Sơn La: Nuôi thứ vịt đặc sản, một nông dân đút túi cả trăm triệu đồng

Trung Hải - Tuệ Linh Thứ sáu, ngày 09/04/2021 06:03 AM (GMT+7)
Với mô hình nuôi vịt cổ xanh, bà Lò Thị Lả, bản Dăm Hoa (xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã có nguồn thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, qua đó từng bước ổn định cuộc sống gia đình và vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Tận dụng đất sẵn có, gia đình bà Lò Thị Lả dành một phần đất khoảng 200 m2 để xây chuồng nuôi vịt giống và một ao rộng khoảng 800 m2 quây kín lại để nuôi hơn 1.000 con vịt cổ xanh. Nhờ được chăm sóc đúng quy cách, vịt ít bệnh, thịt chất lượng nên được các chủ nhà hàng, quán ăn ẩm thực trên địa bàn tìm đến mua.

Nuôi con lông xám, ánh xanh lam, xanh lục, 1 nông dân đút túi cả trăm triệu đồng - Ảnh 1.

Vịt cổ xanh là giống vịt dễ chăm sóc và chi phí đầu tư thấp.

Với giá bán giao động từ 80.000 đồng – 90.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình bà Lả thu lãi hàng trăm triệu đồng. Từ ngày gắn bó với nghề nuôi vịt cổ xanh, kinh tế gia đình bà Lả ngày càng khá giả, có của ăn của để.

Nhớ lại tháng ngày gian khó, bà Lò Thị Lả kể: Trước đây, gia đình tôi trồng ngô là chủ yếu. Trồng được một thời gian, cây ngô mất giá, chi phí đầu tư càng ngày càng lớn. Vì vậy, gia đình tôi bỏ ngô chuyển sang tìm cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao hơn. 

Nhận thấy nhu cầu thị trường đối với vịt cổ xanh ngày một tăng, năm 2016, gia đình tôi quyết định vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Sơn về để đầu tư xây dựng chuồng, cải tạo lại ao nuôi và gây giống đàn vịt bố mẹ.

Theo bà Lả, vịt cổ xanh là giống vật nuôi gần gũi và gắn bó với người dân từ lâu. Ưu điểm nổi bật của giống vịt này là mẫu mã đẹp, khi đạt tiêu chuẩn xuất chuồng, vịt có bộ lông xám, ánh xanh lam, xanh lục, phần cổ chuyển sang màu xanh biếc rất đẹp.

Khác với các loại vịt thông thường, vịt cổ xanh có trọng lượng không lớn, trung bình chỉ từ 1,4 kg - 1,7 kg/con, xương nhỏ, da có màu vàng đặc trưng, thịt thơm. Đặc biệt, thịt vịt cổ xanh có chất lượng thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng.

Nuôi con lông xám, ánh xanh lam, xanh lục, 1 nông dân đút túi cả trăm triệu đồng - Ảnh 2.

Nhờ nuôi vịt cổ xanh mỗi năm gia đình bà Lò Thị Lả có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc vịt cổ xanh, bà Lả cho biết: Để vịt cổ xanh có sức khỏe tốt và phát triển ổn định đòi hỏi người nuôi vịt phải nắm vững các kỹ thuật chăn nuôi. Vịt giống phải được lựa chọn kỹ lưỡng từ các cơ sở uy tín, đảm bảo an toàn dịch bệnh và có nguồn gốc rõ ràng. Nên chọn những con vịt khỏe mạnh, nhanh nhẹn.

Nuôi con lông xám, ánh xanh lam, xanh lục, 1 nông dân đút túi cả trăm triệu đồng - Ảnh 3.

Giống vịt cổ xanh được bà Lả chọn mua từ những cơ sở uy tín trong tỉnh.

Trước khi mua vịt về nuôi khoảng 7 ngày phải dọn sạch chuồng, nền chuồng cần được quét vôi. Sau khi vôi khô, cho phôi bào, mùn cưa hoặc trấu khô, rơm rạ băm nhỏ, khô sạch vào chuồng làm chất độn chuồng, chuồng phải thoáng, sáng và không có gió lùa. Đối với vịt cổ xanh con nhiệt độ có vai trò quyết định cho sự sinh trưởng, phát triển giai đoạn đầu.

Nếu nhiệt độ thiếu, vịt cổ xanh sẽ còi cọc, rất dễ mắc bệnh và chết với tỷ lệ cao. Khả năng điều tiết thân nhiệt của vịt con giai đoạn đầu chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh và chịu ảnh hưởng nhiều vào điều kiện môi trường. 

Do vậy nhiệt độ phải đảm bảo cho vịt con đủ ấm. Để phòng dịch bệnh cho vịt thì sau khoảng nửa tháng nuôi phải tiến hành tiêm các loại vaccine.

Đồng thời, thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun thuốc khử trùng, sát khuẩn xung quanh chuồng nuôi để hạn chế tối đa các loại tác nhân gây bệnh cho vịt. 

Về thức ăn cho vịt thì trong khoảng 1 tháng đầu nên cho vịt con ăn cám cò để vịt con có đủ chất và sức đề kháng, khi vịt lớn thì cho ăn cám gạo, cám ngô trộn với rau để thịt vịt được thơm ngon, rắn chắc hơn.

Bên cạnh đó, phải cho vịt thường xuyên ăn no và đủ chất, tránh để vịt đói quá, chúng có thể ăn rất nhiều, vừa tốn thức ăn lại ảnh hưởng đến sức khỏe của vịt. Chính vì thế, để đảm bảo lượng thức ăn cho vịt, bà còn tận dụng diện tích đất trống của gia đình để trồng thêm rau và ngô cho vịt ăn. Vừa giảm được bớt chi phí, lại vừa đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho vịt.

Nuôi con lông xám, ánh xanh lam, xanh lục, 1 nông dân đút túi cả trăm triệu đồng - Ảnh 4.

Bình quân 4 tháng, gia đình bà Lò Thị Lả xuất bán ra thị trường khoảng 800kg thịt vịt cổ xanh với giá bán dao động từ 80.000 đồng đến 90.000 đồng/kg

Đánh giá về mô hình nuôi vịt cổ xanh của gia đình bà Lò Thị Lả, anh Lò Văn Bun, Chủ tịch Hội nông dân xã Chiềng Mai (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), cho biết: Đây là mô hình chăn nuôi vịt cổ xanh mang lại hiệu quả cao trên địa bàn xã Chiềng Mai. Thành công của mô hình kinh tế này không chỉ giúp gia đình bà Lò Thị Lả phát triển kinh tế gia đình mà còn là địa chỉ tin cậy để người dân xã tham quan, học tập, góp phần lan tỏa phong trào làm giàu ngay trên chính quê hương. 

Trong thời gian tới, Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích chăn nuôi vịt cổ xanh trên địa bàn. Đồng thời, mở các lớp tập huấn và hướng dẫn, hỗ trợ về vốn để bà con yên tâm phát triển kinh tế, từng bước xây dựng thương hiệu và nâng cao thu nhập cho bà con.

Nuôi con lông xám, ánh xanh lam, xanh lục, 1 nông dân đút túi cả trăm triệu đồng - Ảnh 5.

Khác với các loại vịt thông thường, vịt cổ xanh có trọng lượng không lớn, trung bình chỉ từ 1,4 kg - 1,7 kg/con, xương nhỏ, da có màu vàng đặc trưng, thịt thơm

Hiện nay, bình quân 4 tháng, gia đình bà Lò Thị Lả xuất bán ra thị trường khoảng 800kg thịt vịt cổ xanh với giá bán dao động từ 80 nghìn đồng đến 90 nghìn đồng/kg. Đầu ra chủ yếu là các nhà hàng, các chợ ở huyện Mai Sơn và thành phố Sơn La. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà Lò Thị Lả thu lãi trên 100 triệu đồng.

Trò chuyện với anh Nguyễn Tuấn Minh, chủ nhà hàng vịt bản Chiềng Mai, phường Quyết Tâm (Thành phố Sơn La), anh Minh cho biết: Nhà hàng của tôi hoạt động được gần 5 năm nay, mỗi tháng tiêu thụ từ 1.000 con vịt - 1.200 con vịt. 

"Nhà hàng chúng tôi lựa chọn những con vịt cổ xanh đạt tiêu chuẩn ở các bản của xã Chiềng Mai làm nguồn cung cấp chính và để chế biến các món quen thuộc như: Vịt luộc, vịt hấp, vịt nướng than hoa, vịt om sấu, vịt nấu măng..."

Ngoài ra, còn chế biến thêm các món phù hợp với trẻ em và người cao tuổi, như: Xôi vịt, cháo vịt, vịt xào xả ớt, vịt rang riềng. 

Đánh giá về giống vịt cổ xanh ở đây, tôi thấy vịt tuy có trọng lượng không quá lớn nhưng thịt vịt rất chắc, thơm ngon nên khách hàng sau khi đến nhà hàng tôi thưởng thức đều rất hài lòng và tin tưởng sử dụng.

Với mô hình nuôi vịt cổ xanh, gia đình bà Lò Thị Lả không những cải thiện được kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu mà còn góp phần đa dạng hóa vật nuôi ở địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về vịt cổ xanh trên thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem