Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc: Có kẽ hở trong kiểm soát mã số vùng trồng

Phi Long Thứ ba, ngày 19/09/2023 11:03 AM (GMT+7)
Tình trạng các doanh nghiệp "ăn cắp" mã vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng được cơ quan chức năng nhận định là có kẽ hở của các quy định hiện hành.
Bình luận 0

Quy trình "bắt sâu" cho sầu riêng trước khi xuất khẩu được các doanh nghiệp có mã vùng trồng triển khai rất nghiêm túc

"Ăn cắp" mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng

Câu chuyện quản lý mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng đã được lãnh đạo Bộ NNPTNT nhận định là đang không như mong muốn, có diễn biến phức tạp.

Phản ánh tới Báo Dân Việt, một số doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng ở Lào Cai, Lạng Sơn cho biết, họ đã bị một số doanh nghiệp "ăn cắp"  mã số vùng trồng để xuất khẩu.

Cụ thể, ông N. V.C cho biết, công ty của ông có mã số vùng trồng sầu riêng ở Đắk Lắk. Qua theo dõi ông C đã phát hiện sáng ngày 13/9 các xe container 50h 21… số thùng hàng SEGU 955…;  xe container 20H007.. số thùng hàng SEGU 951…; xe container 50h07.. số thùng hàng SEGU 951… khi làm thủ tục xuất khẩu sầu riêng ở Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) đã tự ý dán các mã số vùng trồng của công ty ông N.V.C và các công ty khác.

Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc: Có kẽ hở trong kiểm soát mã số vùng trồng- Ảnh 1.

Đối với doanh nghiệp có mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu, thông thường sẽ thuê đơn vị chuyên nghiệp để "bắt sâu" cho sầu riêng trước khi xuất khẩu để đảm bảo kiểm soát tốt dịch hại. Ảnh: PL

"Ngày 14/9, một xe container khác còn ngang nhiên sử dụng cả 1 container dán toàn bộ mã số vùng trồng của công ty tôi mà không hề có sự uỷ quyền nào", ông N.V.C bức xúc cho biết.

Bức xúc trước thực trạng trên, một số công ty đã gửi văn bản tới Cục BVTV, Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai đề nghị vào cuộc làm rõ để đảm bảo quyền lợi của bà con nông dân.

Văn bản nêu rõ, hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng qua cửa khẩu Lào Cai đã tự ý in, dán tem mã số vùng trồng cho các container có nguồn gốc không rõ ràng và sử dụng mã đã hết hạn sản lượng để xuất khẩu, tự ý sử dụng mã số vùng trồng mà không được sự đồng ý của các công ty sở hữu mã số vùng trồng sầu riêng.

Cụ thể, các mã số vùng trồng bị "ăn cắp" nhiều nhất là: VN DLOR 0110; VN DLOR 0070; VN DL OR 0103; VN TG OR 0228; VN TGOR 0065…

"Việc tự ý lấy mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng như hiện nay không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế cho các công ty sở hữu mã số vùng trồng mà còn dẫn tới không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ bị phía Trung Quốc gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng. Từ đó, gây ra thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp có sở hữu mã số vùng trồng", ông N.V.C nói.

Theo ông N.V.C, bản thân các doanh nghiệp tự ý dán tem mã số vùng trồng mà không được sự đồng ý, thực chất là lấy sầu riêng ở vùng không rõ nguồn gốc, sau đó "hô biến" thành sầu riêng ở vùng có mã số vùng trồng của doanh nghiệp khác để xuất khẩu. 

Do đó, các doanh nghiệp đi "ăn cắp" mã số vùng trồng này sẽ thường không để ý tới chất lượng sầu riêng, kể cả các công đoạn kiểm soát dịch bệnh nên dẫn tới nguy cơ bị phía Trung Quốc gửi thông báo vi phạm là rất lớn.

Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc: Có kẽ hở trong kiểm soát mã số vùng trồng- Ảnh 2.

Sầu riêng sau khi được "bắt sâu", đánh bóng mới đóng gói để chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: PL

"Đá bóng" trách nhiệm cho nhau

Theo tìm hiểu của phóng viên, quy trình xuất khẩu sầu riêng tại cửa khẩu Lào Cai hiện có các đơn vị quản lý chính bao gồm: Hải quan, Kiểm dịch thực vật, Sở Công Thương. Tuy nhiên, việc kiểm soát mã số vùng trồng của các doanh nghiệp tới khâu có giấy uỷ quyền của doanh nghiệp này cho doanh nghiệp kia hay không thì các cơ quan chức năng đều cho biết không thuộc trách nhiệm của họ.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Phúc – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho biết: Từ đầu năm tới nay, có gần 40.000 tấn sầu riêng với giá trị khoảng 150 triệu USD xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. Lượng sầu riêng xuất khẩu cũng có xu hướng tăng trong thời gian gần đây qua cửa khẩu của Lào Cai.

Ông Phúc cũng cho biết, hiện tại có tới 90% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai là các đơn vị đã khai báo hải quan thủ tục xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. "Có thể họ uỷ quyền làm thủ tục nên chủ yếu là doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai khai báo thủ tục hải quan", ông Phúc nhận định.

Theo ông Phúc, về thủ tục hải quan cũng không yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh mã số vùng trồng đối với sầu riêng hay các mặt hàng hoa quả xuất khẩu khác. Mã số vùng trồng là thủ tục doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, ông Trần Văn Hoàng – Chi cục trưởng Chi Cục kiểm dịch thực vật Vùng 8 cho biết: Hiện quy trình của kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu thì chỉ lấy mẫu theo tỉ lệ quy định để kiểm tra dịch hại. Đồng thời, kiểm tra mã số vùng trồng có đúng không, còn thời hạn và sản lượng hay không.

Theo ông Hoàng, liên quan tới uỷ quyền của doanh nghiệp này cho doanh nghiệp kia sử dụng mã số vùng trồng thì kiểm dịch thực vật không có chức năng kiểm tra, đó là giao dịch dân sự giữa hai bên. Thậm chí, có cả trường hợp các doanh nghiệp còn làm giả cả giấy uỷ quyền mà phía công an cũng đã vào cuộc xác minh.

Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc: Có kẽ hở trong kiểm soát mã số vùng trồng- Ảnh 4.

Ông N.V.C bức xúc cho biết, có doanh nghiệp còn ngang nhiên sử dụng cả 1 container dán toàn bộ mã số vùng trồng của công ty ông mà không hề được sự ủy quyền để xuất khẩu sầu riêng. Ảnh: N.V.C

Tương tự, một cơ quan khác là Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cũng quản lý về việc cấp CO khi xuất khẩu. (CO - Certificate of Origin – Chứng nhận xuất xứ hàng hóa là chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa của quốc gia (nước xuất khẩu) để hàng hóa đó được phân phối trên một quốc gia, vùng lãnh thổ khác giúp hàng hóa thuận lợi hơn về mặt thuế quan - PV).

Sau khi đặt lịch làm việc, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lào Cai giao cho ông Nguyễn Hoàng Giang là chuyên viên phòng Quản lý xuất nhập khẩu trả lời các câu hỏi của phóng viên.

Liên quan tới quy trình thủ tục cấp CO xuất khẩu sầu riêng, ông Giang cũng cho biết, giấy uỷ quyền của các doanh nghiệp với nhau cho sử dụng mã số vùng trồng hay không là không có trong thủ tục khi cấp CO.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, để được cấp CO thì phải nộp bảng kê thu mua sầu riêng, có xác nhận của địa phương. "Nếu có bảng kê thu mua thì chỉ cần đối chiếu là sẽ thấy doanh nghiệp nào có mã vùng trồng thật, doanh nghiệp nào đi "ăn cắp" mã vùng trồng của đơn vị khác để xuất khẩu", ông N.V.T, một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng ở Bình Thuận cho biết.

Chúng tôi gửi lại toàn bị hình ảnh về số container, số thùng hàng và mã số vùng trồng mà ông N.V.C trước đó phản ánh tới Báo Dân Việt là bị một đơn vị khác "ăn cắp" mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng, đề nghị ông Nguyễn Hoàng Giang, đại diện cho Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu của Sở Công Thương tỉnh Lào Cai tra cứu lại.

Ban đầu, ông Giang đồng ý hẹn có thời gian tra cứu, nhưng sau đó lại cho biết: "Bảng kê thu mua là bí mật của doanh nghiệp, không thể cung cấp cho báo chí được. Phòng Quản lý xuất nhập khẩu chỉ là đơn vị trực thuộc của Cục Xuất nhập khẩu nên phải hỏi ở Cục Xuất nhập khẩu".

Theo đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu, rõ ràng quy trình kiểm soát xuất khẩu sầu riêng nói riêng và các sản phẩm nông sản khác có mã số vùng trồng nói chung đang có "kẽ hở". Việc kiểm soát đầu vào và đầu ra chưa "ăn khớp" và chưa quy rõ trách nhiệm cho các đơn vị kiểm soát, từ đó dẫn tới tình trạng một số doanh nghiệp vì lợi nhuận đã "ăn cắp" mã số vùng trồng để xuất khẩu mà không bị xử lý dứt điểm.

Nếu không kiểm soát tốt mã số vùng trồng sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ, thiệt hại lớn nhất là bị các nước nhập khẩu gửi thông báo vi phạm và tạm dừng nhập khẩu.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Theo ông Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ NNPTNT, hiện có gần 7.000 mã số vùng trồng nhưng trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng, với 439 trường hợp vi phạm.

Ông Trung nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhiều lần liên tiếp cảnh báo, yêu cầu chấn chỉnh nhưng chuyển biến ở các địa phương qua việc quản lý, cấp mã số vùng trồng tiến triển rất chậm, thậm chí có những nơi còn tệ hơn.

Nếu cứ tiếp tục vi phạm về mã số vùng trồng, trong thời gian tới, theo ông Trung, Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp tăng cường như cho ngừng nhập khẩu.

"Và với diện tích sầu riêng hiện nay, chúng ta bán đi đâu. Kể cả thanh long, xoài nữa, cũng như vậy. Khi đó chúng ta yêu cầu đàm phán lại thì mất thời gian từ 3-5 năm nữa" - ông Trung nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem