Vì sao bưởi da xanh khó sống "thọ" ở đất Bắc?

Thuần Việt Thứ năm, ngày 10/10/2019 18:30 PM (GMT+7)
Cây bưởi da xanh khi mới trồng ở các tỉnh miền Bắc phát triển rất tốt, năm thứ 3 đã cho quả bói. Nhưng cứ sau mỗi vụ thu hoạch, cây bưởi có dấu hiệu lụi dần, bài học về phát triển ồ ạt theo phong trào một lần nữa được nhắc đến.
Bình luận 0

Chạy theo phong trào

Mấy năm gần đây, diện tích cây có múi, trong đó có bưởi da xanh ở các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái và đặc biệt ở tỉnh Sơn La tăng lên chóng mặt. Cây bưởi, cây cam trước đây bà con chỉ trồng ở vùng đất bằng phẳng và tươi tốt, nay nó đã được trồng trên đồi cao. Nhiều vùng san đồi, bạt núi để trồng cây có múi.

Trong ma trận giống bưởi "bủa vây" nông dân bởi những lời quảng cáo đầy hấp dẫn của người bán giống, bà con chưa cần khảo nghiệm mà lao vào trồng như “thiêu thân”. Sau 4-5 năm chăm sóc, bà con hy vọng sẽ thu được những vụ mùa bội thu nhưng lại nhận kết đắng. Cây có cho quả, nhưng chất lượng không đạt. Nhiều giống bưởi trở thành nỗi thất vọng của người trồng.

img

 Ông Bùi Đức Biên kiểm tra vườn cam, vườn bưởi của gia đình. (Ảnh: Thuần Việt)

Giống bưởi da xanh xuất xứ từ miền Nam được đưa vào trồng ồ ạt tại miền Bắc là một điển hình. Bưởi da xanh dễ trồng, dễ chăm sóc, nhưng cây lại có tuổi thọ rất thấp. Anh Bùi Văn Biên (xã Kim Truy, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) có vườn bưởi rộng 3ha. Trong đó anh trồng mấy trăm cây bưởi da xanh. Năm nay vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch. Nhìn vườn bưởi tươi tốt, nhưng anh lại cảm thấy lo lắng, vì hiện tại nhiều cây bưởi da xanh đang tươi tốt, giờ lá đã ngả sang màu vàng.

Ông Lê Dung (ở xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc, Hòa Bình) là người trồng bưởi da xanh nhiều nhất xã với quy mô cả nghìn cây. Đến giờ sau gần chục năm, vườn bưởi cứ lụi dần không có cách nào cứu chữa. "Mấy năm đầu thu hoạch, bưởi rất sai quả, có quả nặng tới 3kg. Nhưng càng về sau, bưởi cứ chết dần" - ông Dung tiếc rẻ.

Vì sao bưởi da xanh nhanh tàn? 

Nhiều diện tích trồng bưởi da xanh ở miền Bắc mắc các bệnh thối gốc, chảy mủ; vàng lá thối rễ; vàng lá gân xanh. Hầu hết các vườn bưởi bị chết và bị tàn lụi là do mắc phải những bệnh trên. Giống bưởi da xanh khi bị bệnh sẽ rất khó chữa”.
Ông Bùi Đức Biên - Chủ tịch Hội ND huyện Cao Phong (Hòa Bình)

Do trồng bưởi da xanh không hiệu quả, hiện một số nhà vườn đã bắt đầu chặt cây hoặc trồng xen cây khác. Thế nhưng, giống bưởi da xanh vẫn đang được ghép và chiết, bán tràn lan ở khắp các tỉnh thành của miền Bắc. Người bán giống thì quảng cáo thật tốt, bán được hàng là họ thu được lợi nhuận. Bà con nông dân mang cây về trồng phải mất 5-6 năm mới bắt đầu thu hoạch. Khi mua phải giống cây kém chất lượng, bao công lao của bà con thành công cốc.  Điều đáng nói là, hiện nay không có một đơn vị nào quản lý về xuất xứ cũng như chất lượng giống.

Mua phải giống kém chất lượng chỉ là một nguyên nhân dẫn đến cây bưởi da xanh bị bệnh. Theo ông Bùi Đức Biên-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Phong, trên cùng một diện tích, cùng một địa bàn, trong cùng một vườn, bà con trồng các giống bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, cây phát triển rất tốt. Riêng cây bưởi da xanh lại phát triển kém, đặc biệt là khi cây ở độ tuổi thứ 6, thứ 7.

Theo ông Biên, nguyên nhân bưởi da xanh trồng ở đất Hòa Bình nhanh lụi thì có nhiều. Nhưng qua những nhà vườn mà ông Biên tìm hiểu, ông chỉ ra một số bệnh mà cây bưởi da xanh hay mắc phải.

Trước hết là bệnh thối gốc, chảy mủ, biểu hiện là trên cây bưởi có những vết nhũn nước, nhựa chảy ra ở phần gốc, lúc đầu có màu vàng, và khô cứng lại có màu nâu sau đó. Vết bệnh sau cùng khô và nứt, ngay vết bệnh vỏ trong bong ra. Vòng quanh thân hoặc rễ chính bệnh phát triển rất nhanh, làm lá bị vàng, nhất là gân lá, kế đó lá rụng, còn khi lá trên cành đã rụng gần hết, cành khô chết là lúc cây đã bị bệnh nặng.

Nhiều vườn bưởi cũng bị bệnh vàng lá thối rễ. Trong mùa mưa lũ hoặc sau khi tưới nước ra hoa (khi trái đã lớn), bệnh thường gây hại nặng nhất. Cây bị bệnh, gân lá có màu vàng trắng, phiến lá ngả màu vàng xanh và rụng đi...

Một loại bệnh nữa là vàng lá gân xanh. Biểu hiện cụ thể là lá bưởi bị vàng lốm đốm nhưng gân vẫn còn xanh, gân bị sưng rồi trở nên cứng và uốn cong ra ngoài. Cây thường cho hoa và trái nghịch mùa nhưng dễ rụng, quả nhỏ, méo mó và có nhiều hạt lép đen. Hệ thống rễ cũng bị thối nhiều. Do vi khuẩn Liberobacter asiaticus, rầy chổng cánh (Diaphorina citri) làm môi giới truyền bệnh, mầm bệnh không lưu truyền qua trứng rầy và hạt giống.

“Giống bưởi da xanh khi bị bệnh sẽ rất khó chữa” – ông Biên nói.

Theo ông Biên, nói việc bưởi da xanh không hợp với thổ nhưỡng, khí hậu miền Bắc cũng chưa có cơ sở. Thực tế có nhiều nhà vườn ở miền Bắc trồng bưởi da xanh vẫn thu hoạch đều. Cây bưởi phát triển tốt sau 20 năm trồng. Họ hoàn toàn sống khỏe nhờ trồng bưởi da xanh. Giống bưởi này vẫn là cơ hội để bà con làm giàu nếu như nó được quan tâm đúng mức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem