữ cương vị bí thư chi bộ thôn cho đến tận năm 2013 làm trưởng thôn cho đến nay.

Với suy nghĩ "Trưởng thôn thì phải tốt, làm những việc có ích, có lợi cho bà con. Muốn dân hiểu, dân tin, dân làm theo, trước hết bản thân phải gương mẫu đi đầu các phong trào ở địa phương cũng như trong phát triển kinh tế gia đình", anh Thanh đã đầu tư trồng ngô hàng hóa, lúa lai, chăn nuôi gia súc trâu và dê, đặc biệt tập trung phát triển cây quế, từ đầu năm 2023 này, gia đình anh Thanh bắt đầu mở đại lý thu mua quế, giúp bà con nhân dân trong thôn, xã bớt vất vả trong vận chuyển, tiêu thụ quế thuận lợi. Bên cạnh đó anh còn tích cực giúp đỡ các hộ nghèo trong thôn vượt khó, vươn lên.

Anh Thanh cho biết rõ hơn: "Từ năm 2013, gia đình tôi bắt đầu đầu trồng quế, hiện có khoảng 3 vạn, trong đó gần 1 vạn cho thu hoạch cây, vỏ, còn lại bắt đầu cho tỉa cành, lá, tỉa cây non. Trung bình mỗi năm thu mấy chục triệu đồng. Có điều kiện gia đình giúp đỡ hộ nghèo thông qua tuyên truyền, vận động các hộ trồng quế, hướng dẫn, giúp các hộ nghèo vay vốn vài triệu đồng để đầu tư mua giống, phân bón không tính lãi, đến khi thu hoạch họ lại trả".

Trưởng thôn mở lối thoát nghèo ở xã vùng cao Lào Cai - Ảnh 2.

Anh Thanh mở đại lý thu mua quế non, quế tỉa giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản thuận lợi. Ảnh: Xuân Cường.

Gia đình anh Bàn Văn Thái, sinh năm 1988, dân tộc Dao, ở thôn Lùng Xa 1 vốn là một trong số nhiều hộ nghèo được anh Thanh giúp đỡ thoát nghèo. Năm 2004, anh Thái lập gia đình và ra ở riêng, vợ chồng sinh được 02 cháu trai và gái sau đó kế hoạch để làm ăn, sản xuất. Ban đầu do không có kinh nghiệm nên vợ chồng làm lụng vất vả mà vẫn nghèo khó.

 Anh Thái chia sẻ: Được anh Thanh truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ vốn giống không tính lãi lúc thời vụ, đặc biệt động viên và trực tiếp giúp gia đình các khâu, thủ tục vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo từ nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư cải tạo đất đai, nương đồi, trồng lúa nước 2 vụ/năm, trồng ngô hàng hóa và trồng trên 1,5 vạn cây quế đã được hơn 7 năm tuổi và đã cho thu hoạch tỉa cành lá, vỏ. Đến nay đã thoát nghèo, có điều kiện xây ngôi nhà mái bằng trị giá trên 250 triệu đồng hoàn thành vào đầu tháng 6 năm 2023 này.

Nhờ sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của anh Thanh, đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng, La Chí… Lùng Xa 1 nay không bỏ nương, đồi, rời quê, đi làm thuê xa, mà ở nhà, "bám đất, giữ làng", tích cực thi đua sản xuất,  phát triển kinh tế.  Đến nay, thôn đã trồng mới hơn 80 ha cây quế, trong đó có gần 70 ha đã và đang cho thu hoach, đem lại nguồn thu đáng kể cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào. Bên cạnh đó, trồng, cấy hơn 30 ha ngô, lúa 2 vụ/năm, phát triển chăn nuôi gia súc; nuôi trâu vỗ béo và dê. Đặc biệt đã có 10 hộ nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Cốc Ly, tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống. 

Lùng Xa 1 trở thành thôn đi đầu trong xã về mọi mặt, nhất là trong phát triển kinh tế, toàn thôn có 82 hộ thì có tới 35 hộ khá và giàu, 15 hộ trung bình, 12 hộ cận nghèo và chỉ còn 20 hộ nghèo; tỷ lệ nhà kiên cố đạt tiêu chuẩn trên 90%, nhiều hộ xây được biệt thự vườn, nhà xây cao tầng khang trang, mua được ô tô, xe con phục vụ đời sống- sản xuất và kinh doanh… tất cả đã tạo nên diện mạo khu vực quanh cầu Cốc Ly sầm uất, trù phú, Lùng Xa 1 vững bước trên đường đổi mới, hướng tới ấm no, giàu đẹp bản vùng cao bên dòng sông Chảy, Hồ thủy điện Cốc Ly thơ mộng.

Sôi nổi phong trào hiến đất làm đường, mở lối thoát nghèo

Không chỉ đi đầu, gương mẫu trong phát triển kinh tế, giúp dân thoát nghèo, trưởng thôn Bàn Văn Thanh đã gương mẫu, tận tụy, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Đặc biệt trên mặt trận tư tưởng, anh Thanh đã gương mẫu đi đầu thực hiện và miệt mài tuyên truyền, vận động giúp bà con người Mông, Dao, Tày, Nùng và La Chí trong thôn nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết, tích cực thi đua yêu nước, tham gia hiến đất, cây cối, đóng góp, công sức, tiền của  làm đường giao thông thôn nông thôn để chung sức xây dựng nông thôn mới ấm no, trù phú đang dần hiện hữu.

Được tín nhiệm bầu giữ cương vị Bí thư Chi bộ thôn trong thời gian dài, theo quy định mới Nhà nước về chuẩn hóa bằng cấp, chức danh và quy định Đảng về bầu cử, anh Thanh tự nguyện xin thôi song với uy tín của bản thân, anh lại được bầu giữ cương vị trưởng thôn, phó bí thư chi bộ. Trong suốt quá trình công tác, bản thân anh Thanh luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện và cống hiến. 

Theo anh chia sẻ chính việc tiếp thu Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, quy định số 08, rồi Quy định số 28 và nay là quy định 368 của Tỉnh ủy Lào Cai về  "Học tập, làm theo và nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", trong đó nhấn mạnh vai trò nêu gương trong học Bác và tiếp thu nội dung  Nghị quyết số 35 "Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới", đã giúp bản thân nhận thức sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, bản thân luôn trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc được giao.

Trưởng thôn mở lối thoát nghèo ở xã vùng cao Lào Cai - Ảnh 3.

Anh Thanh giới thiệu khu đất hiến mở đường giao thông nông thôn giúp bà con đi lại thuận lợi. Ảnh: Xuân Cường.

Và thực tế đã chứng minh khi thôn Lùng Xa 1, xã Cốc Ly có 82 hộ, với trên 300 khẩu, thuộc 5 dân tộc anh em chung sống đoàn kết, gồm người Mông, Dao chiếm trên 80%, còn lại 20% dân số là người Tày, Nùng, La Chí và Kinh. Trước đây, đời sống nhân dân thôn Lùng Xa 1 còn gặp không ít khó khăn. Nguồn thu nhập chính của người dân từ trồng quế, trồng ngô, lúa 2 vụ/năm, trong khi đó, đường giao thông chính vừa nhỏ, vừa xuống cấp nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp không ít khó khăn. 

Khi bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông, lãnh đạo xã Cốc Ly gặp không ít khó khăn bởi để tiêu chí này đạt chuẩn thì phải có sự đồng tình ủng hộ của người dân, nhất là việc tự nguyện hiến đất, cây cối để mở rộng đường. Khi triển khai, một số hộ dân chưa hiểu, không chịu hiến đất, phá bỏ cây  quế để làm đường.

Trước khó khăn đó, trưởng thôn Bản Văn Thanh đã cùng các đồng chí trong cấp ủy và các đảng viên trong chi bộ thôn xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà". Sau đó chia thành các nhóm đi đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động, phân tích cái được, cái mất và lợi ích lâu dài cho người dân hiểu, đồng tình ủng hộ. Ngoài tuyên truyền, vận động, bản thân gia đình anh Thanh đã tự nguyện hiến hơn 2000m2 đất trồng quế, hơn 500 trăm cây quế đã đến tuổi thu hoạch để mở đường ra sân vận động trung tâm xã và đường nội đồng ra khu sản xuất của thôn, 

Anh Bàn Văn Thanh cho hay: "Nếu mở đường vào đất của mình thì mình sẵn sàng hiến. Trước tiên là để bà con nhìn vào thì sau mình mới vận động được chứ. Mình đã hiến hơn 2000 mét vuông đất. Trong quá trình vận động gặp nhà hiểu biết thì dễ thôi, nhưng cũng có nhà không hiểu, hay cố tình không hiểu, người ta cứ ỳ ra, không đồng ý và mình phải vận động đi, vận động lại mới được".

Nhờ sự gương mẫu đi đầu tự giác hiến đất, miệt mài tuyên truyền, vận động, đả thông tư tưởng người dân thôn Lùng Xa 1 đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm tự nguyện hiến hiến hàng nghìn mét vuông đất để cuối năm 2022 và đầu năm 2023 xây dựng hoàn thành mở rộng và đổ bê tông 01 tuyến đường liên thôn từ Lùng Xa 1 lên thôn Làm Pàm, có độ dài 1,6km, rộng 6m, đổ bê tông 4m trên địa bàn thôn, 01 tuyến nội đồng dài 700m và tuyến đường ra sân vận động trung tâm xã dài 400m.

Trưởng thôn mở lối thoát nghèo ở xã vùng cao Lào Cai - Ảnh 4.

Khu vực trung tâm thôn Lùng Xa ngày một đổi mới, khởi sắc. Ảnh: Xuân Cường.

Anh Bàn Văn Thanh cho biết thêm: "Ở thôn mình năm 2023 này có làm 1 tuyến đường Lùng Xa 1 - Làng Pàm hiện cũng đã làm xong đường bê tông. Nhà nước đầu tư, nhân dân hiến đất, rồi tôi cũng vận động suốt đấy! Dân cũng đồng ý hết. 

"Đồng chí Thanh là người luôn gương mẫu đi đầu, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, làm đường nội đồng để bà con đi làm nương, ruộng thuận lợi, theo đúng tinh thần trưởng thôn làm trước, người dân tiếp bước noi theo…" - Bà Thào Thị Sáo, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà nhấn mạnh.

Điển hình trong phong trào này là gia đình anh Bồng Đức Thành. Đây là gia đình cùng với nhà trưởng thôn Bàn Văn Thanh là 02 hộ hiến nhiều đất và cây quế nhất thôn. Trong năm 2022 và đầu năm 2023, gia đình anh Thành đã 02 lần hiến hơn 1.000m2 đất trồng quế để làm đường liên thôn Lùng Xa 1- Làm Pàm  và tuyến nội đồng trong thôn. 

Khi được hỏi động lực hiến đất mở đường, anh Thành tâm sự: "Gia đình có hiến đất cho Nhà nước làm đường giao thông nông thôn mới. Chặt bỏ hơn 500 cây quế 7 năm tuổi đang cho thu hoạch để làm 02 tuyến đường rồi! năm nay tính ra nhà cũng bị mất tương đối nhiều đất song gia đình sẵn sàng hiến cho vì Nhà nước hỗ trợ làm đường cho nhân dân đi lại thuận lợi! không có đền bù, gia đình thiệt hại nhiều song giúp dân để có đường nông thôn mới, để cho dễ phát triển kinh tế".

Năm 2022, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Cốc Ly đã khen thưởng 42 hộ và đề xuất cấp trên khen thưởng, trong đó thôn Lùng Xa 1 có 15 hộ và hiện nay đang lên danh sách 10 hộ hiến đất làm đường nội đồng để tiếp tục đề nghị khen thưởng năm 2023. Những con đường ý Đảng, lòng dân đồng thuận hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp bà con đi lại thuận lợi, trao đổi, buôn bán hàng hóa, nông sản, giao lưu văn hóa, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. 

Qua đó, bà con nhân dân trong thôn xã thêm tin yêu trưởng thôn Bàn Văn Thanh, cũng như thêm niềm tin trọn vẹn với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, anh Tráp Văn Nam, người dân thôn Lùng xa 1 xã Cốc Ly bày tỏ; 'ông Thanh hiến đất để mở đường giao thông là rất tốt rồi! là một trưởng thôn gương mẫu cho dân noi theo. Thấy trưởng thôn hiến đất là bà con cũng hưởng ứng theo sau, nhà nào vướng ở đâu thì hiến ở đó! Hiến đất, mở đường nông thôn mới, bà con đi lại ruộng đồng thuận lợi rồi!". 

Trưởng thôn mở lối thoát nghèo ở xã vùng cao Lào Cai - Ảnh 5.

Cống hiến của anh Bàn Văn Thanh, trưởng thôn Lùng Xa 1 đã và đang góp sức xây dựng nông thôn mới vùng cao Cốc Ly ngày một khởi sắc. Ảnh: Xuân Cường.

Còn anh Bồng Văn Thủy, cựu chiến binh thôn Lùng Xa 1 tự hào bảo: "Mình thấy anh trưởng thôn rất gương mẫu, anh hiến rất nhiều đất làm đường nội đồng. Vận động nhân dân hiến đất làm tuyến đường lên thôn làng Pàm. Lúc đầu dân cũng không đồng ý nhưng về sau anh vận động tất cả cũng nghe theo và nhất trí hiến đất mở đường".

Bên cạnh đó, trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, anh Thanh cùng cấp ủy xác định các tiêu chí NTM mà thôn đang gặp khó khăn để tìm giải pháp tháo gỡ; đồng thời, tổ chức họp dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân về xây dựng NTM. Anh đã cùng với cán bộ các đoàn thể bám sát cơ sở, sâu sát, gần gũi với người dân, huy động sức mạnh nội lực của Nhân dân trong xây dựng NTM. Nhờ đó đến nay, diện mạo nông thôn mới  Lùng Xa 1  khởi sắc. 

Thôn có 82 hộ thì tỷ lệ nhà xây nhà mái bằng, nhà 02 tầng, biệt thự vườn đạt hơn 60%, nhiều nhà sắm được xe tải để chở hàng buôn bán, xe ô tô con để đi lại, 100% tuyến đường trong thôn được bê tông hóa, nhựa hóa, thôn đã làm được tuyến đường hoa sắc mới thôn quê khang trang; 90% hộ dân xây dựng được vườn mẫu sạch đẹp... góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

Chia tay Lùng Xa 1, vùng cao Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, tin tưởng với sự cố gắng, nỗ lực, miệt mài cống hiến, gương mẫu nhiệt tình, trách nhiệm của trưởng thôn Bàn Văn Thanh đã và đang giành được sự tin yêu và trên hết tạo dựng cho người dân trong thôn niềm tin tưởng tuyệt đối vào  sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, đoàn kết, chung sức, chung lòng  xây dựng cuộc sống mới ấm no đang hiện hữu trên bản vùng cao đang chuyển mình mạnh mẽ, vững bước trên con đường đổi mới.

Anh Phó Bí thư tiên phong mở lối thoát nghèo cho người dân vùng cao Bắc Hà - Ảnh 8.

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem