Toàn cầu đổ xô đến mua, giá một loại lương thực của Việt Nam cao nhất trong 15 năm

K.Nguyên Chủ nhật, ngày 28/01/2024 13:31 PM (GMT+7)
Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 được dự báo vẫn lạc quan nhờ giá cao và thị trường ổn định. Hiện, giá lúa đông xuân 2023 - 2024 ở nhiều địa phương ĐBSCL rất cao và ổn định.
Bình luận 0

Thị trường xuất khẩu gạo thế giới năm 2023 chứng kiến sự biến động sau khi Ấn Độ có lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo trắng non-basmati, đồng thời cũng mở ra cơ hội để một số nước như Việt Nam, Thái Lan tăng tốc xuất khẩu gạo. 

Thống kê cho thấy, vận chuyển gạo của Ấn Độ ra thế giới đã giảm một nửa kể từ sau khi nước này áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu vào tháng 7/2023. Trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt 16,7 triệu tấn, giảm17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chỉ giảm nhẹ 1,7%, đạt 9,6 tỷ USD do giá gạo tăng cao.

Mới đây, Liên Hợp quốc đã cấm các nhà xuất khẩu Ấn Độ tham gia đấu thầu mua sắm gạo cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vì Ấn Độ đã áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu gạo của nước này. Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 40% thương mại quốc tế, đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm vào tháng 9/2022. Sau đó, Chính phủ nước này tiếp tục cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vào tháng 7/2023 và áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ và đặt giá xuất khẩu tối thiểu (MEP) là 1.200 USD/tấn đối với gạo basmati vào tháng 8/2023, trong bối cảnh giá cả mặt hàng nông sản chủ chốt này tăng cao tại thị trường trong nước.

Toàn cầu đổ xô đến mua, giá một loại lương thực của Việt Nam cao nhất trong 15 năm- Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo tương đối thuận lợi giúp giá lúa đông xuân ở nhiều địa phương ĐBSCL ổn định ở mức cao. Ảnh: Báo Đồng Tháp.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn xuất khẩu gạo đến một số quốc gia như Indonesia, Senegal, Gambia, Nepal, Bhutan, Sri Lanka, Maldives, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Iran trên cơ sở hợp động giữa Chính phủ với Chính phủ.

Trong khi đó, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết, xuất khẩu gạo của nước này trong 11 tháng năm 2023 đạt 7,9 triệu tấn gạo, tăng 14,7%so với cùng kỳ năm 2022. Tương ứng với kim ngạch đạt 4,61 tỷ USD, tăng 28,9%. 

Mặc dù vậy, xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến sẽ giảm 15% xuống còn 7,5 triệu tấn trong năm 2024 do cuộc đua tranh giành vị trí xuất gạo toàn cầu đang dần hạ nhiệt. Theo Bangkok Post, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, ông Chookiat Ophaswongse, dự báo rằng nhu cầu sẽ yếu hơn từ Indonesia, một trong những khách hàng lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á trong năm ngoái. Đồng thời, đồng Baht biến động cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với Việt Nam.

Ở chiều nhập khẩu, theo Cục Công nghiệp Thực vật Philippines (BPI), Philippines đã nhập khẩu 3,57 triệu tấn gạo trong năm 2023, giảm 6,8% so với năm 2022. Dữ liệu của BPI cho thấy, Việt Nam vẫn là nhà cung cấp gạo hàng đầu của Philippines trong năm 2023, chiếm 83% dung lượng thị trường với khoảng 2,97 triệu tấn, giảm 6,4% so với năm trước. 

Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) cho biết, xu hướng tăng giá bán lẻ gạo tại nước này sẽ tiếp tục do giá gạo trên thị trường quốc tế cao. Đồng thời dự kiến sẽ có ít nhất 495.000 tấn gạo nhập khẩu từ Đài Loan và Ấn Độ cho đến tháng 2 để chuẩn bị cho tác động có thể xảy ra của El Niño đối với sản xuất lúa.

Số liệu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy, trong 11 tháng năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 2,4 triệu tấn gạo, giảm 58,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo từ hầu hết các nhà cung cấp như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Myanmar nhưng tăng nhập khẩu gạo duy nhất từ Việt Nam, với mức tăng 12,3%, lên 916.213 tấn. Kết quả này đưa Việt Nam đã trở thành thị trường cung cấp gạo lớn nhất cho Trung Quốc với thị phần chiếm 38,6% so với mức 14,2% của cùng kỳ năm 2022.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS), nhập khẩu gạo của Indonesia chứng kiến mức tăng trưởng đột biến 613% trong năm 2023, đạt gần 3,1 triệu tấn. Phần lớn gạo nhập khẩu của Indonesia năm 2023 đến từ Thái Lan và Việt Nam, với khối lượng lần lượt là 1,4 triệu tấn và hơn 1,1 triệu tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, sản lượng gạo của Indonesia trong 2 tháng đầu năm 2024 dự báo chỉ đạt 2,25 triệu tấn, giảm khoảng 46,3% so với năm trước do ảnh hưởng tiêu cực của điều kiện thời tiết El Nino tới vụ thu hoạch.

Trong khi đó, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) cho biết Chính phủ đã đồng ý giao cho cơ quan này nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2024 để đáp ứng nhu cầu trong nước. Bulog không mấy lạc quan về giá gạo sẽ giảm trong năm nay, nhưng cơ quan này cho biết sẽ đảm bảo rằng lượng gạo dự trữ (CBP) của chính phủ trong kho được an toàn. 

Trong tháng cuối cùng của năm 2023, chỉ số giá gạo toàn cầu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã tăng 1,6% so với mức tháng trước. Tính chung trong năm 2023, chỉ số giá gạo thế giới ghi nhận mức tăng 21% so vớinăm 2022. Trong đó, giá gạo của các nhà sản xuất lớn như Thái Lan, Việt Nam đã tăng từ 35 – 45% lên mức cao nhất trong 15 năm qua.

Đầu năm 2024, giá gạo thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao do nhu cầu ổn định trong khi nguồn cung ở mức thấp. Tính đến ngày 19/1, giá gạo đồ của Ấn Độ, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới dao động ở mức 525 – 535 USD/tấn, tăng 23 USD/tấn so với cuối năm 2023 và là mức cao nhất trong 4 tháng trở lại đây. Bất chấp nhu cầu yếu, giá gạo vẫn tăng do nguồn cung giảm sau khi Chính phủ đẩy mạnh thu mua.

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm ổn định ở mức 653 USD/tấn kể từ cuối năm ngoái đến nay. Một thương nhân tại Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: “Nhu cầu hiện tại không mạnh do người mua đang chờ nguồn cung mới từ vụ thu hoạch Đông Xuân”. 

Thương nhân này cho biết thêm: “Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu năm nay có thể đạt 8 triệu tấn, tương đương với mức của năm 2023, do nhu cầu đối với gạo Việt Nam sẽ vẫn cao”, theo Reuters.

Chia sẻ về thị trường xuất khẩu gạo trong năm 2024, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Côngty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An) cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn lạc quan nhờ giá cao và thị trường ổn định.

Theo ông Bình, mở đầu năm 2024, Trung An đã ký 6 đơn hàng với số lượng 1.500 tấn cho 5 thị trường: Châu Âu (EU), Anh, Malaysia, Dubai và Australia với giá thấp nhất 718 USD/tấn và giá cao nhất là 1.277 USD/tấn, tất cả đều là giá FOB (giá bên cửa khẩu của Việt Nam).

Ông Phạm Thái Bình cũng cho rằng số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể tương đương năm trước, nhưng giá trị cao hơn nhờ giá cao.

Trong báo cáo tháng 1/2024, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 sẽ đạt mức kỷ lục 513,5 triệu tấn (xay xát), giảm 4,5 triệu tấn sovới dự báo tháng trước nhưng vẫn tăng nhẹ 500.000 tấn so với niên vụ 2022-2023.

Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 được USDA dự báo ở mức kỷ lục 522,1triệu tấn, giảm 2,95 triệu tấn so với dự báo trước đó, nhưng tăng gần 1,7 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023 và vượt sản lượng 8,6 triệu tấn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem