94 công ty sản xuất thực phẩm chức năng đạt tiêu chuẩn GMP

P.V Thứ hai, ngày 28/10/2019 12:00 PM (GMT+7)
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tính đến ngày 15/10, cả nước có 94 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận GMP trong sản xuất thực phẩm chức năng (thực phẩm bảo vệ sức khỏe).
Bình luận 0

Theo đó, căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, từ năm 2018- 2019, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với các đơn vị tiến hành đánh giá, thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn các tỉnh/thành phố. Theo đó, tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices) là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất).

img

Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Nam Dược đã đạt tiêu chuẩn GMP nhiều năm nay. Ảnh D.L

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 15/10, cả nước có 94 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận GMP trong sản xuất thực phẩm chức năng. 

Theo quy định, từ từ 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng phải có giấy chứng nhận GMP thì mới được sản xuất. Cục đã có văn bản đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra của các địa phương tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng trên địa bàn, nếu doanh nghiệp chưa có chứng nhận GMP mà vẫn sản xuất thì phải xử lý nghiêm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Với tiêu chuẩn GMP, các nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng phải đạt các yêu cầu tiêu chuẩn về nhà xưởng, máy móc sản xuất, nhân công vận hành sản xuất, nhân viên quản lý sản phẩm, nguyên liệu cũng phải đảm bảo chất lượng, sạch từ khâu nuôi trồng, chế biến, bảo quản. Các hồ sơ thể hiện quá trình nuôi trồng, thu hái, bao gói, bảo quản, lưu kho vận chuyển, lưu thông đối với nguyên liệu nhập về cho sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe… chứ không chỉ là hóa đơn chứng từ về nguồn gốc. Cùng với đó, hệ thống kiểm nghiệm cũng phải đạt yêu cầu.

PGS Phong cho biết, các sản phẩm thực phẩm chức năng được sản xuất từ trước ngày 1/7/2019 vẫn được lưu hành, còn các sản phẩm sản xuất sau ngày 1/7/2019, tổ chức, cá nhân phải bổ sung giấy chứng nhận GMP của nhà sản xuất vào hồ sơ và thông báo về Cục An toàn thực phẩm trước khi cho lưu thông sản phẩm.

Nếu như trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thay đổi nhà sản xuất:thông báo (có nội dung bổ sung giấy chứng nhận GMP và cam kết sản phẩm được sản xuất đúng theo hồ sơ công bố đã được cấp) kèm theo giấy chứng nhận GMP của nhà sản xuất.

Còn trường hợp tổ chức, cá nhân thay đổi nhà sản xuất (không thay đổi xuất xứ): thông báo (có nội dung thay đổi nhà sản xuất và cam kết sản phẩm được sản xuất đúng theo hồ sơ công bố đã được cấp) kèm theo giấy chứng nhận GMP của nhà sản xuất mới, Giấy chứng nhận lưu hành tự do có tên và địa chỉ của nhà sản xuất mới và tiêu chuẩn sản phẩm của nhà sản xuất mới (chỉ áp dụng đối với trường hợp đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 của Chính phủ).

Trước khi áp dụng quy định GMP, Việt Nam có hơn 4000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng. Việc các cơ sở sản xuất “bát nháo” không có tiêu chuẩn khiến cho việc cạnh tranh giữa các sản phẩm thiếu công bằng, chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng không đồng đều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, túi tiền của người tiêu dùng.

 “Cục An toàn thực phẩm hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong việc hoàn thiện hồ sơ để thẩm định đạt tiêu chuẩn GMP trong sản xuất thực phẩm chức năng. Chúng ta có nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng tốt thì sẽ có nhiều sản phẩm tốt phục vụ người tiêu dùng, và cũng sẽ loại bỏ đi dần những sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn” – PGS Phong nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem