Tôi là nông dân 4.0: Nơi robot gieo hạt tự động "made in nông dân"

Nông dân Phạm Văn Hát (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) Thứ hai, ngày 13/11/2017 06:30 AM (GMT+7)
Ý tưởng ra đời robot có từ cách đây hơn hai năm khi tôi qua vùng trồng cà rốt ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Khi đó, nông dân dùng máy gieo hạt kéo tay nhưng hạt gieo vẫn không đều và mất nhiều công tỉa bớt... Tôi về suy nghĩ rất nhiều, và bằng những kiến thức đã học được trong quá trình đi xuất khẩu lao động ở Israel, tôi đã ngày đêm nghiên cứu, mày mò tìm cách sáng chế ra "robot gieo hạt tự động".
Bình luận 0

Mất hơn một năm nghiên cứu, thử đi, thử lại nhiều lần, đến cuối năm 2012 máy gieo hạt của tôi cũng được hoàn thiện. Năng suất của robot gieo hạt có thể tương đương 30 - 40 lao động và tiết kiệm đến 30% hạt giống. Hiện, đã có rất nhiều nông dân trên cả nước đặt mua robot gieo hạt của tôi đấy.

Gọi là robot vì máy có khả năng tự động gieo các loại hạt theo thiết kế. Máy tự động gieo hạt rau củ quả trên luống thẳng rộng 1m, số lượng 40 hạt trên một hàng và khoảng cách giữa các hạt được thu hẹp và ổn định chỉ còn 3cm.

Theo tính toán của tôi, máy gieo một lạng hạt giống (khoảng 10.000 hạt) như su hào, súp lơ, bắp cải... chỉ trong 25 phút. So với việc gieo hạt bằng tay, năng suất được tăng lên đến 80 lần, khoảng cách hạt đồng đều, đảm bảo theo tiêu chuẩn, do đó không mất công nhổ tỉa cây thừa, dễ chăm sóc và thu hoạch hơn.

Vừa sáng chế tôi vừa tích cực tra cứu các tài liệu khoa học công nghệ của các nước để có thêm kiến thức sản xuất. Tính đến thời điểm này, tôi đã sáng chế và cải tiến được 15 loại máy móc như: Máy cày 2 lưỡi, 4lưỡi, máy bỏ phân… Không chỉ sản xuất cung cấp cho gia đình dùng, tôi còn bán hàng trăm máy các loại cho nông dân cả nước sản xuất, làm giàu.

Robot gieo hạt đã mang lại cho tôi giải Nhất hội thi “Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ 8” năm 2012 - 2013, giải Khuyến khích cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 5” năm 2013 và giải Nhất cuộc thi “Nhà sáng chế” năm 2014, Huân chương Lao động hạng Ba...

Từng là người có cơ hội tiếp cận sớm với khoa học công nghệ tại các nước phát triển, tôi thấy rằng, để ứng phó cũng như tận dụng được cơ hội mà CMCN 4.0 mang đến thì chúng ta cần phải có một tầm nhìn tốt, một cách tiếp cận tốt hơn so với những gì đã làm với những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.

Trước hết Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng một nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó hệ thống giáo dục đào tạo phải đổi mới theo tinh thần coi khoa học công nghệ là trụ cột chính của sự phát triển. Trong quá trình đào tạo, chúng ta không chỉ truyền tải tri thức mà còn phải dạy sáng tạo, dạy trí tuệ./.

img

 Ông Phạm Văn Hát và robot gieo hạt tự động. ảnh: Trần Quang

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem