Giá gạo tăng cao, vậy nguyên nhân nào khiến doanh nghiệp ngành gạo kinh doanh vẫn èo uột?

Nguyễn Phương Thứ sáu, ngày 22/12/2023 08:16 AM (GMT+7)
Mặc dù giá gạo tăng cao nhưng nhìn chung kết quả kinh doanh của đa số các doanh nghiệp ngành gạo không được như mong đợi do áp lực giá vốn và chi phí lãi vay. Một số doanh nghiệp gạo đã phải điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh...
Bình luận 0

Chi phí quá lớn khiến cho thu không đủ bù chi...

Vừa qua, HĐQT CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam - Vinaseed (mã: NSC) đã công bố nghị quyết về kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2023 với doanh thu hợp nhất đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 6% so với năm ngoái và lợi nhuận trước thuế đạt 266 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. 

Với kế hoạch này, NSC đã điều chỉnh giảm 9% mục tiêu doanh thu và hơn 8% mục tiêu lợi nhuận năm so với kế hoạch kinh doanh trước đó được ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 thông qua. 

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Vinaseed mang về 1.255 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Kết quả, NSC ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 138,5 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 121,4 tỷ đồng, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Như vậy, sau 9 tháng 2023, NSC mới chỉ hoàn thành lần lượt 62,75% và 52,07% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2023 sau điều chỉnh.

CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) cũng đang gặp không ít khó khăn. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, tình hình tài chính của Lộc Trời khá gay go, khi nợ vay tăng nhanh, đi kèm với đó là lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. 

Quý III/2023, Lộc Trời báo lỗ ròng gần 330 tỷ đồng, con số tồi tệ nhất kể từ khi lên UPCoM. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, công ty tăng trưởng doanh thu lên 10.440 tỷ đồng nhưng chỉ lãi ròng hơn 17,3 tỷ đồng, chưa bằng 10% cùng kỳ năm ngoái. Với kế hoạch năm là 400 tỷ lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 4% mục tiêu 2023.

Nợ vay tăng nhanh, khiến chi phí lãi vay phình to, là nguyên nhân chính ăn mòn lợi nhuận Tập đoàn Lộc Trời trong 9 tháng vừa qua, bất chấp doanh thu tăng mạnh.

Theo thông tin từ LTG, mới đây nhóm quỹ Endurance Capital đã bán 1,32 triệu cổ phiếu LTG của CTCP Tập đoàn Lộc Trời, qua đó không còn là cổ đông lớn tại đây từ ngày 21/11/2023. Theo đó, 2 thành viên thuộc quỹ Endurance Capital là Endurance Capital Vietnam I Limited và Endurance Capital Vietnam II S.A. SICAV-RAIF đã bán ra lần lượt 784.740 cổ phiếu và 535.260 cổ phiếu LTG. Sau giao dịch, Endurance Capital giảm số lượng sở hữu tại LTG từ hơn 5,44 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,4%) xuống còn 4,12 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,09%).

Một trong những nỗ lực trong hoạt động kinh doanh của Lộc Trời là đầu tháng 11/2023, Tập đoàn đã ký kết loạt biên bản ghi nhớ (MOU) với đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng về việc triển khai vùng nguyên liệu liên kết sản xuất lúa trên 300.000 ha, cũng như với nhiều đại diện hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại các địa phương. Qua đó, hình thành chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao với mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn lúa/năm, tương đương hơn 2 triệu tấn gạo và phụ phẩm/năm kể từ năm 2024 trở đi. LTG cũng được Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan (FMO) trao ý định thư về việc thu xếp gói thỏa thuận tín dụng trị giá 90 triệu USD (2.100 tỷ đồng).

Giá gạo tăng cao, vậy nguyên nhân nào khiến doanh nghiệp ngành gạo kinh doanh vẫn èo uột?- Ảnh 1.

Mặc dù giá gạo tăng cao nhưng nhìn chung kết quả kinh doanh của đa số các doanh nghiệp ngành gạo không được như mong đợi do áp lực giá vốn và chi phí lãi vay.

Với CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Mã: TAR), kết quả kinh doanh cũng không như mong đợi, nhưng lợi nhuận được bù lại nhờ khoản cổ tức hàng chục tỷ đồng.

Theo đó, dù doanh thu thuần đạt 966 tỷ đồng trong quý III, tăng 94% so với cùng kỳ nhưng do giá vốn hàng bán tăng mạnh nên lãi gộp của Gạo Trung An chỉ đạt 48,8 tỷ đồng, tăng 27%. Tuy nhiên, nhờ khoản cổ tức được chia từ Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang nên TAR báo lãi 12,2 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Gạo Trung An ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 3.500 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi 12,8 tỷ đồng, giảm 75%. 

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cũng đã thông qua việc thanh lý hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 và kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 bao gồm báo cáo công ty mẹ và hợp nhất đối với Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Nam Việt (AASCN). 

Thay vào đó, HĐQT chọn Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học Moore Aisc là đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 và kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 bao gồm báo cáo công ty mẹ và hợp nhất. 

Đáng buồn, cổ phiếu TAR đang vào diện bị hạn chế giao dịch từ ngày 30/10 do đã chậm nộp báo cáo đã soát xét bán niên năm 2023 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã: AGM) thì vừa có văn bản báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo. Theo đó, công ty cho biết đã hoàn thành thực hiện tái cấu trúc và điều chỉnh quy mô hoạt động, tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí. 

Do tới quý III/2023, Angimex kinh doanh mới có chút lãi nên lãi có được chưa bù đắp được lợi nhuận bị âm. Đồng thời, công ty cũng tích cực đẩy mạnh công tác thu hồi công nợ khách hàng để hoàn nhập trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Công ty đang tiếp tục đàm phán với các đối tác để chào bán thanh lý tài sản và chuyển nhượng phần vốn góp tại các công ty con, công ty liên doanh liên kết. 

Ngày 8/12 vừa qua, HĐQT đã nghị quyết thông qua việc phát hành hơn 12,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Thời gian triển khai dự kiến trong năm 2023 hoặc năm 2024, sau khi UBCKNN thông báo về việc nhận đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành. Nếu thành công, Angimex mới nâng được vốn điều lệ từ gần 182 tỷ đồng lên hơn 307 tỷ đồng.

Thị trường gạo sẽ tiếp tục thuận lợi, giá còn tăng

Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, đến thời điểm này, giá gạo xuất khẩu của các nguồn cung trên thế giới gồm Việt Nam và Thái Lan vẫn có xu hướng đi lên.

Theo đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan được điều chỉnh tăng từ 2- 20 USD/tấn so với thời điểm 8/12 vừa qua. Trong đó gạo 5% tấm tăng mạnh 20 USD, lên 643 USD/tấn; gạo 25% tấm tăng 13 USD, lên 581 USD/tấn; gạo 100% tăng nhẹ 2 USD, lên mức 486 USD/tấn.

Tương tự, gạo 5% tấm của Việt Nam cũng được điều chỉnh tăng 5 USD/tấn, lên 663 USD/tấn. Các loại gạo 25% tấm và 100% tấm vẫn giữ vững giá. Gạo 25% tấm duy trì ở mức 643 USD/tấn.

Riêng gạo của Pakistan giảm nhẹ 5 USD, từ mốc 598 USD/tấn xuống còn 593 USD/tấn.

Giá gạo tăng cao đang đặt ra bài toán kinh doanh khó cho các doanh nghiệp gạo. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng nguồn cung gạo của ta tiếp tục hạn chế và phải chờ tới đầu tháng 3/2024 mới vào đợt thu hoạch lúa Đông Xuân. Giá gạo xuất khẩu hiện rất cao nhưng doanh nghiệp không có hàng để bán, việc ký kết hợp đồng mới cũng phải cân nhắc để tránh rủi ro.

Giá gạo tăng cao, vậy nguyên nhân nào khiến doanh nghiệp ngành gạo kinh doanh vẫn èo uột?- Ảnh 2.

Theo các chuyên gia dự báo, thị trường lúa gạo thế giới trong thời gian tới vẫn rất khó đoán. Tuy nhiên, nguồn cung ít trong khi nhu cầu thế giới tăng sẽ giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam tiếp tục có lợi thế. Ảnh: Chúc Ly

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2023 cả nước xuất khẩu 600.481 tấn gạo, tương đương 400,35 triệu USD, giá trung bình 666,7 USD/tấn, giảm 5,5% về lượng, giảm 1,6% về kim ngạch nhưng tăng 4,1% về giá so với tháng 10/2023; so với tháng 11/2022 thì tăng 2,4% về lượng, tăng 38,4% kim ngạch và tăng 35,2% về giá.

Trong tháng 11/2023 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines tiếp tục tăng mạnh 31,9% về lượng và tăng 42,7% về kim ngạch, tăng 8,2% về giá so với tháng 10/2023, đạt 245.009 tấn, tương đương 166,75 triệu USD, giá 680,6 USD/tấn; so với tháng 11/2022 thì giảm 5% về lượng, nhưng tăng 37% kim ngạch và tăng 44,3% về giá. Xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia tháng 11/2023 giảm trên 24% cả về lượng và kim ngạch nhưng tăng nhẹ 0,06% về giá so với tháng 10/2023, đạt 109.575 tấn, tương đương 69,77 triệu USD; so với tháng 11/2022 thì tăng rất mạnh 836,6% về lượng, tăng 1.020% kim ngạch và tăng 19,6% về giá.

Đáng chú ý là xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 11/2023 giảm rất mạnh 53,6% về lượng và giảm 52,9% về kim ngạch so với tháng 10/2023, đạt 11.658 tấn, tương đương 7 triệu USD; so với tháng 11/2022 cũng giảm rất mạnh 76,9% về lượng, giảm 72,9% kim ngạch.

Tính chung cả 11 tháng năm 2023 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 7,64 triệu tấn, tương đương gần 4,34 tỷ USD, tăng 14,5% về khối lượng, tăng 34% về kim ngạch so với 11 tháng năm 2022, giá trung bình đạt 567,7 USD/tấn, tăng 17%.

Giá lúa gạo hôm nay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục đồng loạt tăng với gạo. Theo đó, tại các địa phương như Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, giá gạo chợ điều chỉnh tăng từ 50 – 100 đồng/kg.

Ghi nhận tại thị trường lúa hôm nay, nhu cầu cọc lúa vụ Đông Xuân tăng cao, nhiều thương lái, doanh nghiệp hỏi mua. 

Trên thị trường gạo, hôm nay nguồn gạo ít, chủ yếu từ các đồng ở khu vực Sóc Trăng, Bạc Liêu. Nhà máy chào ít do nguồn hạn chế. Riêng tại Đồng Tháp giá gạo OM 5451 đẹp kho phải trả giá cao hơn từ 50 – 70 đồng mới mua được.

Theo các chuyên gia dự báo, thị trường lúa gạo thế giới trong thời gian tới vẫn rất khó đoán. Tuy nhiên, nguồn cung ít trong khi nhu cầu thế giới tăng sẽ giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam tiếp tục có lợi thế.

Do năm nay giá gạo trên thị trường ở mức cao nên các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, dẫn đến lượng tồn kho cuối năm khá mỏng và do Đồng bằng sông Cửu Long vào cuối vụ thu hoạch Thu Đông, còn vụ Đông Xuân 2023-2024 vẫn chưa bắt đầu nên lượng lúa gạo hàng hóa trong dân không còn nhiều. Nguồn cung khan hiếm sẽ kéo giảm lượng gạo xuất khẩu trong tháng cuối năm và đầu năm 2024.

Tuy nhiên, các Bộ, ban ngành và doanh nghiệp cho biết trong năm 2024 gạo Việt vẫn đủ khả năng để xuất khẩu lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Theo kịch bản an toàn nhất mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, mỗi năm Việt Nam còn dư khoảng 13 - 14 triệu tấn lúa, tương đương hơn 7 triệu tấn gạo. Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài.

Hiện các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực tập trung nguồn hàng cho các hợp đồng cuối năm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem