Phú Thọ: Từ hộ nghèo rớt mồng tơi thành tỷ phú chỉ mất có 7 năm, người ấy là ai?

Ngô Hùng Thứ ba, ngày 01/09/2020 06:31 AM (GMT+7)
Trước đây, hoàn cảnh của anh Lê Văn Nghiệp (thôn Phú Cường, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) vô cùng khó khăn. Đến ngôi nhà cũng do người dân địa phương chung tay đóng góp xây cho. Vậy mà giờ đây, anh trở thành một tỷ phú khiến mọi người ai nấy đều ngưỡng mộ. Anh ấy làm nghề gì?
Bình luận 0

Phú Thọ: Từ hộ nghèo được người dân góp tiền xây nhà, anh Lê Văn Nghiệp (thôn Phú Cường, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) thành tỷ phú nhờ nghề gỗ công nghiệp. Vừa qua, Hội đồng bình chọn chung khảo Trung ương đã bình chọn anh Nghiệp là 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020.

Anh Lê Văn Nghiệp (trú tại thôn Phú Cường, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) là tấm gương về nghị lực vươn lên làm giàu nổi tiếng tại địa phương. 

Hiện nay, anh là chủ của một xưởng sản xuất gỗ công nghiệp rộng hàng chục nghìn mét vuông, doanh thu hàng tỷ đồng một năm. Thế nhưng, ít ai biết rằng, trước khi có được cơ ngơi như ngày hôm nay, xuất phát điểm của anh Nghiệp là từ con số âm.

Phú Thọ: Từ hộ nghèo người dân phải góp tiền xây nhà, thành tỷ phú nhờ nghề gỗ công nghiệp - Ảnh 1.

Anh Nghiệp, Lê Văn Nghiệp (thôn Phú Cường, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) một tấm gương về nghị lực phi thường khi vượt khó làm giàu

Cuối tháng 8/2020, dù thời tiết vẫn còn âm u, nhưng nghĩ đến tấm gương sáng vươn lên làm giàu của anh Nghiệp, chúng tôi vẫn quyết định tìm đến gặp anh. 

Con đường từ thị trấn Yên Lập vào nhà anh chỉ khoảng 20km, nhưng con đường khúc khuỷu, nhiều "ổ voi", "ổ gà", khiến chúng tôi mất hơn 1 giờ đồng hồ mới có mặt tại nhà anh.

Gặp chúng tôi, anh Nghiệp vui vẻ chia sẻ về quãng đời đầy chông gai của mình. Theo anh, anh là con thứ 6 trong gia đình có 12 người con. Bố mẹ làm nông nghiệp, lại đông con nên hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Phú Thọ: Từ hộ nghèo người dân phải góp tiền xây nhà, thành tỷ phú nhờ nghề gỗ công nghiệp - Ảnh 3.

Để được như ngày hôm nay, vợ chồng anh Nghiệp đã phải rất nỗ lực

"Năm 1988, theo tiếng gọi của Tổ Quốc, tôi tham gia Bộ đội Biên phòng, đóng quân tại Hà Giang. Năm 1991, tôi xuất ngũ trở về quê hương với số tiền được hưởng trợ cấp khoảng 4 triệu đồng", anh Nghiệp chia sẻ.

Năm 1993, anh Nghiệp lấy vợ, đến năm 1995 thì có cậu con trai đầu tiên. "Nghề nghiệp lúc đó không có, chỉ đi làm thuê làm mướn nên kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm. Đúng đợt khó khăn nhất, ngôi nhà mà 2 vợ chồng dựng tạm, bỗng đổ sụp khi gặp mưa bão. Thấy hoàn cảnh của gia đình quá bi đát, người dân quanh vùng không ai bảo ai đến hỗ trợ tiền, công sức, cây gỗ, cây tre hay cành lá cọ để giúp gia đình tôi dựng lại nhà", anh Nghiệp xúc động.

Phú Thọ: Từ hộ nghèo người dân phải góp tiền xây nhà, thành tỷ phú nhờ nghề gỗ công nghiệp - Ảnh 4.

Anh Lê Văn Nghiệp luôn phấn đấu hết mình vì mong con cái không phải chịu khổ như mình

Dù trong hoàn cảnh bi đát, anh vợ chồng anh Nghiệp luôn nhắc nhở nhau phải chung tay phấn đấu, nỗ lực hết mình để các con sau này không phải sống khổ. 

Do đó, vợ ở nhà chăm con, trông nom đồng ruộng, còn anh Nghiệp thường xuống huyện Thanh Sơn để buôn gạch, cát, sỏi đem về địa phương bán.

"Tôi thấy dưới huyện Thanh Sơn có nhu cầu và có thể bao tiêu được cây gỗ nên khi xe xuống Thanh Sơn, tôi sẽ chở gỗ, khi về thì chở gạch, cát, sỏi, nhờ đó thu nhập cũng tăng cao. Buôn lâm sản được một thời gian thì thị trường bão hòa, tôi đã nghĩ ngay đến việc mở xưởng bóc, xưởng xẻ và dăm gỗ", anh Nghiệp chia sẻ.

Phú Thọ: Từ hộ nghèo người dân phải góp tiền xây nhà, thành tỷ phú nhờ nghề gỗ công nghiệp - Ảnh 5.

Từ chiếc máy bóc gỗ đầu tiên

Nghĩ là làm, năm 2013, anh Nghiệp gom góp hết vốn liếng tích cóp, cộng với việc vay ngân hàng, bạn bè, anh xây dựng nhà xưởng, mua máy bóc.

"Làm được một thời gian, thấy nhu cầu của thị trường về gỗ xẻ, dăm gỗ, tôi tiếp tục làm dự án, mở rộng diện tích, xây thêm nhà xưởng, mua thêm máy xẻ, máy băm dăm. Cũng nhờ đó, thu nhập đã tăng lên gấp nhiều lần.

Đến nay, doanh thu hằng năm của gia đình tôi được nhiều tỷ đồng. Gia đình có của ăn của để, con cái được học hành tới nơi tới chốn, đó là niềm vui mà tôi cũng không ngờ mình có thể làm được", anh Nghiệp vui vẻ tâm sự.

Phú Thọ: Từ hộ nghèo người dân phải góp tiền xây nhà, thành tỷ phú nhờ nghề gỗ công nghiệp - Ảnh 6.

Phú Thọ: Từ hộ nghèo người dân phải góp tiền xây nhà, thành tỷ phú nhờ nghề gỗ công nghiệp - Ảnh 7.

Anh Lê Văn Nghiệp, Lê Văn Nghiệp (thôn Phú Cường, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) mở thêm xưởng xẻ, xưởng băm dăm đem lại thu nhập cao hơn rất nhiều lần...

Mở rộng quy mô sản xuất, anh Nghiệp đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 20 người ở địa phương, với thu nhập cao.

"Trong cuộc sống, cũng như trong kinh doanh, tôi luôn tâm đắc câu "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai". Bởi, nếu mình không có quyết tâm, không nỗ lực, không dám đối mặt với khó khăn thì chắc chắn sẽ không thể thành công", anh Nghiệp cho biết.

Phú Thọ: Từ hộ nghèo người dân phải góp tiền xây nhà, thành tỷ phú nhờ nghề gỗ công nghiệp - Ảnh 8.

Nhờ đó tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương và hỗ trợ những gia đình khó khăn quanh vùng

Cũng theo anh Nghiệp, nhớ lại thời khó khăn được người dân quanh vùng giúp đỡ, nên hiện nay, cứ mỗi dịp lễ Tết, anh lại dành một phần tiền để hỗ trợ cho các gia đình gặp khó khăn ở địa phương. Ngoài ra, đối với những người bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn mà có hoàn cảnh bi đát, anh cũng không ngần ngại rút ví hỗ trợ ngay.

Với những nỗ lực trong lao động sản xuất, vừa qua, anh Lê Văn Nghiệp được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 dự kiến được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem