Nuôi lợn sạch: Kỳ quặc cách ép lợn rừng dũi đất, chạy bộ trên đồi

Đức Thịnh Thứ tư, ngày 12/04/2017 19:00 PM (GMT+7)
Để miếng thịt lợn rừng bì dày, giòn sừn sựt, thịt nhiều nạc thơm, ngon, ngọt tự nhiên, khách hàng ăn 1 lần nhớ mãi, ngoài chọn con giống chất lượng, lão nông Trần Doanh Nhàn ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội đã có phương pháp riêng trong việc tạo ra khẩu phần ăn phù hợp với đàn lợn rừng.
Bình luận 0

Về thôn Đá Thâm hỏi nhà ông Nhàn “lợn rừng” thì ai cũng biết. Nổi tiếng như vậy bởi gia đình ông Nhàn là người duy nhất trong thôn thành công với mô hình chăn nuôi lợn rừng bán hoang dã. Với việc thường xuyên duy trì từ 10 – 20 con lợn rừng bố mẹ và 150 con lợn rừng thương phẩm/năm, gia đình ông Nhàn có quy mô nuôi lợn rừng lớn nhất xã.

img

Hiện ông Nhàn đang áp dụng khẩu phần ăn cho đàn lợn rừng là 95% là rau, củ, quả các loại, 5% là cám, gạo, bã bia, cám mỳ…

Nuôi con “đặc sản” lợn rừng với quy mô khá lớn, nhưng ông Nhàn xuất bán vô cùng thuận lợi. Các nhà hàng, khách sạn thi nhau đánh xe tải về tận nhà bắt lợn. Năm 2016, ông xuất bán hơn 100 con lợn rừng, với giá từ 130.000 – 180.000 đồng/kg thu về 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ông còn lãi gần 200 triệu đồng.

img

Ông Nhàn cho biết, lợn rừng thường đẻ mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 8-10 con. Nuôi 12  tháng, lợn rừng đạt 25 - 35kg/con có thể xuất bán thương phẩm với giá cao gấp 3 – 5 lần so với lợn thịt thông thường.

Ông Nhàn thổ lộ: “Để miếng thịt lợn rừng bì dày, giòn sừn sựt, thịt nhiều nạc thơm, ngọt tự nhiên, khách hàng ăn 1 lần nhớ mãi, ngoài chọn con giống chất lượng, người nuôi phải có phương pháp riêng trong việc tạo ra khẩu phần ăn phù hợp với đàn lợn rừng”.

img

Những con lợn rừng bố mẹ được nuôi lâu năm có bộ răng năng rất dài.

Ngay từ đầu chăn nuôi lợn rừng, ông Nhàn áp dụng phương thức bán chăn thả và không dùng cám công nghiệp. Tuy nhiên, đàn lợn rừng có tỷ lệ mỡ nhiều. Miếng thịt lợn thơm, ngon nhưng do mỡ nhiều nên thương lái ép giá. Có thời điểm, cả vài chục con lợn rừng đến lúc xuất bán nhưng không có người mua.

img

Lợn rừng con có bộ lông sọc dưa (vệt lông màu vàng chạy dọc thân trên nền da màu đen hoặc nâu). Khi lợn con trên 3 tháng tuổi, các vệt sọc dưa này không còn nữa.

Sau khi thử nghiệm nhiều cách nuôi khác nhau, ông Nhàn đã tìm ra cách nuôi lợn rừng theo hướng sạch và dân dã tốt nhất. Theo đó, thức ăn cho lợn rừng chủ yếu là cỏ voi, cám ngô, bã bia, cám mỳ… “Người nuôi phải biết chia tỷ lệ thức ăn tinh bột phù hợp cho lợn. Nếu cho ăn nhiều tinh bột như gạo, ngô … thịt lợn sẽ mỡ nhiều”, ông Nhàn cho biết.

img

Ông Nhàn dành  riêng 1 khoảng làm sân cho lợn vận động, tắm nắng.

 Hiện, ông Nhàn đang áp dụng khẩu phần ăn cho đàn lợn rừng là 95% là rau, củ, quả các loại (được sản xuất tại trang trại), 5% là cám, gạo, bã bia, cám mỳ… “Áp dụng cách nuôi này, thời gian xuất bán đàn lợn lâu hơn nhưng chất lượng thịt lợn rừng thơm ngon. Có bao nhiêu lợn rừng, tôi cũng bán hết veo trong 1 nốt nhạc”, ông Nhàn chia sẻ.

Bạn đọc Dân việt muốn tìm hiểu mô hình nuôi lợn rừng liên hệ với ông Trần Doanh Nhàn số điện thoại: 0124.966.1707

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem