Quảng Bình: Một ông nông dân có bằng ĐH Luật về nuôi thứ chim "sang chảnh" như nuôi gà ta, nhiều người tìm đến xem

Thứ năm, ngày 25/03/2021 19:18 PM (GMT+7)
Nuôi chim trĩ. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật kinh tế, ra trường có việc làm ổn định, thế nhưng, lối rẽ giúp anh Phạm Anh Tuân, sinh năm 1985, ở thôn 6, xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đi đến thành công trên con đường lập nghiệp lại là mô hình nuôi chim trĩ.
Bình luận 0

Ban đầu, ấn tượng của Phạm Anh Tuân (xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) về loài chim trĩ chính là vẻ bề ngoài bắt mắt của chúng với những bộ lông rực rỡ, nhiều màu sắc rất phù hợp với việc nuôi làm cảnh. 

Từ đam mê, anh đi sâu vào tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia vào các CLB, Hội những người nuôi chim trĩ trong nước để tìm hiểu và học hỏi kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng loài chim này. 

Càng tìm hiểu, anh nhận thấy ngoài làm cảnh thì chim trĩ còn là thực phẩm có nhiều giá trị về dinh dưỡng. Hiện tại, tại tỉnh Quảng Bình, có rất ít người dám mạnh dạn mở rộng mô hình nuôi chim trĩ này mà chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ.

Quảng Bình: Một ông nông dân có bằng ĐH Luật về nuôi thứ chim "sang chảnh" như nuôi gà ta, nhiều người tìm đến xem - Ảnh 1.

Sắp tới, anh Phạm Anh Tuân (xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) sẽ mở rộng quy mô trang trại nuôi chim trĩ từ gấp hai đến ba lần nhằm đáp ứng nhu cầu chim trĩ bán ra thị trường.

Từ ý tưởng nuôi chim trĩ làm cảnh, anh Tuân đã từng bước hiện thực hóa ước mơ của mình. Được sự hỗ trợ của gia đình, năm 2017, Phạm Anh Tuân đã đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại ở vùng đất đồi thuộc thôn 6, xã Lộc Ninh, mua vài cặp chim trĩ giống về nuôi thử. 

Công việc thuận lợi, 2 năm sau, anh đã nhân rộng mô hình với gần 300 chim bố mẹ, gần 1.000 con chim trĩ thương phẩm. 

Từ thành công của mô hình chăn nuôi chim trĩ, anh Tuân đã mạnh dạn mở nhà hàng “Chim trĩ Quảng Bình”. Mô hình bước đầu đã được nhiều khách hàng trong và ngoài địa phương đón nhận.

Thu nhập bình quân hàng năm của trang trại nuôi chim trĩ và nhà hàng của anh Phạm Anh Tuân là trên 300 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với thu nhập từ 4-12 triệu đồng/người/tháng. 

Với anh Tuân, đó chỉ mới là những bước khởi đầu để anh từng bước mở rộng mô hình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. 

Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán ra thị trường 500-600 con chim trĩ giống và chim trĩ thương phẩm, hơn 3 nghìn quả trứng chim trĩ. Giá 1 con chim trĩ giống 1 tháng tuổi là 90.000 đồng và giá tiền càng cao tùy vào số tháng tuổi; chim trĩ thịt từ 220.000-250.000 đồng/kg; trứng chim trĩ giá 10.000 đồng/quả.

Anh chia sẻ: “Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trang trại nuôi chim trĩ từ gấp hai đến ba lần so với hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu chim trĩ bán thị trường. Ngoài ra, tôi cũng sẽ liên kết với các trang trại nhỏ lẻ ở Quảng Bình để tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm”.

Ngoài nuôi chim trĩ, hiện trang trại của anh Phạm Anh Tuân còn nuôi thêm gà, bồ câu, vịt trời và trồng rau sạch. Những sản phẩm này chủ yếu là nguồn thực phẩm cung cấp cho nhà hàng của anh theo phương châm kinh doanh là “ngon từ chất, sạch từ nguồn”.

Ông Hoàng Minh Khang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) cho biết: “Hội nông dân xã đánh giá cao mô hình nuôi chim trĩ và đưa chim trĩ từ trang trại đến bàn ăn của anh Phạm Anh Tuân. Dù mới thành lập được hơn 3 năm nhưng mô hình của anh đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền để hội viên nông dân trong xã học tập và làm theo”.

Trong lộ trình xây dựng xã Lộc Ninh thành xã nông thôn mới nâng cao, địa phương cần có các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). 

Đối chiếu với các yêu cầu đặt ra, mô hình chim trĩ của anh Phạm Anh Tuân cơ bản đáp ứng các tiêu chí này. Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, hiện nay, anh Tuân đang xúc tiến các thủ tục, nâng cao chất lượng các sản phẩm từ chim trĩ để đưa sản phẩm này tham gia bình xét sản phẩm OCOP.

Ông Trần Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) cho biết: “Đây là mô hình nhằm thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sạch từ chăn nuôi đến bàn ăn và đến người tiêu dùng, được nhiều khách hàng ủng hộ và là một tiêu chí để xã định hướng sản phẩm OCOP của địa phương. Thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện và đề xuất với các cấp, ngành liên quan hỗ trợ về vốn và kỹ thuật giúp cho mô hình này được nhân rộng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương”.



Cái Huệ (Báo Quảng Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem